Cổ vật, bảo vật quốc gia liên tục bị trộm 'khoắng': Tại ai?

30/07/2019 - 15:11

PNO - Có phải vì “cha chung không ai khóc” nên hết vụ này đến vụ khác, khi bị phát hiện, các cơ quan hữu quan chỉ kiểm điểm cho... có lệ?

Cổ vật bị trộm “khoắng” hết lần này tới lần khác tại một di tích đã được xếp hạng. Bảo vật quốc gia bị hư hại trong quá trình bảo dưỡng. Hàng loạt vụ đào trộm hiện vật cổ vẫn đang xảy ra... Có phải vì “cha chung không ai khóc” nên hết vụ này đến vụ khác, khi bị phát hiện, các cơ quan hữu quan chỉ kiểm điểm cho... có lệ?

“Chảy máu” hiện vật cổ, quý hiếm

Mới đây, sau hai vụ mất trộm liên tiếp ở đình Khánh Hội (Q.4, TP.HCM), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã yêu cầu Công an TP.HCM và UBND Q.4 chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an Q.4 điều tra, xử lý nghiêm đối tượng trộm cắp hiện vật tại di tích đình Khánh Hội theo quy định của Luật di sản văn hóa và Bộ luật Hình sự; báo cáo kết quả điều tra, xử lý cho UBND TP.HCM.

Co vat, bao vat quoc gia  lien tuc bi trom 'khoang': Tai ai?
Đình Khánh Hội (Q.4) liên tục mất cổ vật “ông Nhật”, “bà Nguyệt”, trị giá gần 1 tỷ đồng

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng giao Công an TP.HCM và UBND các quận, huyện chỉ đạo tăng cường công tác an ninh, an toàn tại di tích và các công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn địa phương quản lý.

Trước đó, tháng 10/2018 và tháng 3/2019, đình Khánh Hội đã hai lần bị trộm “viếng thăm“ và đánh cắp hiện vật với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa bắt được kẻ trộm. Những hiện vật bị mất có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đều thuộc gốm cây Mai (gốm Sài Gòn xưa). Đình Khánh Hội là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp thành phố từ năm 2007. Mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ đều bị nghiêm cấm.

Tình trạng “chảy máu” cổ vật không chỉ diễn ra ở đình Khánh Hội mà ở nhiều nơi khắp thành phố. Theo số liệu do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM công bố, từ năm 2017 tới nay đã xảy ra tình trạng mất cắp hiện vật ở đình thần Xuân Hiệp, đình Trường Thọ (Q.Thủ Đức), miếu bà Thiên Hậu (Q.1), đình Bình Đông (Q.8), đình Minh Hương Gia Thạnh (Q.5)… Đây đều là những di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, được Luật di sản văn hóa bảo vệ.

Không “chảy máu” hiện vật ra bên ngoài vì bị trộm, có những hiện vật bị hủy hoại ngay từ bên trong, từ chính những cán bộ làm công tác bảo quản, quản lý. Dù vụ việc bị phát hiện hồi tháng Năm, tới nay, dư luận vẫn chưa hết sửng sốt với cách bảo quản tùy tiện mà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM “ứng xử” với bảo vật quốc gia - tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí. Thay vì mời chuyên gia thực hiện, kiểm tra, giám sát các công đoạn bảo dưỡng tác phẩm, bảo tàng này lại thuê thợ “tự xử” bằng nước… rửa chén, bột chu, giấy nhám.

Thị trường đồ cổ ở hai pha sáng - tối

Một dạng hiện vật khác, không phải ở đình, chùa, miếu mạo hay bảo tàng, hiện cũng đang thất thoát, là các di vật, cổ vật ở các khu vực khảo cổ. Tình trạng đào trộm diễn ra khắp nơi, ở những di tích chưa được xếp hạng lẫn những di tích đã được xếp hạng và được bảo vệ theo luật định.

Co vat, bao vat quoc gia  lien tuc bi trom 'khoang': Tai ai?
Bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc bị hủy hoại trong quá trình bảo dưỡng

Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Lâm Thị Mỹ Dung - chủ nhiệm bộ môn khảo cổ học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định: “Thị trường đồ cổ, bảo vật hiện nay sôi động, phức tạp, vừa nổi vừa ngầm”. Tất nhiên, trong giới sưu tầm cũng có những người rất có ý thức, thực sự xót xa khi nhìn cổ vật “chảy máu”, nếu họ không mua thì sẽ rơi vào tay người khác, nhưng phần nhiều chỉ xem đó như một nghề mưu sinh, buôn đi bán lại. Trong khi đó, Nhà nước lại không có tiền để mua cổ vật, khiến các cổ vật, bảo vật cứ lần lượt ra đi...

Những địa điểm liên quan đến mộ táng Đông Sơn, Sa Huỳnh… hiện bị đào trộm nhiều nhất. Các hiện vật lấy lên từ đây đều được giá khi giao dịch trên thị trường. Đương nhiên, giới đào trộm đâu cần quan tâm quy cách của khoa học khảo cổ. Họ chỉ chăm chăm lấy những món có thể bán. PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung nói, điều đó đã góp phần phá hoại di tích, làm thất thoát thông tin, phá vỡ bối cảnh khoa học khảo cổ.

Ở một góc độ khác, việc sưu tầm đồ cổ cũng được xem là cách để giữ cổ vật lại Việt Nam, thúc đẩy thị trường đồ cổ, nên vẫn có những cửa hàng đồ cổ được bày bán công khai, những nhà sưu tầm vẫn được phép mở bảo tàng tư nhân. Để bảo vệ nguồn cổ vật, nhiều quy định được ban hành, trong đó phải kể đến Thông tư 19/2012/TT-BVHTTDL, quy định cụ thể các loại di vật, cổ vật không được mang ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo một người trong giới sưu tầm tiết lộ, thực tế thì cấm vẫn cấm, cổ vật “đi” vẫn “đi” ra nước ngoài. Còn vì sao, có lẽ phải hỏi trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tự đóng cửa… bảo nhau

Trở lại câu chuyện hiện vật bị trộm hai lần ở đình Khánh Hội, có thể thấy, công tác an ninh sơ sài, thái độ thờ ơ của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đã “tiếp tay” cho trộm quen đường cũ. Có điều, ngoài chỉ đạo từ UBND TP.HCM, đến lúc này, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ “tẩu tán” cổ vật có giá trị tại đây. Tương tự, ở những đình, chùa… khác, những hiện vật cổ bị mất, cũng chưa tìm thấy và chưa bắt được thủ phạm. Khi bị phát hiện, người có trách nhiệm chỉ bị nhắc nhở rồi… hòa cả làng.

Ở những nơi được bảo vệ kỹ hơn như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thì trong vụ Vườn xuân Trung Nam Bắc, khi tinh thần và không gian tác phẩm bị tổn hại tới 30%, theo kết luận của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), việc kiểm điểm cũng nhẹ nhàng. Tới nay, chưa có bất kỳ ai lên tiếng nhận trách nhiệm. 

Ở nước ta, định nghĩa cổ vật mới có hơn chục năm trở lại đây. Theo Luật Di sản văn hóa, cổ vật là các giá trị văn hóa vật thể ghi dấu ấn văn hóa của con người, là sản phẩm của con người tạo ra và có tuổi từ 100 năm trở lên. Nghiên cứu cổ vật Việt để hiểu rõ hơn các giai đoạn phát triển của đất nước.

Đặt cổ vật trong không gian, bối cảnh nó phát huy, tăng thêm giá trị tự thân của cổ ngoạn. Mở rộng ra, không chỉ cổ vật hơn 100 tuổi, mà cả những hiện vật quý, hiếm, bất kể sự phá hủy của môi trường tự nhiên, của các cuộc chiến tranh cướp bóc, của sự tàn phá vô ý hoặc có ý thức của con người, những vật thể được con người làm ra từ thuở xa xưa còn giữ được đến ngày nay đều trở thành các giá trị đáng lưu giữ.

Việc xếp hạng di tích là cần thiết, vì đó là cơ sở pháp lý để có thể bảo vệ di tích, di sản. Tuy nhiên có luật, có quy định bảo vệ không đồng nghĩa với việc di tích sẽ đảm bảo được giữ gìn. Điều cốt lõi nằm ở nhận thức của chính quyền từ dưới lên trên. Để bảo vệ được tài sản, di sản của cha ông, ngoài luật còn phải có nhiều hành động thực tế, cụ thể, quan trọng nhất vẫn là vai trò cộng đồng ở địa phương.

Bên cạnh những giải pháp để lành mạnh, công khai hóa thị trường cổ vật mà ta đang thiếu, khi Luật Di sản văn hóa còn những bất cập, quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với thị trường cổ vật cần được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cửa hàng mua bán cổ vật cũng như những nơi đang bảo quản cổ vật cần thực hiện chu đáo, thường xuyên. Nếu không, có thể ta sẽ rơi vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”. 

Theo PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, hiện vật cổ ngày càng ít, giới đi “săn” đồ cổ, bảo vật càng tích cực tìm, truy lùng, đào… Công nghệ, máy móc hiện đại cho phép việc dò tìm dễ dàng hơn. Thậm chí, giới đào trộm biết nhiều khu vực có cổ vật hơn cả giới chuyên môn, vì hoạt động theo hệ thống chân rết, có mặt khắp nơi. Khi phát hiện khu vực khảo cổ, nhà khảo cổ chỉ được phép khai quật trên diện tích rất nhỏ, trong khi khu vực có hiện vật rộng lớn hơn rất nhiều. Phần diện tích rộng lớn ngoài phạm vi khai quật này thường trở thành miếng mồi ngon cho giới đào trộm.


Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI