"Cỏ ven đường" - hai thế giới quan song song

18/03/2021 - 18:25

PNO - Cùng Mori Ōgai và Akutagawa Ryunosuke, Natsume Sōseki vốn từ lâu vẫn được xem như bộ tam trụ của nền văn học hiện đại Nhật Bản với những áng văn khai thác tâm lý của giới trí thức cuối thế kỷ XIX.

 Chủ đề chính trong các tác phẩm của Natsume Sōseki là cõi lòng của giới tinh hoa trí thức trước sự chuyển dời của lịch sử, xã hội Nhật Bản giai đoạn đối đầu nền văn hóa Đông-Tây thời kỳ Minh Trị. Cỏ ven đường được xem như tác phẩm hoàn thiện cuối cùng của ông, trước khi đột ngột qua đời vì căn bệnh thủng dạ dày.

Cỏ ven đường kể về Kenzō - một trí thức trẻ vừa trở về sau khi tu nghiệp ở London, với đời sống cá nhân đầy biến động trong các mối quan hệ gia đình: giữa anh với vợ, anh chị ruột, bố vợ và cha mẹ nuôi. Tiểu thuyết cho thấy công cuộc đối đầu giữa một trí thức và những quan hệ xã hội trăm đường lắt léo, khi những giá trị vật chất, danh vọng lên ngôi.

So sánh điều này với Gối đầu lên cỏ ở thời kỳ đầu sáng tác của Sōseki, thì cỏ trong Cỏ ven đường là thứ sinh vật níu lấy người ta vào bãi u tối của những giá trị vật chất tầm thường. Xây dựng Kenzō như một bản sao của chính mình, Sōseki đã khắc họa một mẫu hình chung của giới trí thức thời đó. Đấy là những người né tránh hoạt động xã giao, xa cách họ hàng, cứng rắn nhưng đầy nhạy cảm và luôn không muốn thể hiện cảm xúc. Họ thích lui về phía sau với sách vở, thơ ca, nghệ thuật hơn là mưu cầu danh vọng, vật chất, tiền tài.

Trong mắt những người xung quanh, tầng lớp trí thức như Kenzō bỗng chốc trở thành những “kẻ lập dị”. Rãnh sâu ấy càng nới rộng ra như anh lý giải sau này, là bởi nền tảng giáo dục khác nhau nên cách nhìn nhận cũng rất khác nhau.

Như một dẫn chứng trong mối quan hệ vợ chồng, khi anh một mực trấn áp vợ chỉ bằng năng lực tư duy với sự độc đoán, gia trưởng trong mọi trường hợp; thì chị lại không khôn khéo trong cách cư xử, dẫn đến nhận định “không đủ tư cách” để anh chia sẻ. 

Nếu mối quan hệ giữa hai vợ chồng như cuộc rượt đuổi trên một vòng tròn, thì cuộc đối đầu với bố mẹ nuôi - ông Shimada và bà Otsune - lại khá trực diện và đầy gấp gáp. Họ chính là ký sinh trùng bằng da bằng thịt, khi trả anh về với ba mẹ ruột lúc khó khăn nhất, để rồi quay lại rút tỉa từ anh. 

Đó còn là tình thế đối đầu đầy gượng ép với người bố vợ như một đại diện của quyền lực mới. Từ một công chức chiếm vị trí cao trong bộ máy nhà nước, nay phải chịu đựng tình cảnh thất sủng và quay trở lại cầu cứu con rể. Thay vào đó, Kenzō lại nhìn bố vợ bằng một ánh mắt đầy vẻ cam chịu của một cá thể không hiểu thấu trò chơi quyền lực. Tất cả đè nén Kenzō nặng trịch như đá tảng. 

Natsume Sōseki đã cho người đọc thấy tình thế chân trong chân ngoài của ông nói riêng và giới trí thức thời đấy nói chung. Một tác phẩm đẹp, đầy đủ đối kháng và suy ngẫm của bậc thầy văn chương. 

Thuận Phát

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI