Coca-Cola và Heineken sẽ tiếp tục bị thanh tra thuế

15/01/2020 - 11:41

PNO - Coca-Cola và Heineken là hai doanh nghiệp đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ bị thanh tra, kiểm tra thuế sắp tới.

Đây là khẳng định của ông Lê Duy Minh – Phó Cục trưởng Cục thuế TPHCM tại hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2019 được diễn ra ngày 15/1.

Giải thích nguyên nhân mới đây lại truy thu thuế hai “ông lớn” trong ngành giải khát là Coca-Cola và Heineken trong khi trước đây lại không hề đá động gì đến? Ông Lê Duy Minh cho biết, mục tiêu thanh tra kiểm tra ngành thuế trong năm 2020 là tập trung phân tích các hồ sơ có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn (dầu khí, xăng, điện lực, bất động sản), ngành nghề kinh doanh mới (kinh doanh qua mạng, kinh tế chia sẻ, đa cấp, games…), các doanh nghiệp có phát sinh chuyển nhượng vốn, có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, doanh nghiệp xây dựng BOT, BT; các doanh nghiệp có ưu đãi, miễn giảm thuế. Đặc biệt sẽ tập trung thanh tra kiểm tra tại các doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) có phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Duy Minh thông tin thêm, Coca-Cola và Heineken là hai doanh nghiệp đầu tiên trong danh sách các doanh nghiệp FDI sắp tới sẽ bị kiểm tra. Coca-Cola từng bị Cục thuế TPHCM xếp vào vị trí số một trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Các năm từ 2012 trở về trước, công ty này liên tục kê khai số lỗ “khủng” nhưng vẫn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.

"Bí quyết" để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006 - 2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80 - 85% giá vốn. Đến cuối năm 2012, số tiền lỗ lũy kế của Coca-Cola đã lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn là 2.950 tỉ đồng.

Riêng Heineken Việt Nam bị truy thu hơn 916 tỉ đồng với vi phạm được xác định trong thương vụ chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam vào năm 2018, trị giá hơn 4.800 tỷ đồng.

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam báo lỗ nhiều năm nhưng lại có tiền mở rộng sản xuất, kinh doanh, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Theo các chuyên gia, đó là điều bất thường chủ yếu nhằm trốn thuế. Có nhiều thủ thuật nhằm giảm chi phí và để trốn thuế, trong đó các doanh nghiệp thường áp dụng “chiêu” chuyển giá.

Chẳng hạn như, mua bán tài sản hữu hình (hàng tồn kho, máy móc, thiết bị…), chuyển giao tài sản vô hình, tính chi phí quản lý cho các đơn vị thành viên, chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp… Đây là vấn đề đang gây đau đầu cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

“Để chống chuyển giá, Việt Nam sẽ ban hành luật trong thời gian sắp tới. Đây là công cụ để chống lại tập đoàn xuyên quốc gia có hành vi chuyển giá, trốn thuế” – Ông Cao Anh Tuấn, vị đứng đầu Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) thông tin.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng thu thuế trên địa bàn TPHCM là 291.432 tỷ đồng, đạt 100,38% dự toán năm, tăng 8,31% so với năm 2018. Trong đó, thu nội địa trừ dầu là 269.455 tỉ đồng, thu từ dầu thô là 21.977 tỉ đồng; thu nội địa trừ dầu, trừ tiền sử dụng đất, trừ xổ số kiến thiết, trừ lợi nhuận còn lại được 235.639 tỉ đồng. Riêng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 157.585 tỉ đồng.

Mặc dù con số truy thu thuế vượt chỉ tiêu được giao nhưng ông Minh thừa nhận, các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến hoạt động thương mại điện tử hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ truy thu và phạt ở lĩnh vực thương mại điện tử vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân là do thiếu chính sách hỗ trợ, thiếu sự phối hợp liên kết giữa các ngành liên quan, dữ liệu để khai thác chưa đầy đủ…

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI