Cội nguồn của sáng tạo

11/05/2020 - 08:11

PNO - Đến bao giờ thì trường học là nơi phát triển năng lực cá nhân, là cơ hội để học sinh thể hiện niềm vui được sáng tạo theo tính cách của mình?

Chiều, Tuấn - học sinh lớp Ba mang về một bức vẽ trên giấy A4. Bức vẽ đơn giản với vài nét nguệch ngoạc. Tuy vậy, nhìn vào, ai cũng sẽ nhận ra đó là con chó. Tháo chiếc cặp ra, Tuấn bực bội khi nhìn vào bức vẽ vừa đặt xuống bàn: “Cô bảo con vẽ con vật mà con thích. Con thích con chó nên vẽ con chó thì cô bắt con phải vẽ lại vì cô nói con lười biếng, vẽ gì mà đơn giản vậy”. Càu nhàu một câu vừa đủ để “méc” mẹ, xong Tuấn cầm quyển Thế giới quanh ta ra sân ngồi đọc. 

Học sinh vẽ tranh
Trường học là nơi phát triển năng lực cá nhân

Ăn tối xong, Tuấn lấy bài tập về nhà ra làm. Xong đâu đó, Tuấn lại lấy bức vẽ mang về lúc chiều ra, ngồi nhìn có vẻ suy nghĩ. “Mẹ nhìn thấy con vẽ giống con chó không?”, Tuấn ấm ức hỏi. Người mẹ nhìn bức vẽ, gật đầu: “Ừ, đúng là con chó. Con vẽ con Mi Lu nhà mình chứ gì? Chỉ là con vẽ chưa được đẹp thôi, nhưng mẹ nhận ra đó là Mi Lu”. “Vậy mà cô còn bắt con vẽ lại”, giọng Tuấn bất mãn. 

Tuấn lấy tờ giấy A4 mới, rồi ngồi trước nó khá lâu. Một lúc, Tuấn đặt lại tờ giấy đó vào tập rồi kéo bức vẽ cũ về trước mặt mình và cầm bút chì lên. “Nếu mẹ nói nó không giống con chó, con sẽ vẽ lại. Đằng nầy nó là con chó mà. Cô nói con vẽ đơn giản quá, thì con vẽ thêm là được chứ gì”. Thêm vào mặt trời, những tia nắng trước sân… giọng Tuấn đầy hy vọng: “Con cho con chó nhà mình đứng phơi nắng trên sân vào buổi sáng, chắc vậy là cô chịu rồi hả mẹ?”. 

Sáng hôm sau đến trường, Tuấn hào hứng mang bức vẽ nộp cho cô giáo. Đến chiều, thật ngạc nhiên khi Tuấn lại mang về bức vẽ với lời phê “lười biếng!”. Nét bút cuối cùng là dấu chấm than ghì mạnh trên giấy như thể hiện sự tức giận của cô giáo. Buổi chiều hôm ấy, Tuấn không màng đến việc méc mẹ nữa mà cất hẳn bức vẽ trong ngăn bàn cùng câu nói “con ghét vẽ”.

Đó là câu chuyện của một phụ huynh đang sống tại TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) kể về tình huống của con trai mình. Qua lời kể của phụ huynh, Tuấn học giỏi môn toán, tiếng Anh, thích đọc sách và có rất nhiều câu hỏi xoay quanh những vấn đề trong sách. Và rất khó để nói rằng, Tuấn là đứa trẻ lười biếng. Thế nhưng, từ một học sinh chưa kịp thích thú, Tuấn đã trở nên ác cảm với môn vẽ, theo kiểu của những đứa trẻ lười biếng. 

Câu chuyện của Tuấn chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện để chúng ta tiếp tục đặt dấu chấm hỏi rằng, tại sao trường học vẫn chưa thể nào khiến học sinh cảm nhận được niềm vui trong học tập? Đến bao giờ thì trường học là nơi phát triển năng lực cá nhân, là cơ hội để học sinh thể hiện niềm vui được sáng tạo theo tính cách của mình?

Tuấn đã xử lý vấn đề theo yêu cầu của cô giáo. Tuy nhiên, sáng tạo của cậu học sinh lại đánh đồng với “lười biếng” trong suy nghĩ của cô giáo. Chính nhận định sai lầm ấy của một số giáo viên đã dần triệt tiêu khả năng sáng tạo của học trò, khiến việc học chỉ là việc hoàn thành những nhiệm vụ mà người lớn giao, theo mong muốn và suy nghĩ của người lớn.

“Giáo dục, với bất kỳ lứa tuổi nào, thì cũng đều là tạo điều kiện cho con người phát triển với tính cách là chủ thể tự do”, tiến sĩ Bùi Trân Phượng từng nhận định như thế khi nói về quan điểm cốt lõi của bà trong hoạt động giáo dục. 

Chương trình - sách giáo khoa mới cũng dựa trên quan điểm phát huy năng lực của người học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, muốn có được điều đó, chúng ta cần có những người thầy khai phóng. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI