Cò vé tàu bủa vây từ nhà ga qua nhà mạng

04/12/2017 - 08:53

PNO - Bên trong và ngoài ga Sài Gòn, lực lượng “cò” vé hùng hậu thường “mai phục”, luôn có sẵn vé. Trong khi đó, trên mạng cũng xuất hiện nhiều trang bán vé trực tuyến giả, lừa người mua.

“Cò” nhận cung cấp, đổi trả, đặt mã mua vé

Ngày 1/12, chị Trần Thị Út, 42 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ngãi, lặn lội từ H. Bình Chánh đến ga Sài Gòn tìm mua vé tàu về quê ăn tết. Khi chị Út hỏi mua vé tàu ngày 10/2/2018 (ngày 25 tháng Chạp), nhân viên ở quầy hướng dẫn báo, tất cả các vé về miền Trung từ sau ngày 20 tháng Chạp đã được bán hết.

Vé tết chặng ngắn như Sài Gòn - Tuy Hòa cũng chỉ còn bán vé ghế ngồi cứng hoặc ngồi khoang lạnh. Như vậy, muốn mua được vé tàu, phải về quê trước ngày 5/2/2018 (20 tháng Chạp). Khi chị Út chưa biết tính sao thì một phụ nữ khoảng 40 tuổi ra hiệu chị ra phía trước nhà ga để “bàn chuyện”. 

Co ve tau bua vay tu nha ga qua nha mang
Bà Lùn chèo kéo khách mua vé “chợ đen” ngay bên trong ga nhưng không bị bảo vệ can thiệp

Ngay trước cửa vào ga Sài Gòn, chúng tôi thấy có hai, ba phụ nữ đứng chực sẵn, liên tục chèo kéo khách mua vé “chợ đen”. Nghe chúng tôi trình bày muốn mua vé về tết ngày 26 tháng Chạp, bà Lùn (khoảng 40 tuổi) cười khẩy: “Trong đó mua khó lắm, ra chỗ chị đi vé ngày nào mà chẳng có”.

Dứt lời, bà Lùn móc điện thoại ra kiểm tra một hồi rồi chép miệng: “Giường nằm ngày 26 căng quá, em để lại thông tin cá nhân, số điện thoại, sang tuần, chị điện tới nhận vé rồi trả tiền”.

Chúng tôi vờ không muốn chờ đợi lâu, bà Lùn nói: “Hay thế này, bây giờ em cứ mua vé ngồi cứng đi, đến hôm lên tàu, chị sẽ sắp xếp cho em đi chỗ nghỉ của nhân viên trên tàu. Buồng nghỉ nhân viên có giường nằm hẳn hoi, hai người nằm cũng còn rộng”.

Khi chúng tôi hỏi về giá vé, bà Lùn nói: “Cái này là chị làm công thôi chứ không bán vé. Em lấy vé, trả đúng số tiền in trên vé rồi cho chị xin thêm 300.000 đồng tiền dịch vụ. Yên tâm, mua vé xong em có thể vô nhà ga kiểm tra ngay để biết vé giả, vé thật”.

Rời chỗ bà Lùn chưa đầy 5m, chúng tôi gặp một phụ nữ khoảng ngoài 30 tuổi đang đứng chèo kéo khách mua vé “chợ đen”. Thấy bà Lùn “buông” chúng tôi, người này tiến tới: “Chị còn nhiều vé ngày 25 về lắm, lại đây đăng ký, chiều giao vé”.

Chúng tôi thắc mắc, sao trong ga hết vé mà bên ngoài vẫn có, người này nói: “Người ta làm ở đây biết bao lâu rồi, có này có kia mới có “cò” ăn chớ”. Chúng tôi giả vờ nghi ngờ “cò” bán vé giả, nhiều “cò” ở khu vực trước cửa nhà ga đều cam kết: “Cứ mua đi, vào ga kiểm tra, đúng vé thật mới trả tiền”.

Không chỉ bán vé “chợ đen”, nhóm “cò” vé của bà Lùn, bà Nguyệt ở khu vực ga Sài Gòn còn đảm nhận dịch vụ trả vé tàu cho những người bị sai tên. Khoảng 12g trưa 1/12, chúng tôi cầm tờ “biên nhận trả vé” đứng trong khu vực ga Sài Gòn thì bà Lùn và một phụ nữ khác tiếp cận.

Nghe chúng tôi mua vé trên mạng nhưng ghi sai tên, việc đổi trả bị trục trặc, bà Lùn nhanh nhảu: “Đưa cái biên nhận chị đổi giúp cho; đổi xong, em cho chị xin ít tiền uống cà phê”.

Co ve tau bua vay tu nha ga qua nha mang

"Cò" chào bán vé chợ đen ngay tại cửa ra vào ga Sài Gòn

 

Một dịch vụ khác xuất hiện tại “chợ đen” là đặt mã mua vé giúp. Trưa 2/12, chúng tôi gặp “cò” Tâm đang đứng ở cửa bãi giữ xe ga Sài Gòn. Thấy chúng tôi trong nhà ga đi ra, ông Tâm vẫy tay, chào mời: “Mua vé phải không? Chỗ anh có vé nè”. Chúng tôi tỏ vẻ bất ngờ, ông Tâm giải thích: “Em cần mua vé ngày mấy, anh đặt giúp rồi nhắn mã mua vé vào điện thoại. Có mã số rồi, em vào ga lấy vé thoải mái”.

Chúng tôi vờ hỏi mua vé ngày 26 tháng Chạp, ông Tâm nói: “Rồi, em cứ nhắn thông tin vô điện thoại anh đi, chiều nay có mã số, anh sẽ nhắn em ra ga lấy vé”. Trong nhà ga và trên trang mạng dsvn.vn, vé đi Quảng Ngãi ngày 26 tháng Chạp đều hết, nhưng “cò” Tâm vẫn khẳng định chắc nịch là mình mua được: “Anh lừa mày làm gì, cứ nhắn thông tin rồi anh nhắn mã số cho, lấy vé được rồi mới trả tiền cho anh”. Theo “cò” Tâm, phí dịch vụ đặt mã giùm là 200.000 đồng/vé.

Loạn trang mạng bán vé tàu

Ngành đường sắt bắt đầu mở bán vé tàu tết trực tuyến qua mạng từ ngày 15/10 với số lượng là 300.000 vé thông qua trang dsvn.vn và hai tổng đài là 19001520 (TP.HCM), 19000109 (Hà Nội). Tuy nhiên, gần đây, lại xuất hiện nhiều trang web bán vé tàu có dấu hiệu giả mạo.

Ngày 3/12, chúng tôi truy cập vào trang mạng duongsatvietnam.com thì thấy trang này có giao diện khá giống với trang web chính thức của ngành đường sắt. Chúng tôi liên lạc vào số hotline 0981xxx901 ghi trên trang này, lại được hướng dẫn gọi vào số 1900xxx4 để được tư vấn mua vé tàu.

Trang web này giới thiệu là “đại lý bán vé tàu hỏa các tuyến của đường sắt Việt Nam” nhưng giá vé cao hơn rất nhiều so với mức giá do ngành đường sắt đưa ra. Khi chúng tôi thắc mắc về mức giá, nhân viên trực tổng đài trên trang web này giải thích: “Do đây là một đơn vị dịch vụ cung cấp vé tàu nên có thể tính thêm phí dịch vụ”.

Tương tự, hai trang mạng khác là www.duongsathanoi.com, www.dailyvetauhoa.com có giao diện khá giống trang web của ngành đường sắt Việt Nam, nhưng bán vé cao hơn rất nhiều so với giá vé chính thức được công bố. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều trang web với giao diện ghi bằng tiếng nước ngoài nhưng lại bán vé tàu của ngành đường sắt Việt Nam với giá “cắt cổ”, chẳng hạn như https://www.vietnamrailxxx.net, http://cheapvietnamxxx.com.

Ngày 3/12, chúng tôi truy cập vào trang vietnam-rxxxxx.com để mua vé tàu thì xuất hiện trang giao diện tiếng Anh, giá vé được tính bằng USD. Chẳng hạn như, vé từ TP.HCM đi Đà Nẵng ngày 3/12 có giá là: ghế mềm 50 USD/vé, giường cứng 6 giá 64 USD/vé, giường mềm 4 giá 68 USD/vé. Trong khi đó, trên trang dsvn.vn, giá vé TP.HCM đi Đà Nẵng cùng ngày chỉ có giá 586.000đ/ghế ngồi mềm, 629.000đ/giường nằm khoang 6 có máy điều hòa, 850.000đ/giường nằm khoang 4 có máy điều hòa.

Trên thực tế, đã xuất hiện tình trạng người dân bị lừa gạt khi mua vé tàu qua mạng. Phản ánh với Báo Phụ Nữ TP.HCM, anh T.V.N., tạm trú tại Q.10, TP.HCM cho biết, ngày 25/11, anh truy cập vào một trang web rao “sang nhượng” vé tàu tết đi ngày 27 tháng Chạp. Khi anh N. liên lạc, người bán vé yêu cầu anh phải mua một thẻ điện thoại 100.000 đồng gửi qua để “làm tin”, sau đó mới gửi vé vào qua đường chuyển bưu phẩm, nhận vé được mới trả tiền.

“Thấy người bán nói cũng có lý nên tôi gửi cho họ thẻ điện thoại 100.000 đồng, nhưng sau đó họ lại yêu cầu tôi gửi tiếp. Nghi ngờ bị lừa, tôi lấy một số máy khác gọi mới biết việc bán vé tàu là giả mạo”.

Ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn - cho biết, ngành đường sắt chỉ có trang web bán vé tàu duy nhất là dsvn.vn; mọi trang web bán vé tàu khác đều không phải của ngành đường sắt. 

Người dân không nên giao dịch với “cò”

Việc “cò” nói có thể thay đổi tên, đổi vé này nọ là không chính xác. Bản chất “cò” là khi người dân hỏi gì “cò” cũng nói có nhưng trên thực tế thì không làm được. Về phía nhà ga, chúng tôi ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ báo chí điều tra nghi vấn “cò” cấu kết với nhân viên ngành đường sắt; nếu phát hiện, chúng tôi xử lý ngay. Nhưng trên thực tế, không có việc cấu kết này.

Hiện nay, ngành đường sắt đang mở bán vé điện tử, người dân nên mua vé ở những nơi đáng tin cậy như: trang web dsvn.vn, tại nhà ga và các đại lý của ngành đường sắt. Người dân không nên giao dịch với “cò” để tránh trường hợp vé bị cạo tên, sửa tên, số chứng minh không đúng. Năm ngoái, đã xuất hiện trường hợp người dân mua vé tàu của “cò”, khi lên tàu bị nhân viên phát hiện là vé giả. Những trường hợp đó, chúng tôi đã báo với công an để xử lý.

Ông Đỗ Quang Văn
Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn


Sơn Vinh - Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI