Georges Simenon là nhà văn chuyên viết bằng tiếng Pháp nổi tiếng. Nhắc đến ông, độc giả nghĩ ngay đến một tác gia trinh thám ấn tượng. Nhà văn này đã xây dựng nên nhân vật thanh tra Jules Maigret lừng danh.
Georges Simenon được mệnh danh là “cỗ máy sáng tạo” đáng gờm. Trong gần nửa thế kỷ năm cầm bút, ông đã để lại khối lượng tác phẩm khổng lồ với khoảng 200 tiểu thuyết, 155 truyện ngắn cùng 25 tự truyện. Và gia tài của tiểu thuyết gia thiên tài này dĩ nhiên không chỉ có truyện trinh thám.
Người con là một tiểu thuyết mang nhiều yếu tố tự truyện của Georges Simenon, viết về đề tài gia đình. Sự tiếp nối giữa các thế hệ được ông soi chiếu với một góc nhìn rất riêng. Tình cảm gia đình không chỉ được tạo nên bởi huyết thống, ký ức là chất keo vô hình gắn kết các thành viên lại với nhau, bất kể những chia cắt về thời gian.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng đám tang của Phillippe Lefrançois, một vị tỉnh trưởng đáng kính. Ông cũng là một người cha mẫu mực khiến cậu con trai Alain luôn thần tượng. Trong đám tang của cha mình, người đàn ông đang bước vào tuổi trung niên Alain Lefrançois mới dịp nhìn ngắm cậu con trai Jean-Paul của mình.
Cậu thiếu niên ấy có nhiều nét giống Alain khi xưa, giống như những người quen luôn nhận xét Alain trông giống tỉnh trưởng Phillippe Lefrançois cha anh như tạc. Trong giờ khắc buồn thương đầy xúc động ấy, tâm trí người đàn ông trung niên như một cuốn băng tua ngược. Hồi ức đưa anh về những ngày niên thiếu.
|
Tiểu thuyết "Người con" của Georges Simenon. Ảnh: Nhã Nam. |
Khi bằng tuổi Jean-Paul, Alain và cha của anh rất thân thiết. Hai cha con thường ngồi trong phòng khách hoặc dưới mái hiên ngập nắng để nói chuyện về chính trị, lịch sử hay tiền tệ.
Những cặp cha con khác thường bắt đầu những câu chuyện không đầu, không cuối về trường học, điểm số và bài tập về nhà. Alain và cha của anh không vậy, họ thân thiết như hai người bạn, khoảng cách tuổi tác không phải là vấn đề. Họ chia sẻ với nhau về những sở thích cá nhân, trò chuyện và tán gẫu. Tình cảm của hai cha con trở nên bền chặt, không chỉ vì dòng máu đang chảy trong huyết quản, mà bởi sự thấu hiểu lẫn nhau.
Qua những câu chuyện của cha, Alain biết thêm nhiều thông tin thú vị về những người thân đã bước sang thế giới bên kia. Nguồn gốc của dòng họ Lefrançois, tổ tiên của họ đã làm gì trong hành trình rong ruổi khắp châu Âu đều được ngài Phillippe Lefrançois kể một cách tường tận cho con trai mình. Bài học lịch sử đầu tiên trong đời người, chính là tìm hiểu về gốc gác của tổ tiên mình.
Chuyện tình của ngài Phillippe Lefrançois và người vợ xinh đẹp mà ông luôn mong nhớ đã được kể một cách tường tận cho cậu con trai Alain bằng tất cả sự trân trọng. Họ đã gặp nhau trong những ngày tháng nguy hiểm của chiến tranh, yêu nhau mà không toan tính, cùng vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng tổ ấm.
Những câu chuyện về gia đình bên ngoại cũng được Phillippe Lefrançois kể một cách rành mạch cho con trai, vì ông tin rằng sự phóng khoáng của gia đình bên ngoại, những con người miền Nam hào hiệp cũng làm nên một phần con người cậu bé.
Cha của Alain muốn con trai mình tiếp nối truyền thống đó. Nhưng sự xa cách giữa anh và cậu con trai Jean-Paul làm Alain lo sợ. Không biết chàng thiếu niên ấy có sẵn lòng ngồi xuống nghe anh trò chuyện hay không, khi thường ngày Jean-Paul thích đi xem phim với các bạn hơn là ở nhà ăn tối cùng cha mẹ.
Những suy tưởng lại đưa Alain về một đoạn ký ức khác, đó là những năm tháng anh trở thành một chàng thanh niên. Lúc đó, anh luôn muốn thoát ra khỏi cái bóng của cha mình để tự xây dựng những thành tựu riêng. Anh muốn mọi người gọi mình là Alain Lefrançois, chứ không phải là “con trai của ngài tỉnh trưởng Phillippe Lefrançois”.
Giữa hai cha con đã xảy ra nhiều xung đột, trong một thời gian dài họ không muốn nói chuyện với nhau. Alain nghĩ rằng khi ấy cha anh cũng sợ hãi y như bản thân anh bây giờ. Sự khác biệt trong suy nghĩ của hai thế hệ luôn tồn tại trong mỗi gia đình, điều mà chúng ta cần làm là học cách bình tĩnh để giải quyết chúng.
Đã có lúc Alain Lefrançois không muốn sống cuộc đời giống như cha mình. Nhưng khi đã sống quá nửa đời người, anh nhận ra mình giống cha đến kỳ lạ. Và hình ảnh ngang bướng pha chút bất cần của Jean-Paul ở hiện tại chính là Alain Lefrançois trong quá khứ.
“Chúng ta sống lại trong con cái mình”. Một cuộc đời mới lại bắt đầu từ sự kế thừa và tiếp nối, đó chính là giá trị cốt lõi của gia đình. Chẳng cần tới bi kịch và nước mắt, Georges Simenon vẫn viết nên một câu chuyện cảm động về gia đình. Mỗi mái nhà là cội rễ của tình yêu thương, chúng được chắp nối tỉ mỉ từ ký ức.
Hoàng Mai Thư