Co-working space bắt đầu 'trận chiến' thị phần

12/11/2018 - 06:07

PNO - Thị trường không gian làm việc chung (co-working space) tại Việt Nam ngày càng sôi động, thu hút sự tham gia của không chỉ doanh nghiệp nội mà cả các “ông lớn” đầy kinh nghiệm của nước ngoài.

Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Tư vấn CBRE, tính đến tháng 4/2018, đã có tổng cộng 19 co-working space ở Hà Nội và 15 co-working space ở TP.HCM của 23 doanh nghiệp, trong đó có hai doanh nghiệp đến từ nước ngoài.

Có gì ở co-working space?

Bên trong một không gian làm việc chung tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM có những khoảng không gian được ngăn cách để nhiều người sử dụng. Phía dưới tòa nhà là bãi giữ xe, còn văn phòng được đặt trên cao với không gian thông thoáng và hiện đại.

Những dãy bàn ghế được xếp dài, chính giữa là đủ loại cây xanh lớn, nhỏ được đặt ngẫu hứng trông không khác gì một khu vườn trong nhà. Việc thiết kế chú trọng vào không gian riêng tư dành cho khách hàng có nhu cầu xử lý công việc.

Co-working space bat dau 'tran chien' thi phan
Không gian làm việc chung đang là lựa chọn ưu tiên của thế hệ nhân sự trẻ

Khu vực phòng họp, phòng làm việc đều được đóng bằng kính cách âm. Phòng lớn dùng cho khoảng 4 - 5 người ngồi với diện tích từ 10 - 15m2. Bên ngoài bố trí loạt bàn dài và ghế sofa dành cho nhóm nhỏ hơn hoặc các cá nhân.

Anh Hoàng Trung - ngụ tại Q.1, TP.HCM, làm trong lĩnh vực thiết kế - cho biết, do công việc ít bị bó buộc nên anh thường chọn làm việc tại nhà hoặc các quán cà phê. Dạo gần đây, nhận thấy quán cà phê khá ồn ào, anh chọn dịch vụ co-working space để tạo cảm hứng làm việc.

“Ưu điểm của không gian làm việc chung là khi mua gói dịch vụ, mình sẽ được trải nghiệm những tiện ích tại đó. Ví dụ như cà phê thì khá ngon, môi trường làm việc thân thiện, không gian làm việc hiện đại, giúp mình có những mối quan hệ tốt với những người cùng thuê, từ đó có thêm những gói công việc mới cho mình” - anh Trung đánh giá.

Chọn mua gói làm việc theo ngày với giá từ 5 - 7 USD/ngày (tương đương từ (120.000 - 150.000 đồng/ngày) với hàng loạt tiện ích như internet tốc độ cao, có phòng ngủ, có dịch vụ nhận/xử lý thư, thư viện… nhưng theo anh Trung, cũng không ít không gian làm việc chung quá đông người, vệ sinh chưa được đảm bảo, không có chỗ giữ xe nếu đến muộn.

Là CEO của một công ty dịch vụ thiết kế website, chị Thủy Nguyễn lựa chọn không gian làm việc chung do một doanh nghiệp nước ngoài cung ứng. Theo chị Thủy, các công ty ngoại có kinh nghiệm về việc lựa chọn địa điểm đặt không gian cho thuê, không quá gần hoặc quá xa so với các công ty khác, thiết kế cũng hiện đại.

“Vì công ty của chúng tôi làm về công nghệ thông tin nên 90% nhân viên là nam, khi làm việc và sinh hoạt ở đây, tôi có thể giao lưu với những đồng nghiệp ở công ty khác, nhất là các bạn nữ. Tôi có yêu cầu cao về không gian, nó phải thoải mái để giúp mình sáng tạo được” - chị Thủy bộc bạch.

“Ông lớn” WeWork vào cuộc

Nhận thấy tiềm năng, hàng loạt đơn vị nhảy vào kinh doanh co-working space và cuộc tranh giành thị phần diễn ra khá gắt gao. Mới đây nhất, thị trường co-working space tại Việt Nam đã chứng kiến một cuộc đổ bộ rầm rộ của “ông lớn” WeWork. WeWork được định giá 20 tỷ USD, hiện đã có mặt tại 23 quốc gia, 77 thành phố trên thế giới.

Tại Đông Nam Á, WeWork có 9 địa điểm cho thuê không gian làm việc chung. Tại Indonesia, doanh nghiệp này có 3 địa điểm. Việt Nam là thị trường kế tiếp của WeWork tại Đông Nam Á.

Co-working space bat dau 'tran chien' thi phan
Nhiều không gian làm việc chung tại Việt Nam ngày càng hiện đại, tiện nghi và đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế

Chiến lược lớn nhất của WeWork khi xâm nhập Việt Nam là sự linh động. Ông Turochas Fuad - Giám đốc điều hành WeWork tại Đông Nam Á - cho biết, WeWork có thể điều chỉnh không gian cho khách hàng khi quy mô doanh nghiệp, công ty phát triển, có những nhu cầu phát sinh.

“Điểm khác biệt rất lớn của chúng tôi đó là kết nối cộng đồng WeWork trên toàn thế giới qua app (ứng dụng). Mọi người có thể làm quen với nhau từ 77 thành phố, 23 quốc gia khác nhau trên app. Ví dụ, thành viên ở Việt Nam có thể chat, kết nối với thành viên ở Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào trong số 23 quốc gia mà WeWork đã có mặt” - ông Turochas Fuad nói.

Doanh nghiệp Việt vẫn tự tin 

Thị phần co-working space tại Việt Nam đang chia đều cho cả doanh nghiệp nội và ngoại. Theo ông Đỗ Sơn Dương - nhà đồng sáng lập Toong - các chuỗi không gian làm việc chung đang phát triển rầm rộ tại Việt Nam và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Đó là điều tất yếu vì bắt chước thường dễ hơn tạo ra cái mới.

Sự phát triển của co-working space tại Việt Nam được đánh giá có cơ sở từ việc bùng nổ mạnh mẽ xu hướng khởi nghiệp và thế hệ nhân sự trẻ.

Cũng theo CBRE, phần lớn đối tượng sử dụng dịch vụ này đều thuộc “thế hệ Y” (độ tuổi dưới 35). 

Nhiều đơn vị phát triển không gian làm việc chung nhưng họ không hiểu bản chất của nó là gì. Bản chất của không gian làm việc chung không phải là không gian - thứ mà bất cứ ai có tiền cũng có thể tạo ra được.

Điều giữ khách hàng ở lại với mỗi không gian làm việc chung chính là văn hóa được hình thành trong không gian đó; mà để xây dựng được văn hóa cấp tiến thì cần rất nhiều thứ hơn tiền. Chính vì lý do này, thị trường sẽ có sự sàng lọc, đào thải.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Tín - nhà sáng lập và điều hành Dreamplex - cho rằng, việc thị trường có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh sẽ là yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp Việt phát huy thế mạnh riêng biệt, mang đến sự lựa chọn tốt cho khách hàng.
Hiện Toong đang có dự định mở thêm một địa điểm mới tại Viêng Chăn (Lào), đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược vươn ra thị trường thế giới. Dreamplex cũng đang dự định “tấn công” thị trường nước ngoài.

Ông Đỗ Sơn Dương nhận định: “Sự xuất hiện của các đơn vị chuyên nghiệp tại thị trường Việt Nam sẽ giúp chúng tôi thể hiện rõ nét hơn những giá trị khác biệt của mình. Nếu xem WeWork như đại diện thì chúng tôi chào đón các bạn WeWork vào Việt Nam”. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI