Coi chừng bỏ qua “thời điểm vàng” điều trị dậy thì sớm cho con

31/08/2020 - 07:30

PNO - Nếu cách đây mười năm, trẻ bị dậy thì sớm chỉ đếm trên đầu ngón tay thì tới nay, mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 300 ca bệnh tới khám. Hiện tại, bệnh viện đang quản lý hơn 1.000 trẻ dậy thì sớm và đang có hơn 500 trẻ được điều trị ức chế dậy thì bằng tiêm thuốc

Vì chủ quan, hiểu sai về căn bệnh dậy thì sớm, khi đưa con tới bệnh viện (BV), nhiều cha mẹ hối hận vì không còn cơ hội để điều trị hiệu quả, đặc biệt là cải thiện chiều cao của trẻ.

Bé gái bảy tuổi gầy gò bất ngờ phát hiện dậy thì sớm

Thân hình gầy gò, nhỏ nhắn, khó ai có thể ngờ cháu N.P.H. (7 tuổi, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) vừa được phát hiện mắc bệnh dậy thì sớm. Mẹ của H. cho biết, khoảng hai tháng nay, con gái có những biểu hiện như đau nhức vùng ngực và xuất hiện lông mu. Vì vướng dịch COVID-19 nên tới nay chị mới đưa con đi khám và hoàn toàn bất ngờ khi nghe bác sĩ (BS) kết luận về tình trạng bệnh. 

Để khắc phục hậu quả của bệnh dậy thì sớm, trẻ nên được phát hiện và điều trị từ trước sáu tuổi
Để khắc phục hậu quả của bệnh dậy thì sớm, trẻ nên được phát hiện và điều trị từ trước sáu tuổi

Trao đổi về trường hợp này, tiến sĩ - BS Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền BV Nhi Trung ương, cho hay: “Bệnh nhi 7 tuổi, 8 tháng nhưng tuổi xương lại tương đương với trẻ 11 tuổi. Các đặc tính sinh dục phụ đi kèm hoàn toàn có thể khẳng định trẻ bị dậy thì sớm”. Tuy nhiên, với trường hợp này, việc can thiệp đã khá muộn, quá trình điều trị tốn kém nhưng không đem lại hiệu quả cao nên BS phải tư vấn kỹ để gia đình hiểu và đưa ra quyết định.

Theo tiến sĩ - BS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, cháu H. chỉ là một trong số nhiều bệnh nhi mắc bệnh dậy thì sớm nhưng phát hiện muộn, bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị. Dậy thì sớm được chẩn đoán nếu bé gái có đặc tính sinh dục trước tám tuổi như phát triển tuyến vú, có kinh nguyệt, lông mu… bé trai trước chín tuổi có cơ bắp, ria mép, giọng ồm… chiều cao tăng nhanh hơn 6cm/năm. Trẻ dậy thì sớm thì tuổi xương sẽ lớn hơn tuổi thực. Trẻ đóng cốt xương sớm nên khi trưởng thành sẽ thấp hơn các bạn cùng trang lứa. Trung bình, trẻ dậy thì sớm ở nữ giới thường thấp hơn 12cm và nam giới là khoảng 20cm. 

Để cải thiện chiều cao của trẻ, khắc phục hậu quả của bệnh dậy thì sớm, trẻ nên được phát hiện và điều trị bệnh từ trước sáu tuổi. Việc điều trị sớm bằng cách tiêm hoóc-môn sẽ làm chậm sự phát triển của tuyến vú, thậm chí khiến tuyến vú nhỏ đi và dừng kinh nguyệt trong vài năm, từ đó giúp trẻ bỏ mặc cảm khi đến trường. Đặc biệt, trẻ có thể tăng được 8-10cm chiều cao khi trưởng thành. “BV Nhi Trung ương đã điều trị cho trẻ bị dậy thì sớm từ lúc ba tuổi. Bệnh nhân này tới nay đã vào tuổi trưởng thành và đạt chiều cao 1m60”, BS Thảo dẫn chứng. 

Tuy nhiên, với những trẻ từ 6-8 tuổi mới phát hiện dậy thì sớm, BS Thảo cho biết: “Những trường hợp này, chúng tôi phải đánh giá rất kỹ và tư vấn cho gia đình. Việc điều trị có thể mang lại hiệu quả không cao, trẻ chỉ có thể cải thiện từ 2-3cm, thậm chí không cải thiện chút nào. Trong khi đó, chi phí điều trị lên tới 3 triệu đồng/mũi và phải duy trì hằng tháng. Thuốc có thể mang lại một số tác dụng phụ như đau bắp đùi, chảy máu âm đạo sau những lần tiêm đầu…”.

Những hiểu lầm tai hại về dậy thì sớm

Theo thống kê của BV Nhi Trung ương, nếu như cách đây mười năm, trẻ bị dậy thì sớm chỉ đếm trên đầu ngón tay thì tới nay, mỗi năm, BV tiếp nhận hơn 300 ca bệnh tới khám. Hiện tại, BV đang quản lý hơn 1.000 trẻ dậy thì sớm và đang có hơn 500 trẻ được điều trị ức chế dậy thì bằng tiêm thuốc.

Với trẻ bị dậy thì sớm không liên quan tới một số bệnh lý bất thường như u nang buồng trứng, dị tật não, u não… thì có tới 90-95% là vô căn. Không ít cha mẹ cho rằng, việc trẻ uống nhiều sữa hay sử dụng thịt động vật được chăn nuôi công nghiệp có thể dẫn tới dậy thì sớm. Tuy nhiên, BS Thảo khẳng định, tới nay vẫn chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh điều này. “Các nghiên cứu chỉ cho thấy, những trẻ béo phì, hay trẻ thường tiếp xúc với phim ảnh, thông tin “người lớn” có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn”, BS Thảo thông tin thêm. 

Cũng có trường hợp bé gái xuất hiện kinh nguyệt khi mới 5-6 tuổi, nhưng khi khám lại phát hiện do u tử cung hoặc do mắc kẹt bông băng gây chảy máu. Một số trường hợp có lông mu sớm nhưng kiểm tra tuổi xương và buồng trứng bình thường nên cũng không được xem là mắc bệnh. Do vậy, để chẩn đoán dậy thì sớm, các BS sẽ khai thác bệnh sử, theo dõi cấp độ tăng trưởng, đánh giá mức độ dậy thì của trẻ qua tuổi xương, siêu âm tử cung buồng trứng, khối thượng thận… Một số trường hợp sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ não để loại trừ…

Trước băn khoăn của nhiều gia đình về việc cho trẻ sử dụng thuốc ức chế dậy thì sớm liệu có ảnh hưởng đến buồng trứng, dẫn đến vô sinh sau này không? BS Thảo khẳng định: “Loại thuốc này đã được y khoa thế giới dùng điều trị suốt hơn 40 năm qua. Và đã có những nghiên cứu theo dõi với những trẻ đã từng dùng cho thấy, sau khi dừng thuốc, khả năng sinh sản như người bình thường. Chỉ dừng thuốc từ 2-6 tháng kinh nguyệt sẽ có lại”. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI