Hành trình tìm về nguồn cội
Cội rễ là hành trình khám phá cuộc sống của Kunta Kinte, một người châu Phi, bị bắt và bán làm nô lệ từ thế kỷ XVIII cùng những đời con cháu của ông ở Mỹ.
Kunta Kinte sinh ra ở ngôi làng Jufureh, Gambia. Ông bị những người buôn nô lệ bắt cóc và tống lên tàu Lord Ligonier. Sau hành trình kinh hoàng băng qua Đại Tây Dương, Kunta và những nô lệ da đen khác đã cập bến Annapolis (bang Maryland, Mỹ). John Waller ở Spotsylvania (Virginia) đã mua Kunta tại một cuộc đấu giá và đặt tên mới là Toby. Những năm tháng khổ ải của một nô lệ da đen bắt đầu. Mãi đến đời con cháu thứ năm, khi chế độ nô lệ ở Mỹ kết thúc, những người nô lệ mới được rời nhà chủ, tìm kiếm những vùng đất mới để lập nghiệp và có cuộc sống thịnh vượng. Thế hệ thứ sáu của dòng tộc Kinte đã có người tốt nghiệp đại học. Alex Haley - tác giả của Cội rễ - là hậu duệ đời thứ bảy.
|
Tác giả Alex Haley |
Để có tư liệu cho Cội rễ, Alex Haley đã đến Juffure, Gambia (thuộc Tây Phi), tìm gặp các griot (những người kể chuyện được xem như những nhà sử học truyền khẩu). Trong số đó có griot tên Kebba Kanji Fofana. Người này đã kể cho Haley nghe nhiều câu chuyện của bộ tộc Kinte. Theo đó, bộ tộc Kinte có nguồn gốc từ Mali cổ, chuyển đến Mauritania và định cư ở Gambia. Người con trai cả của Kinte, khi đó khoảng 16 tuổi, đi chặt gỗ làm trống và không bao giờ trở về làng.
Sau khi tìm kiếm hồ sơ về các cuộc di chuyển của quân đội Anh vào những năm 1760, Haley tìm thấy chiếc tàu chở nô lệ Lord Ligonier đã rời Gambia vào ngày 5/7/1767. Lord Ligonier đến Annapolis ngày 29/9/1767 và những nô lệ được rao bán đấu giá trên Maryland Gazette vào ngày 1/10/1767. Trong các sổ sách chuyển nhượng của quận Spotsylvania sau tháng 9/1767, có văn bản chuyển nhượng một nô lệ tên Toby từ John và Ann Waller cho William Waller ngày 5/9/1768.
Sau 9 năm thu thập tư liệu, Haley dành 3 năm tiếp theo để hoàn thành tác phẩm. Trong nỗ lực mang lại cảm xúc chân thật nhất cho người đọc, Haley lên chiếc tàu chuyên chở mủ cao su đóng kiện mang tên Ngôi sao châu Phi, khởi hành từ Liberia đến Florida để có thể hình dung về cảm giác của Kunta Kinte trên chiếc tàu chở nô lệ. Vượt qua nỗi sợ hãi và cả cảm giác bế tắc vì không thể mô tả chính xác cảm xúc của Kinte trong gần 3 tuần lênh đênh trên biển, Haley đã một mình trải nghiệm cảm giác cô đơn, lạnh lẽo, hoảng sợ… ở tầng hầm tăm tối, ẩm ướt của con tàu trong 8 đêm. Trong bóng tối, ông đã viết những cảm xúc, suy nghĩ của mình trên những tấm giấy màu vàng cầm theo. Khi về nhà, ông chép lại để hoàn thành chương kể về Kunta Kinte trên chuyến tàu chở nô lệ. Haley nói đó là trải nghiệm xúc động nhất của ông trong toàn bộ tác phẩm.
Không chỉ có khát vọng tự do, khát vọng được khẳng định bản thân được kể qua cuộc đời đầy biến động của các nhân vật, Cội rễ còn là bức tranh sống động về đời sống văn hóa bản địa Tây Phi và kỷ nguyên hỗn loạn của Mỹ thời nội chiến. Tất cả được Haley ghi chép lại từ lịch sử truyền miệng được bảo tồn cẩn thận trong gia đình ông ở Mỹ và châu Phi, cùng với kết quả của nhiều năm nghiên cứu tại hơn 50 thư viện và kho lưu trữ trên 3 lục địa.
Tiếng vang và tranh cãi
Cội rễ nhanh chóng lọt vào tốp 5 tác phẩm bán chạy nhất của The New York Times. Trong thời gian ngắn, hàng triệu bản Cội rễ đã bán hết. Có những nơi người ta đập vỡ tủ kính để “cướp” sách đang trưng bày. Hàng trăm trường học ở Mỹ đã đưa Cội rễ vào chương trình giảng dạy văn học. Tác phẩm cũng được xuất bản bằng 37 ngôn ngữ.
|
Tập sách Cội rễ phát hành năm 2024 |
Từ thành công này, sách đã được chuyển thể thành loạt phim truyền hình 8 tập nổi tiếng - Roots (1977). Bộ phim đã thu hút hơn 130 triệu lượt xem - một kỷ lục chưa từng có ở thời điểm bấy giờ.
Cùng với những thành công, Cội rễ cũng gây ra nhiều tranh luận lẫn kiện tụng. Đầu năm 1977, Haley đối mặt với 2 vụ kiện đạo văn. Harold Courlander cho rằng, Cội rễ đã sao chép từ tiểu thuyết The African (1967) của ông. Walker cũng cáo buộc Haley đã đạo văn từ tiểu thuyết Jubilee (1966) của bà. Vụ kiện của Courlander đã được giải quyết bằng số tiền 650.000 USD. Haley thừa nhận đã sao chép một số đoạn từ The African. Vụ kiện của Walker bị tòa bác bỏ với kết luận không có điểm tương đồng nào giữa Roots và Jubilee.
Một số nhà sử học và nhà phả hệ học cho rằng, Haley không dựa vào bằng chứng thực tế chặt chẽ như ông đã nói và viết trong tác phẩm. Họ chỉ ra những sai sót nghiêm trọng trong lịch sử gia đình Haley và các mô tả lịch sử trước nội chiến. Tháng 4/1977, một tờ báo ở Anh còn có bài viết cho rằng, xác nhận duy nhất của người châu Phi về lịch sử gia đình Haley chỉ từ griot Fofana trong khi chính Fofana đã thay đổi các chi tiết chính trong câu chuyện.
Bất chấp tranh cãi, kiện tụng, Cội rễ vẫn giành được giải thưởng sách quốc gia và giải thưởng Pulitzer năm 1977. Loạt phim truyền hình cũng giành được 9 giải Emmy và một giải Peabody. Cả sách lẫn loạt phim truyền hình đã trở thành hiện tượng văn hóa ở Mỹ. Nó kích thích sự quan tâm đến phả hệ người Mỹ gốc Phi và thay đổi cách nhìn, việc đánh giá vai trò của người Mỹ gốc Phi trong lịch sử quốc gia này.
Ngọc Hiền