Coi chừng rước họa vì thuốc giảm cân không nhãn mác

06/07/2020 - 16:50

PNO - Do đợt nghỉ dịch COVID-19 kéo dài, người dân ít vận động nên bị tăng cân nhưng lại sợ tốn kém dù có nhu cầu muốn giảm béo.

Nắm bắt tâm lý này, nhiều quảng cáo được tung ra với các gói khuyến mãi dẫn dụ khách hàng. Không ít người bước chân vào các spa này như vướng vào mê cung, chẳng những tốn kém gấp nhiều lần mà còn bị tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ma trận giảm cân và thuốc không nhãn mác

Túi thuốc anh M. được một spa phát cho để uống giảm cân không có nhãn mác
Túi thuốc anh M. được một spa phát cho để uống giảm cân không có nhãn mác

Đợt nghỉ dịch COVID-19 vừa qua, anh P.V.M. (ngụ đường Phạm Hữu Lầu, Q.7, TP.HCM) bị tăng cân nhiều. Thể trạng thừa cân (nặng khoảng 100kg) khiến anh cảm thấy sức khỏe không ổn, hay mệt, thở dốc khi làm việc gắng sức. Thấy trên Facebook hiện gói khuyến mãi giảm cân trị giá 1,9 triệu đồng, cho rằng mức giá đó khá rẻ, tuy mùa dịch kinh tế bị ảnh hưởng nhưng với số tiền 1,9 triệu đồng để có vóc dáng gọn gàng, lại tốt hơn cho sức khỏe, anh quyết định trải nghiệm. Anh tìm đến cơ sở của thẩm mỹ viện A.C.L. tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM. 

Nhân viên nơi đây lại nói vì bụng anh quá to nên muốn giảm mỡ bụng phải thực hiện ba lần. Họ chỉ giảm được lần đầu, còn hai lần sau phải tính tiền với tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng (công nghệ giảm mỡ Sculpsure). Từ 1,9 triệu đồng lên thành 100 triệu đồng, thấy anh M. tỏ thái độ không còn mặn mà, nhân viên tư vấn chào qua gói giảm béo hủy mỡ tầng sâu (DS Lipo).

Gói này sẽ làm 10 lần, mỗi lần 4 triệu đồng và không được giảm giá. Anh M. đồng ý đóng tiền làm liệu trình lần thứ nhất vào ngày 13/5 và được đánh mỡ bằng đầu rung cơ học vùng bụng khoảng 30 phút. Khi kết thúc quá trình này, vùng cơ bụng của anh rất đau, đi lại và xoay chuyển bị hạn chế. Điều khiến anh bất an nhất là nhân viên thẩm mỹ viện đưa anh một túi ni-lông đựng những viên màu xanh không nhãn mác. Anh gặng hỏi mãi họ mới nói tên sản phẩm, trấn an rằng cứ yên tâm, đây chỉ là thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân, không có tác dụng phụ. 

Dù được trấn an là thực phẩm chức năng giảm cân, hoàn toàn an toàn khi sử dụng nhưng anh M. vẫn lo lắng. Anh đem những viên uống đó cho bác sĩ xem thì được bác sĩ cho biết đây không phải thực phẩm chức năng mà là thuốc. Thuốc này trong hướng dẫn sử dụng có một danh sách dài về tương tác thuốc cần chú ý và các cảnh báo tác hại lên gan, thận. Cho nên khi dùng thuốc không thể tùy tiện, mà phải có sự tư vấn của bác sĩ.

Rối loạn nhịp tim, suy thận cấp

Liên quan tới tình trạng tùy tiện uống dược chất, thực phẩm chức năng giảm cân từ spa gây ảnh hưởng sức khỏe, cách đây vài ngày, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khám cho một phụ nữ về vấn đề da vùng bụng. Bệnh nhân tên N.T.K.D. (cư trú tại TP.HCM). Bà D. than vãn với bác sĩ rằng, không hiểu sao dạo này bà đang uống thuốc giảm cân mà vẫn bị tăng cân.

Không chỉ thế, gần đây bà cảm thấy rất mệt mỏi, hay hồi hộp, đánh trống ngực. Nghi ngờ các triệu chứng trên liên quan đến thuốc giảm cân, bác sĩ Thanh đề nghị được xem loại thuốc ấy. Bệnh nhân D. có tiền sử bệnh tim mạch và phải uống thuốc mỗi ngày. Trong khi đó, loại thuốc giảm cân mà bệnh nhân được một spa đưa cho uống lại có các hoạt chất tương tác với thuốc tim mạch của bệnh nhân. Chính điều này đã dẫn tới những cơn hồi hộp, làm tim đập nhanh. “Tương tác thuốc rất nguy hiểm, may được phát hiện sớm vì nếu bỏ qua rất có thể sẽ gây ra các cơn loạn nhịp, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh”, bác sĩ Thanh nhận định.

Theo bác sĩ Vân Thanh, khi sử dụng thực phẩm chức năng cần phải có sự tư vấn của bác sĩ, huống hồ là dùng thuốc. Thông thường, khách hàng có nhu cầu giảm cân hay đi kèm với các bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch. Việc đưa dược chất vào cơ thể nếu không cẩn thận và được kiểm soát bởi người có chuyên môn y tế thì rất dễ xảy ra tương tác thuốc với các loại thuốc họ đang dùng để điều trị bệnh lý nền.

Hiện nay, nhiều spa dùng thuốc để hỗ trợ khách hàng đi tiêu ra mỡ (nghĩa là khiến cơ thể không hấp thu được những dưỡng chất cần có lipid). Về lâu dài, điều này sẽ gây hại cho sức khỏe vì có những loại vitamin cần có lipid mới tổng hợp được, khiến cơ thể bị thiếu một loại vitamin có tác dụng ổn định đông máu là vitamin K. Tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y dược, bác sĩ Thanh cũng ghi nhận các trường hợp tới khám vì tự dưng da bị bầm tím (nguyên nhân liên quan đến việc uống thuốc 
giảm cân). 

Nói đến hậu quả của việc lạm dụng thuốc bừa bãi để làm đẹp, bác sĩ Từ Kim Thanh - Phó khoa Nội tiết, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM - cho hay, cách đây hai tuần, bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp suy thận cấp. Bệnh nhân nữ này tên N.T.V. (ngụ tại Q.2, TP.HCM), đến bệnh viện trong tình trạng phù toàn thân. Khi xét nghiệm nước tiểu, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân tiểu đạm, chức năng thận có dấu hiệu suy giảm. V. lập tức được cho nhập viện theo dõi. Bệnh nhân kể đang dùng một loại thuốc bổ hỗ trợ làm đẹp da, giúp ăn ngủ tốt, tăng cường đề kháng mùa dịch. Loại thuốc mà bệnh nhân nói được bác sĩ xác định chính là corticoid. “May mắn bệnh nhân ngưng thuốc kịp thời, nếu chậm trễ có thể bị hỏng chức năng thận”, bác sĩ Thanh nói. 

Đừng dính bẫy tâm lý trị liệu của các spa

Nói về những nguy cơ của việc giảm cân tại các spa, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM - cho biết, đã từng xảy ra những biến chứng dẫn tới tử vong ở một số trường hợp dùng kỹ thuật xâm lấn. Sau khi xảy ra quá nhiều biến chứng chết người, các spa không dám làm kỹ thuật xâm lấn như hút mỡ mà chuyển qua chiến thuật tâm lý trị liệu. Nắm bắt tâm lý nôn nóng của khách hàng muốn giảm cân ngay lập tức, họ cam kết sẽ giảm ngay 3-4cm sau khi kết thúc liệu trình đầu tiên.

Trước khi thực hiện, họ lấy thước dây đo vòng bụng để lấy lòng tin của khách hàng. Thế rồi khách được đưa vào phòng, đặt các loại máy rung đánh mỡ bụng, chiếu đèn… (trên thực tế các phương pháp này gần như chỉ làm cho vui và chưa được công nhận về hiệu quả). Lúc ra về, nhân viên spa đo bụng lại cho khách và nói rằng đã giảm được 3-4cm. Thế là khách hân hoan, nghĩ rằng mình đã giảm mỡ bụng thật mà không biết mình bị gạt. Muốn tăng hay giảm vài cm, chỉ cần nhích tay khi đo một chút. 

Cũng có một số cơ sở làm đẹp đưa thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân cho khách uống để đạt hiệu quả một cách cấp tốc. Trên thực tế, làm như vậy là hại khách hàng. Giảm cân phải quan tâm tổng trạng sức khỏe. Khi khách hàng có nhu cầu giảm cân được tư vấn bởi một bác sĩ có chuyên môn, bác sĩ sẽ không giải quyết mục đích trước mắt để người bệnh hài lòng tức thời nhưng lại phải chịu nguy cơ lâu dài cho sức khỏe. Bù lại, bác sĩ sẽ đồng hành lâu dài, đưa ra các chế độ dinh dưỡng hợp lý, bài luyện tập phù hợp với thể trạng từng người. Làm cách này tuy hiệu quả giảm cân chậm nhưng an toàn và bền vững. Nói tóm lại, mọi người cần hiểu rằng, không thể có cách nào giảm cân nhanh mà không tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe. Đặc biệt, khi nghe quảng cáo các gói khuyến mãi về làm đẹp mà hiệu quả đẹp như mơ cũng đừng tin kẻo rước họa vào thân.

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI