Coi chừng đổ bệnh vì... quên chích nhắc vắc xin

22/06/2019 - 07:00

PNO - Nhiều người còn rất mơ hồ về việc chích nhắc vắc xin. Khi bị bệnh hoặc được bác sĩ kiểm tra, phát hiện kháng thể phòng bệnh thấp, họ mới ngớ người vì cứ tưởng đã chích ngừa một lần là được bảo vệ suốt đời.

Vắc-xin nào cũng có thời hạn bảo vệ

Chị P.H.A. (ngụ Q.7, TP.HCM) rất bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán con gái 7 tuổi của chị mắc bệnh thủy đậu. Chị A. nói: “Con tôi đã chích ngừa thủy đậu hồi bé rồi mà, sao mắc được”. Ngoài ra, bị bệnh thủy đậu phải sốt nhưng con chị A. chỉ bị nổi bóng nước trên người, nhiệt độ cơ thể bình thường.

Chị được bác sĩ giải thích, chính vì từng chích ngừa thủy đậu nên con chị mới bị nhẹ. Có lẽ do chích đã lâu hoặc cơ thể bé đáp ứng với miễn dịch thủy đậu thấp nên vẫn có thể mắc bệnh.

Không chỉ chị A. hiểu chưa đúng về thời hạn bảo vệ sau khi chích vắc xin. Anh P.Q.D., (làm việc tại Q.3, TP.HCM) cũng nghĩ mình chích vắc xin viêm gan B hồi nhỏ là yên tâm rồi. 

Coi chung do benh vi... quen chich nhac vac xin
Hãy chích vắc-xin và tuân thủ lịch tái chủng để bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật nguy hiểm

Kết quả xét nghiệm sau khi khám sức khỏe tổng quát cho thấy kháng thể viêm gan B của anh D. chỉ còn 8 đơn vị, bác sĩ cảnh báo miễn dịch cơ thể không đủ khả năng ngừa bệnh, khuyên anh nên đi chích nhắc lại.

Vậy trên thực tế, những bệnh nào cần phải chích nhắc, thời hạn bảo vệ sau khi chích vắc-xin là bao lâu? Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Huy Luân - Trưởng phòng khám nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, đại bộ phận người dân cứ nghĩ đã tiêm chủng là có miễn dịch bền vững. Họ không biết rằng, vắc xin chỉ có thời gian bảo vệ nhất định, tùy từng loại bệnh và loại vắc xin mà hiệu lực bảo vệ khác nhau.

Vắc xin ngừa bệnh được chia thành hai loại: Vắc xin sống (từ vi-rút, vi khuẩn đã được làm suy yếu nhưng vẫn còn sống) và vắc xin từ xác chết của vi-rút, vi khuẩn. Đối với vắc xin sống, khi tiêm vào cơ thể, vi-rút vẫn có hiện tượng tái tạo, nhân đôi nên liên tục kích thích cơ thể tạo ra miễn dịch. Bởi thế, miễn dịch được tạo ra sau khi chích vắc xin sống kéo dài hơn.

Còn đối với vắc xin từ xác chết của vi-rút, vi khuẩn, sau khi chích cơ thể vẫn tạo ra miễn dịch nhưng chỉ đạt tới một ngưỡng rồi theo thời gian suy giảm dần, khi chích nhắc lại thì kháng thể mới được tăng cao. 

Đừng để hối hận vì quên lịch chích nhắc cho con

Chẳng hạn đối với bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván, trẻ sẽ được tiêm vào tháng tuổi thứ 2, 3, 4 và nhắc lại vào tháng tuổi thứ 18. Nhiều nghiên cứu ghi nhận, dù đã chích 4 mũi như trên nhưng đến khi trẻ 4 - 6 tuổi, kháng thể đối với bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà chỉ còn khoảng 40%, đồng nghĩa khả năng phòng bệnh suy giảm hơn một nửa. Do đó, lúc bé 4 - 6 tuổi cần chích nhắc lại một mũi, bốn năm sau tiếp tục chích nhắc một mũi. 

Coi chung do benh vi... quen chich nhac vac xin
 

Chích ngừa viêm gan nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia, trẻ sẽ được tiêm 4 liều cơ bản. Thời gian ủ bệnh của bệnh viêm gan khoảng một tháng (trong thời gian đó chỉ cần cơ thể vẫn còn đủ kháng thể thì sẽ kịp tạo miễn dịch phòng bệnh). 

Từ đó, đối với người lớn, khi xét nghiệm thấy kháng thể viêm gan B còn cao (trên 10 đơn vị là tối thiểu, 100 đơn vị là an toàn) thì không cần chích nhắc. Ngược lại, nếu kháng thể viêm gan B thấp dưới mức nêu trên cần phải đi chích lại. Còn đối với những người lớn chưa từng chích ngừa vắc-xin viêm gan B thì sẽ tiêm ba liều.

Bệnh thủy đậu, sởi, quai bị, rubella chỉ cần tiêm phòng hai liều vào tháng tuổi thứ 12, bốn năm sau mới cần chích nhắc lại liều nữa. 

Một bệnh rất nguy hiểm mà người dân cần tuân thủ tái chủng nghiêm túc là viêm não Nhật Bản. Hiện nay, chỉ có hai loại viêm não mà y học can thiệp được là viêm não Nhật Bản và viêm não do hạt pet. 

Đối với bệnh viêm não Nhật Bản, cách bảo vệ duy nhất là chích vắc xin ngừa bệnh. Tuy nhiên, rất ít trẻ lớn đi chích ngừa viêm não Nhật Bản. Những bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván tuy nguy hiểm nhưng vẫn có cơ hội chữa khỏi, còn viêm não hễ mắc phải là nguy cơ tử vong rất cao. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI