Coi chừng nhiễm độc từ miếng dán trang trí

09/12/2015 - 07:51

PNO - Trong một cảnh báo mới đây từ Liên minh châu Âu, miếng dán đồ chơi (sticker) xuất xứ từ Trung Quốc đã bị thu hồi hoàn toàn khỏi thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, tại TP.HCM, sản phẩm này vẫn được bày bán tràn lan. Miếng dán đồ chơi được bán rất nhiều tại các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm, nhất là trước cổng trường. Mỗi xấp sticker khoảng 15 miếng (tùy kích cỡ) có giá từ 2.000-10.000đ. Các điểm bán này luôn thu hút học sinh, bé gái chọn mua hình hoa hồng, chuột Mickey, Bạch Tuyết, bươm bướm…; bé trai chọn hình các nhân vật trong phim hoạt hình: bảy viên ngọc rồng, siêu nhân, đại bàng, đầu lâu…

Ngay khi tan học, các em gỡ ra dán thẳng lên má, mũi, mắt, môi. Nhiều phụ huynh còn vô tư mua và dán giúp con mình. Đến cổng trường Bình Giã (Q.Tân Bình) vào trước giờ học, sẽ thấy học sinh vây quanh các điểm bán sticker. Một bé trai học lớp 4 kéo áo lên cho bạn dán vào bụng một hình đầu lâu. Chung quanh bụng em này chi chít hình mèo ma, ông kẹ...

Coi chung nhiem doc tu mieng dan trang tri
Miếng dán đồ chơi (sticker) xuất xứ từ Trung Quốc đã bị thu hồi hoàn toàn khỏi thị trường châu Âu - Ảnh minh họa: Internet

Cả người lớn cũng ưa thích sticker do phong phú mẫu mã, màu sắc, sự tiện lợi khi sử dụng (dán lên người, điện thoại, xe máy, lên các vật dụng trong gia đình…). Chị Ngà (Q.1) cho biết: “Trong phòng con gái, tôi dùng sticker để trang trí. Tủ lạnh, điện thoại, máy giặt… tôi cũng dán sticker, nhìn rất đẹp, sáng hẳn ra”.

Trên thị trường còn xuất hiện loại dép dán vào chân. Trang web của một trường THPT tại Q.3 có cả bài viết, hình ảnh giới thiệu về “dép dính chân”, địa chỉ bán. Rất nhiều học sinh của trường vào chia sẻ việc sử dụng hoặc thông báo sẽ mua về sử dụng vì lạ, giá 120.000đ/ đôi.

Sản phẩm này được làm từ xốp, có hình dạng như đế dép xỏ ngón, không có quai, in họa tiết bắt mắt. Bề mặt sản phẩm có lớp keo, khi mang chỉ cần rửa sạch chân, lau khô rồi đặt chân lên, không mang thì kéo dép ra.

“Dép được làm từ chất liệu EVA, không dính vào chân, không trượt ra khi đi lại, chất keo không bị bong khi tháo dép ra, tái sử dụng… 1.000 lần” - nhân viên một cửa hàng trên đường Võ Văn Tần (Q.3) khẳng định. Tại một cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5), nhân viên cho biết sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc chứ không phải Thái Lan như quảng cáo. Hiện cửa hàng chỉ giao khi khách có nhu cầu mua với số lượng từ 10 đôi.

Tại châu Âu, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Na Uy đã thu hồi miếng dán đồ chơi xuất xứ Trung Quốc vì chứa chất phthalate (DEHP) với nồng độ 15,1% và diisononyl phthalate (DINP) với nồng độ 0,4% tính theo trọng lượng. Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên tổ chức, kiểm tra các cửa hàng đồ chơi cho trẻ.

Với các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc độc hại được đề cập thời gian gần đây, sẽ được sớm giải quyết. Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) sẽ tiến hành lấy mẫu miếng dán để kiểm nghiệm tìm độc tố và khuyến cáo đến người tiêu dùng.

Riêng loại dép dính chân, bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch Hội Thấp khớp học TP.HCM cảnh báo khi mang dép dán, gan bàn chân và cơ gan bàn chân không thể căng ra bình thường, da bàn chân không thể thoát khí, lâu dài sẽ làm vùng da ở gan bàn chân tổn thương, gây ra các bệnh nấm da.

Do thiếu lực bám đất, khi di chuyển, các ngón chân phải “bấu víu” nhiều, có thể gây cong, đau, biến dạng. Nếu chất liệu keo không đảm bảo, có nguy cơ gây kích ứng, dị ứng rất cao.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI