Cổ vật bị đánh cắp là do quản lý, thanh tra lỏng lẻo

23/10/2024 - 16:18

PNO - ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc thành lập lực lượng thanh tra để bảo vệ di sản, cổ vật tránh bị mất mát, đánh cắp.

ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc thành lập thanh tra bảo vệ cổ vật, quỹ di sản văn hóa
ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc thành lập thanh tra bảo vệ cổ vật, quỹ di sản văn hóa - Ảnh: QH

Lo mai một tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc

Chiều 23/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chia sẻ, ông xót xa khi chứng kiến trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không biết tiếng nói và chữ viết của đồng bào. Ngay cả nhiều già làng cũng chỉ biết nói mà không biết viết chữ dân tộc.

Tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc, theo ông, là di sản đặc biệt cần bảo tồn, phát huy. Dự luật phải quan tâm hơn để tránh việc 2, 3 đời sau, không còn người dân tộc thiểu số nào biết chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình. Đây sẽ là thiệt thòi cho các dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước.

Đồng quan điểm, ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị làm rõ khái niệm “di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền”, “nguy cơ mai một”. Các khái niệm này cần được quy định cụ thể hơn: chẳng hạn số lượng nghệ nhân giảm mạnh, không gian văn hóa liên quan bị xâm phạm hoặc biến mất… để tạo cơ sở vững chắc cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp.

Dự thảo đã quy định về quyền và trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản văn hóa, song cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nơi có nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Cộng đồng cần được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất và được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực bảo vệ di sản.

ĐBQH Thạch Phước Bình tán thành việc trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong dự thảo luật. Ông cũng cho rằng, các danh hiệu này cần đi kèm các chế độ hỗ trợ lâu dài về tài chính, bảo hiểm, y tế để họ tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật.

Mong có cơ chế thông thoáng để cải tạo nhà trong khu di tích

ĐBQH Thạch Phước Bình góp ý dự thảo luật - ảnh QH
ĐBQH Thạch Phước Bình góp ý dự thảo luật - Ảnh: QH

Dự thảo Luật Di sản văn hóa có 13 khoản cấm được quy định rành mạch để bảo tồn di tích, di sản. Đồng tình với những quy định này, ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu, thời gian qua, có rất nhiều di sản văn hóa, bảo vật bị mất mát, thất thoát, bị mua bán sang tay, xuất khẩu ra nước ngoài. Ông cũng đề nghị làm rõ quy định với một số trường hợp như: người dân đào bới, phát hiện di sản văn hóa ở khu vực không phải di tích, người dân không biết vật sở hữu là di sản và đem bán... Đây là những trường hợp đã xảy ra trong thời gian qua, việc xử lý như thế nào? Trường hợp mua bán cổ vật của gia đình có bị truy cứu trách nhiệm hay không?

Ban soạn thảo cũng đề xuất thành lập lực lượng thanh tra để bảo vệ được cổ vật. ĐBQH đặt vấn đề: lực lượng này có bảo vệ được cổ vật đánh cắp hay không?

“Sở dĩ, trong thời gian qua, những cổ vật bị mất mát, đánh cắp là do cơ quan thanh tra, cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước lỏng lẻo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cơ quan thanh tra chuyên ngành. Chúng ta phải thể hiện và phát huy cơ quan này lên, không nhất thiết thành lập thanh tra chuyên ngành của di tích lịch sử văn hóa” - ĐBQH đề nghị giao cho chính phủ quy định, chỉ thành lập thanh tra nếu thật sự cần thiết.

Liên quan tới vấn đề này, ĐBQH Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung quy định tham gia Công ước quốc tế, trong đó có công ước hiến chương về việc thu hồi các cổ vật bị tước đoạt, đánh cắp trái phép... để làm cơ sở thành lập tổ chức chuyên trách, lập hồ sơ danh sách các bảo vật bị đánh cắp, đang nằm trong bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân trên thế giới.

Cân nhắc thành lập quỹ bảo tồn văn hóa

Về quỹ bảo tồn văn hóa, cần cân nhắc vì hiện nay chúng ta có rất nhiều quỹ. Thời gian qua, các cơ quan, ủy ban của Quốc hội đã giám sát nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng được đánh giá hoạt động không hiệu quả. Có ý kiến cho rằng cần giảm các quỹ này. Tuy nhiên, từ khóa XV tới nay, phần lớn các cơ quan soạn thảo luật có đề nghị thành lập quỹ và được chấp nhận. Như vậy, chúng ta không giảm mà tăng quỹ. Dù không phải Ngân sách Nhà nước nhưng những quỹ này vẫn huy động nguồn lực xã hội. Trong khi có những quỹ cần thiết nhưng không có nguồn lực đóng góp vào. Vì vậy, tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét có nhất thiết thành lập quỹ này hay không. Vừa rồi ta cho Huế - là di tích đặc biệt có quỹ bảo tồn di sản nhưng với cả nước thì có nên hay không, điều này cần cân nhắc.

(ĐBQH Phạm Văn Hòa)

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI