Coi chừng dị ứng mạt nhà

23/09/2015 - 13:57

PNO - Mưa nhiều, ẩm thấp là điều kiện thuận lợi để mạt nhà sinh sôi nảy nở. Mạt nhà là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây dị ứng ở trẻ em.

Coi chung di ung mat nha
Ảnh: Shutterstock

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng đơn vị dị ứng, Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, mạt nhà được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây dị ứng ở trẻ em.

Trẻ mắc bệnh dị ứng sẽ rất khó chịu và việc điều trị thường kéo dài, tốn kém. Đặc biệt, với những người có bệnh mạn tính như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, mạt nhà sẽ làm bệnh nặng thêm, gây khó thở, khò khè dai dẳng, sung huyết mũi, gây kịch phát cơn hen...

Kẻ thù chung chăn gối

Mạt nhà là sinh vật nhỏ li ti, hình cầu, khó nhìn thấy bằng mắt thường, chúng có 17 giống với 47 loại. Những chiếc gối tinh tươm, chiếc mền thơm tho và tấm nệm êm ái mà chúng ta ngả lưng mỗi đêm chính là “tổ” của “đội quân” nhà mạt.

BS Phan Thúy Mai, BV Nhi Đồng 1 cho biết, một con mạt nhà có thể sản sinh 20-100 trứng mỗi ngày. Ngoài phần thân, thì phân của chúng là nguyên nhân chính gây ra dị ứng ở người.

Phân của mạt nhà nhẹ hơn bụi, chúng bay lơ lửng trong không khí nên mọi người dễ dàng hít phải và đây là tác nhân gây dị ứng, cũng như làm tình trạng dị ứng tăng nặng hơn. Đặc biệt, nguy cơ phát triển bệnh suyễn ở trẻ tăng cao khi phơi nhiễm mạt nhà và dị ứng. Ngoài ra, người bệnh còn có nguy cơ dị ứng chéo với các loại thực phẩm tôm cua, sò ốc, côn trùng.

Cơ chế gây ra dị ứng của mạt nhà như sau: khi tiếp xúc hoặc hít phải phân mạt nhà, cơ thể sẽ phản ứng, hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra kháng thể IgE để chống lại, dẫn đến giải phóng histamin gây phù nề niêm mạc ở phổi, mũi, xoang và mắt.

Vì vậy, khi trẻ đang bình thường bỗng dưng bị ngứa mặt, tay chân (viêm da dị ứng), ngứa đỏ mũi, chảy nước mũi (viêm mũi dị ứng) hay mắt đỏ (viêm kết mạc dị ứng) hoặc khò khè lên cơn suyễn… cha mẹ có thể nghĩ đến nguyên nhân từ mạt nhà, cần đưa trẻ đến BV để được chẩn đoán sớm.

Chị Phạm Thùy D. (ngụ chung cư Nam Long, Q.Bình Tân) kể, một buổi trưa ngủ dậy, bỗng dưng đôi mắt của cô con gái 25 tháng tuổi sưng bụp, đỏ lừ và ngứa khiến bé liên tục dụi mắt.

Đưa con đi khám bệnh, BS chẩn đoán bé đau mắt đỏ, nhưng nhỏ và uống thuốc nhiều ngày không dứt. Gần bốn tháng đưa con đi điều trị bệnh mắt, chị D. và gia đình như ngồi trên lửa.

Nào ngờ, khi đưa con đến gặp một BS da liễu, chị D. mới biết con bị dị ứng với mạt nhà. Và “đơn thuốc” là giặt giũ, hút bụi nhà thường xuyên hơn, đặc biệt không cho bé chơi thú nhồi bông. Thực hiện như vậy, chỉ sau một tuần, bé không còn các biểu hiện dị ứng, mắt hết đỏ.

Chị Nguyễn Thị H. (ngụ P.9, Q.Tân Bình) cũng vừa trải qua những ngày đầy lo lắng khi bé Tuấn T. - ba tuổi, con trai chị liên tục lên cơn suyễn, dù trước đó bệnh luôn được kiểm soát tốt.

Có ngày bé phát cơn suyễn đến hai lần, khò khè, thở dốc, thở mệt, mặt tím tái, chị phải tạm nghỉ làm để túc trực chăm con.

Bao nhiêu nguyên nhân gây cơn suyễn được đưa ra và loại trừ như: thức ăn, khói thuốc, lông thú, nước hoa, mùi nước sơn tường… nhưng bé T. vẫn lên cơn suyễn bất thường. Sau đó, T. được đưa đến BS chuyên về dị ứng và tìm ra “thủ phạm” là những sinh vật li ti tồn tại trong căn nhà trọ của vợ chồng chị H.

Phòng trừ mạt nhà

Theo BS Phan Thúy Mai, dù gia đình có người bị dị ứng hoặc có trẻ em hay không thì việc phòng trừ mạt nhà là điều nhất thiết mà mọi người nên chú ý. Môi trường thiếu không khí, ẩm thấp và vệ sinh kém là điều kiện lý tưởng cho mạt nhà sinh sôi nảy nở.

Trong đó, thảm trải sàn, mùng mền, gối, nệm và thú nhồi bông là “tổng hành dinh” của chúng. Thức ăn của mạt nhà là những mảnh vụn của da, mảnh vụn thức ăn... rơi vãi trên giường, sàn nhà.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI