Có xứng làm cha không?

18/08/2017 - 09:47

PNO - Câu hỏi đó cứ ám ảnh trong đầu em. Em cũng đang cố giữ anh để con mình có cha, có một gia đình trọn vẹn với những nếm trải ê chề, mệt mỏi và bi kịch không hồi kết.

Nghe tin đứa con trai bác hàng xóm cầm dao đâm cha, em bàng hoàng. Bác ấy suốt ngày say xỉn, hay đuổi đánh vợ con. Bấy lâu bác gái cắn răng nhịn nhục để con có cha. Nghe đâu trước khi đâm, đứa con hét lên rằng: “Cha như vầy có xứng đáng làm cha không?”. 

Câu hỏi đó cứ ám ảnh trong đầu em. Em cũng đang cố giữ anh để con mình có cha, có một gia đình trọn vẹn. Ngày sau khi con khôn lớn, nếm đủ ê chề, mệt mỏi với bi kịch không có hồi kết của anh và em, liệu con có vùng lên để hỏi rằng: “Cha có xứng đáng làm cha không?”.

Co xung lam cha khong?
Có xứng làm cha không? - Ảnh minh họa

Ba năm sau, anh đã đủ tiền xây nhà, còn tậu luôn hai miếng đất. Cũng lúc này, em biết tin anh và cô thủ quỹ cặp kè với nhau. Hỏi anh, anh nói chỉ là quan hệ công việc, lợi dụng lẫn nhau. Anh còn dặn em không được làm lớn chuyện, sẽ hỏng mất việc làm ăn của anh. Vợ chồng mình đến với nhau từ tay trắng, chật vật muôn bề. Nhờ cậu, dì ở nước ngoài giúp đỡ, em và anh mua được nền nhà. Có đất rồi, anh mừng được ít lâu thì bắt đầu than thở: “Không biết bao giờ mới có tiền cất nhà, thoát cảnh ở nhà thuê”. Cũng vì nôn nóng muốn có tiền mà anh lấy tiền của công ty cho vay, làm cò nhà đất. Tiền lời khiến anh mờ mắt. Em nhiều lần khuyên anh dừng tay. Anh chê em nông cạn, không biết gì chuyện đàn ông thì đừng xía vô.

Ngày anh nhập viện vì viêm tụy, em mới sinh đứa thứ hai chưa đầy tháng, phải nhờ má chồng chăm sóc. Bạn bè em ghé bệnh viện thăm anh, gọi về cảnh báo: “Bà coi chừng mất chồng. Vô bệnh viện coi thử đi”. Em quáng quàng gửi con cho hàng xóm, chạy vào bệnh viện. Anh đang ngồi dựa vào lòng cô thủ quỹ. Cô ta âu yếm đút cho anh từng muỗng cháo. Má chồng thì nằm giường bên cạnh ngủ say sưa. Em nóng mặt, đuổi cô ấy về. Anh hằn học: “Cô không chăm sóc chồng thì để người ta chăm sóc”. Tim em đau thắt, bàng hoàng và tủi nhục.

Từ ngày đó vợ chồng mình hay cãi nhau. Tiếng trước tiếng sau là anh lao vào đánh đấm em không tiếc tay. Em nhiều lần tự hỏi sao lại ra nông nỗi này? Sao còn sống chung khi anh đã cạn tình? Nếu không vì hai đứa con, em đã bỏ đi từ lâu. Má chồng khuyên em: “Đàn ông ai cũng vậy, lầm lỡ một lúc rồi cũng quay về”.

Co xung lam cha khong?
Bây giờ, hễ em nói động đến chuyện anh và cô thủ quỹ là anh đánh. Ảnh minh họa

Em chờ anh quay về, chờ đến mòn mỏi. Nhưng dường như, anh càng lúc càng xa em. 

Chuyện "làm ăn" giữa anh và cô thủ quỹ rốt cục đã bị bại lộ. Anh mất chức trưởng phòng. Hai miếng đất phải bán để bồi thường, căn nhà cũng đem thế chấp mà vẫn mắc nợ. Từ ngày mất chức, anh đâm ra thất chí, nhậu càng nhiều hơn. Rượu vào, anh đổ tại em ghen tuông mới tới tai sếp, tại em sinh đứa con sau nên mới xui rủi. Em vừa mở lời biện minh, liền bị anh đánh. Nhiều lần nghe tiếng anh la hét, tiếng đổ vỡ trong nhà, hàng xóm phải chạy sang can ngăn.

Mỗi lần nghe em nói đến chuyện ly dị, má chồng liền can: “Làm cha mẹ phải nghĩ cho con. Con không cha như nhà không nóc. Bây xé tụi nhỏ ra khỏi cha nó, sau này nó trách”. Mấy chị hàng xóm từng nhảy vào can ngăn, dọa báo công an mỗi lần anh lên cơn quậy, cũng bàn: “Đàn ông gãy đổ hay buồn bực. Qua đận này thì thôi, có gì mà phải làm lớn chuyện”. Em cười buồn, đận này của em chắc không có hồi kết.

Anh nói: “Té ở chỗ nào phải đứng lên ở chỗ đó”, nên không thèm chuyển việc, quyết đứng lên từ chỗ trượt té để “tụi nó” đừng xem thường. Nhưng em không thấy anh làm cách gì để đứng dậy. Chỉ là càng vùng vẫy, hậm hực, oán trách càng lún sâu thêm vào vũng bùn. Càng tệ hại hơn khi anh chỉ biết mang vợ con ra để trút giận những lúc không vui…

Bấy lâu em cắn răng, bỏ qua cho anh hết lần này đến lần khác để con có cha. Sau vụ án bác hàng xóm xảy ra, em chợt tỉnh ngộ. Em không muốn sau này khi con cái chúng ta lớn lên, lại oán trách em giữ làm chi một người cha không xứng đáng. Bây giờ, em quyết buông tay. 

Thùy Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI