Coi chừng nước mắm giống... nước mắm

28/06/2016 - 12:53

PNO - Việc không rõ ràng trong công bố chất lượng nước mắm khiến không ít người tiêu dùng tin vào quảng cáo mà mua phải những loại nước chỉ là “giống nước mắm”.

Thiếu minh bạch thông tin

Theo TCVN 5107/2003, thành phần quan trọng nhất của nước mắm là hàm lượng đạm. Đây là thành phần chủ yếu quyết định giá trị dinh dưỡng của nước mắm. Độ đạm là một thành tố tạo nên vị ngọt của nước mắm, độ đạm càng cao thì nước mắm càng thơm ngon. Nước mắm có bốn loại, loại đặc biệt có độ đạm là 30 độ, loại thượng hạng 25 độ đạm, loại hạng 1 là 15 độ đạm, còn loại hạng 2 (loại thấp nhất) 10 độ đạm.

Theo quy định hiện hành, dù độ đạm cao hay thấp thì nhà sản xuất đều phải ghi rõ trên nhãn. Nhưng trên thị trường hiện nay, chỉ một số sản phẩm ghi rõ độ đạm trên nhãn, rất nhiều chai nước mắm không ghi độ đạm mà chỉ ghi bao nhiêu gam protein hoặc nitơ. Nhiều loại quảng cáo là nước mắm truyền thống nhưng trong thành phần lại có hương nước mắm tổng hợp, chất điều vị, màu tổng hợp…

Coi chung nuoc mam giong... nuoc mam
Ảnh minh họa: Internet

Nước mắm cao cấp quảng cáo làm bằng phương pháp ủ chượp truyền thống từ nguồn cá cơm tươi thượng hạng, cũng không ghi rõ hàm lượng nitơ toàn phần là bao nhiêu, chỉ ghi: không nhỏ hơn 40g/l. Còn nước mắm hiệu Quốc Nhĩ ghi nước cốt cá cơm (cá cơm + muối) 75% làm người tiêu dùng không biết cá cơm bao nhiêu, muối bao nhiêu.

Có sản phẩm không hề ghi đạm, chỉ có kcal, chất béo, tinh cốt nước mắm cá cơm, muối, chất điều vị, hương nước mắm tổng hợp, chất tạo ngọt tổng hợp, chất ổn định, màu tự nhiên, hàm lượng nitơ toàn phần ghi không cụ thể mà ghi không nhỏ hơn 12g/l. Nước mắm vitamin vì được gọi là nước mắm dinh dưỡng nên bao bì chỉ ghi các loại vitamin chung chung, không hề thấy thành phần nào khác.

Lửa người tiêu dùng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc Công ty chế biến thực phẩm Hạnh Phúc (đơn vị sở hữu thương hiệu nước mắm Hạnh Phúc) cho biết, có quá nhiều kẽ hở trong quản lý thị trường nước mắm từ nhiều năm nay, nhưng các đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống như của ông lên tiếng cũng chẳng thay đổi được tình hình. Theo ông Hùng, điều tối thiểu là cần rạch ròi nước mắm nguyên chất hay nước mắm pha chế cần phải được công khai trên bao bì, nhãn mác.

Theo một đại diện một doanh nghiệp nước mắm Nha Trang tại TP.HCM, nếu nước mắm không có đủ độ mặn cần thiết sẽ dễ bị biến chất, bốc mùi thối. Đa phần các doanh nghiệp nước mắm công nghiệp đi mua nước mắm từ các cơ sở nước mắm truyền thống về pha lại, mua được nước mắm cốt thì tốt, nhưng nhiều đơn vị mua cả những nước mắm đã pha loãng, đồng nghĩa với việc giảm lượng đạm trong nước mắm và dễ khiến nước mắm bị hư.

Để chống hư hỏng, những nhà sản xuất nước mắm công nghiệp bắt buộc phải dùng các hóa chất chống thối, phụ gia, hương liệu… Họ quảng cáo là làm từ cá hồi, cá cơm, hảo hạng… nhưng thành phần thực sự lại không minh bạch. Cũng theo người kinh doanh nước mắm Nha Trang này, mới đây một cơ sở sản xuất nước mắm tại Thủ Đức bị cơ quan chức năng bắt quả tang vì pha chế nước mắm từ nước, muối, phẩm màu, bột chống mốc, đường hóa học…

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM nhìn nhận, từ lâu đã tồn tại bất cập trong thị trường nước mắm. Người làm nước mắm truyền thống phải bỏ ra nhiều công sức hơn (trung bình từ sáu tháng đến một năm) để có được một mẻ nước mắm, thành phần chỉ là muối và cá biển, khiến giá thành mỗi lít nước mắm khá cao (40.000-50.000đ/lít).

Những người làm nước mắm truyền thống không có điều kiện xây dựng thương hiệu, quảng bá… dẫn đến tình trạng nước mắm làm ra không đến được tay số đông người tiêu dùng. Trong khi đó, nước mắm công nghiệp sản xuất với quy trình dễ dãi, chỉ mạnh về quảng cáo, tiếp thị… những loại nước mắm bình thường được đẩy thành nước mắm hương cá hồi, nước mắm ủ khạp… đánh vào niềm tin của người tiêu dùng. Việc quảng cáo như vậy theo bà Chi, là hành vi gian dối.

Hoa Lài - Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI