Cõi Phật trong tâm mẹ

19/05/2017 - 16:16

PNO - Đi chợ, mẹ không ít lần trả nhầm tiền cho người bán. Tiếc, xót nhưng mẹ chỉ tự trách mình không cẩn thận. Nhưng, nếu nhỡ cầm nhầm của ai là mẹ trả lại cho bằng được.

Những người từng trò chuyện với mẹ tôi thường nghĩ bà là Phật tử, nhưng thật ra mẹ tôi rất ít khi đi chùa, chỉ là mẹ tâm niệm Phật tại tâm và luôn sống đúng như thế. Tôi ít thấy người sống như mẹ. Bà chẳng bao giờ thù ghét ai. Bực bội, tức giận thì có, nhưng chỉ thoáng qua.

Coi Phat trong tam me
Ảnh minh họa.

Thời còn ở quê, có lần hàng xóm vì ghen ăn tức ở đã thuốc chết con chó cưng của nhà tôi. Mẹ tôi biết rõ người gây ra chuyện đó, nhưng khi người ta hỏi thăm, giả vờ xót xa, mẹ không “xả” vào mặt người đó mà chỉ ngậm ngùi nói: "Chắc số của con Mun chỉ ngắn đến đó".

Hôm sau, gà nhà đó đậu vào chuồng nhà tôi, mẹ tôi chẳng những để yên cho ngủ qua đêm mà còn sang báo để họ đỡ phải tìm. Hồi đó, mật gụ hiếm lắm, nhà tôi có một lọ bé bé ông chú mang trên rừng về cho. Một lần, bà cụ nhà bên ấy ra cầu ao trượt chân ngã sưng tím đầu gối.

Con cháu vắng nhà, mẹ tôi nhìn thấy vội bươn qua rào, bế bà cụ vào, rồi tất tưởi về nhà mang mật gụ sang xoa bóp. Khi con cháu về, thì bà cụ đã yên vị trên giường. Họ rối rít cảm ơn. Sau vụ ấy, nhà hàng xóm phục mẹ sát đất. Mẹ chẳng nói gì chuyện họ làm không phải, nhưng họ tự áy náy và cư xử tử tế hơn với nhà tôi.

Tiền bạc, của cải thì ai chẳng thích. Mẹ cũng thế, nhưng bà luôn biết cách chế ngự ham muốn. Hồi ấy bố tôi làm việc ngoài cầu cảng, nếu trực ngày lễ hay ngày nghỉ thì lương được tính gấp đôi. Bố tôi vì muốn cho vợ con no đủ, nên lúc nào cũng xông xáo kiếm tiền, nhưng mẹ thì chẳng ham, khuyên bố: "Mỗi tháng ông đăng ký trực một ngày thôi, để dành thời gian ở nhà với vợ con và còn để anh em khác kiếm cơm nữa".

Coi Phat trong tam me
Ảnh minh họa.

Có lần cản bố không được, mẹ vờ ốm khiến hôm đó bố phải ở nhà. Nhà ngoại tôi ở quê có một mảnh đất rộng, ông ngoại muốn chia phần cho các con nên gọi về. Sau khi mẹ về quê lên, bác tôi sang hỏi chuyện, mẹ kể: "Em được hơn 50m2 nhưng nhận của ông xong em tặng lại vợ chồng cậu út. Các chị lấy chồng xa, cậu mợ chăm sóc ông bà vất vả".

Khi nhà tôi chuyển lên thành phố, nhiều thứ đổi thay nhưng mẹ vẫn giữ cách sống ấy. Thỉnh thoảng theo mẹ đi chợ, tôi chứng kiến không ít chuyện. Cách nhà tôi không xa là một cái chợ cóc, buổi sáng có những người ở quê thồ xe rau lên bán. Nhiều lúc rau rớt giá, rẻ bèo mà vẫn ế chỏng chơ. Mẹ mua rau, thấy có chị vàng đeo xủng xẻng mà cứ kỳ kèo mặc cả từng đồng bèn nhẹ giọng: "Giá ấy chưa đủ tiền công người ta dậy từ 3-4 giờ sáng chở rau lên đây đâu, mua giúp cho người ta còn về cháu ạ".

Chị ta nghe thế, không hiểu vì thấy phải hay vì ngại mà móc ví trả tiền ngay. Có lần hai mẹ con vừa ra chợ đã nghe một bà đang mắng xa xả một thanh niên, vì anh ta vô ý va vào xe làm hỏng mất vài bông hoa của bà. Bà ta chống nạnh chửi bới, bảo hoa đó là bà mua đi lễ, bắt chàng trai phải đền. Cậu thanh niên gãi đầu, gãi tai xin lỗi vì không mang theo tiền.

Mẹ và vài người nữa can ngăn mãi bà ta mới chịu thôi. Bà ta đi rồi mẹ tôi mới than, cái tâm của người đi lễ mà vậy sao? Đi chợ, mẹ không ít lần trả nhầm tiền cho người bán. Tiếc, xót nhưng mẹ chỉ tự trách mình không cẩn thận. Nhưng, nếu nhỡ cầm nhầm của ai là mẹ trả lại cho bằng được.

Nhớ một lần, tôi đang mang thai, trên đường đi thăm tôi, mẹ mua được con cá chép mới kéo lưới lên. Khi về thấy thừa tiền, biết là cô bán cá trả nhầm, nhưng mua dọc đường thì biết người ta ở đâu mà trả, mẹ áy náy mãi. Mỗi lần đi thăm tôi, qua đoạn đường đó là mẹ cứ ngó quanh quất hy vọng gặp lại cô bán cá ấy.

Đầu năm, vợ chồng tôi chuẩn bị lễ đi chùa, đường xa nên phải lọ mọ dậy từ lúc trời còn tối om. Đến nơi, người đông như nêm, chúng tôi chen lấn mãi mới vào được nơi làm lễ. Kể mẹ nghe chuyện này, mẹ cười: "Phật tại tâm con ạ, mỗi ngày cố gắng sống tốt là mình đang tu phúc, tích đức rồi". Tôi như chợt thấy cõi Phật sáng bừng trong tâm mẹ.

Thu Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI