Quán triệt giáo viên không giao bài tập về nhà tạo áp lực cho học sinh, năm học này, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1) tận dụng chuyển đổi số để gia tăng sự phối hợp với phụ huynh trong đồng hành, hướng dẫn con tự học. Việc chuyển đổi số không chỉ dừng ở sử dụng các kênh như group zalo mà mỗi giáo viên sẽ xây dựng thêm kênh học tập để phụ huynh cùng tham gia, tương tác, theo dõi tiến trình học tập của con…
Cô Nguyễn Thị Hồng Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Ngọc Hân chia sẻ, từ các kênh học tập do giáo viên thiết kế, giáo viên sẽ giao các nhiệm vụ nhỏ cho học sinh thực hiện ở nhà, đi cùng với những hướng dẫn tìm hiểu trước một số nội dung bài học. Tùy theo môn, các nhiệm vụ này sẽ được giao trước một tuần hoặc vài ngày. Các nhiệm vụ này không đòi hỏi học sinh phải mất quá nhiều thời gian, các em sẽ cùng làm với phụ huynh, tăng cường sự phối hợp với phụ huynh để rèn thêm các kỹ năng tự học, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.
|
Giáo viên tiểu học TPHCM ứng dụng chuyển đổi số cởi bỏ áp lực bài tập về nhà cho học sinh - Ảnh: Q.T |
Hiệu trưởng này đánh giá, khi học sinh có sự chuẩn bị bài trước ở nhà, giáo viên sẽ có thêm thời gian trên lớp để giải đáp các vấn đề vướng mắc của trẻ, qua đó hỗ trợ thầy cô phát triển năng lực học sinh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó rất cần sự đồng hành, phối hợp, chia sẻ của phụ huynh để giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường sẽ trao đổi để thống nhất với phụ huynh cách thức phối hợp.
Áp dụng “lớp học đảo ngược” vào đổi mới phương pháp, cô Nguyễn Vũ Thiên Phước - Giáo viên chủ nhiệm lớp 3/5, Trường tiểu học Thiên Hộ Dương (quận 10) cho biết, học sinh sẽ cần tìm hiểu bài trước để hỗ trợ tốt cho bài học trên lớp. Thay vì giao những nhiệm vụ học tập thuần tuý, cô Phước xây dựng trang web riêng cho môn toán, tiếng Việt, học sinh thực hành tại nhà, với sự hỗ trợ của phụ huynh.
“Theo yêu cầu của môn tiếng Việt, mỗi năm giáo viên sẽ phải có 35 văn bản ngoài sách giáo khoa để giúp học sinh tự học. Giáo viên sẽ đưa các ngữ liệu đọc thêm lên trang web. Mỗi cuối tuần, học sinh sẽ được giao nhiệm vụ đọc văn bản và hoàn thiện phiếu đọc. Sản phẩm này sẽ được các em trình bày trong tiết đọc tuần sau. Với môn toán, những phần kiến thức đòi hỏi tính ứng dụng cao như bài xem đồng hồ, học sinh sẽ được xem trước video trên trang web về cách xem đồng hồ do giáo viên thực hiện. Sau đó, các em sẽ làm các bài tập nhỏ ngay trên đó bằng cách nối, vẽ… Khi lên lớp, giáo viên có thêm nhiều thời gian để thiết kế các hoạt động trải nghiệm giúp vận dụng nhiều hơn vào thực tế, mở rộng kiến thức” - cô Phước chia sẻ.
Giáo viên này nhìn nhận, trong chương trình học, có những phần kiến thức nếu giáo viên chỉ dạy ở trên lớp không là chưa đủ để học sinh có thể nắm, tiếp thu sâu. Vì thế, việc xem trước bài học ở nhà sẽ giúp việc học ở trên lớp của cả cô và trò hiệu quả. Quá trình này sẽ rèn cho các em khả năng dùng từ, diễn đạt, viết… Thông qua trang web, học sinh có thể tương tác trên đó, đánh giá góp ý với sản phẩm của bạn. Phụ huynh rất thích thú, hỗ trợ con rèn luyện ở nhà…
Theo bà Lâm Hồng Lãm Thuý - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, TPHCM đã có yêu cầu đảm bảo 100% học sinh tiểu học được chấm, chữa bài ngay trên lớp. Giáo viên tăng cường đánh giá đồng đẳng, học sinh được tự đánh giá mình, đánh giá bạn, để các em cùng tiến bộ.
|
Học sinh, phụ huynh cùng tương tác trên trang web riêng do giáo viên thiết kế - Ảnh: Q.T |
Bà Thuý khẳng định, với học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thì yêu cầu giáo viên không giao bài tập về nhà song không có nghĩa là giáo viên sẽ cắt hết các hoạt động, nhiệm vụ học tập ở nhà của học sinh. Giáo viên, phụ huynh cần phân biệt bài tập về nhà và nhiệm vụ học tập của học sinh.
“Bài tập thì học sinh được làm hết trên lớp nhưng nhiệm vụ học tập thì thầy cô phải giao cho các em để các em tự chuẩn bị bài, ôn tập bài cũ, qua đó hỗ trợ phát triển phẩm chất học sinh, hình thành thói quen tốt cho học sinh. Đặc biệt, khi giáo viên áp dụng tổ chức dạy học theo dự án, lớp học đảo ngược thì bắt buộc học sinh phải có tìm hiểu bài trước ở nhà. Dù không giao bài tập về nhà nhưng nhiệm vụ học tập của học sinh là chính các em phải tự học, tự chuẩn bị bài” - bà Lâm Hồng Lãm Thuý phân tích.
Hướng tới các bài tập kỹ năng Đặc thù dạy lớp 1 buổi, song cô Nguyễn Thị Bích Duyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/6, Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú) không giao nhiều nhiệm vụ học tập về nhà cho trẻ mà hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ cùng trẻ ôn lại bài đã học ở trên lớp để rèn thêm kỹ năng cho trẻ mà không quá áp lực. Trong đó, chú trọng nhiều vào công tác phối hợp của phụ huynh để hình thành cho trẻ những thói quen tốt tại nhà, gắn kết phụ huynh với trẻ, phụ huynh với giáo viên. “Từ đầu năm học, giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh thống nhất về cách thức, phương pháp để hỗ trợ trẻ tự học ở nhà theo năng lực của trẻ. Đặc biệt, giáo viên sẽ tăng cường giao các nhiệm vụ hình thành kỹ năng cho trẻ như trẻ sẽ giúp ba mẹ làm việc nhà, gấp quần áo và phụ huynh sẽ quay clip gửi cho giáo viên, tùy theo bài học của từng môn học. Để trẻ không áp lực và phụ huynh không nặng nề khi thực hiện các nhiệm vụ rèn luyện ở nhà thì giáo viên sẽ luôn có sự động viên, khích lệ và không đánh giá trẻ qua các nhiệm vụ đó…”- cô Duyên bày tỏ. |
Quốc Trung