Cô Tư Duy Liên – một cốt cách đặc biệt

20/05/2023 - 17:21

PNO - Buổi giao lưu ra mắt sách “Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ” tại Đường Sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) vào sáng 20/5 kết thúc khá trễ so với dự kiến. Câu chuyện của những khách mời như không muốn dứt với những tình cảm đầy tha thiết, trân trọng dành cho cô Tư Duy Liên – một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng lớn với TPHCM những ngày đầu đất nước thống nhất.

Gia đình cô Tư Duy Liên tri ân những tác giả góp sức hoàn thành quyển sách Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ.
Gia đình cô Tư Duy Liên tri ân những tác giả góp sức hoàn thành quyển sách Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ.

“Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ” là câu chuyện về nữ Phó Chủ tịch đầu tiên của TPHCM sau năm 1975. Trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ, với bao biến động thời cuộc, bà đã kiên cường với vai trò người mẹ, người vợ, người nữ chiến sĩ trung kiên trong thời chiến, và người nữ cán bộ tâm huyết, tài năng trong thời bình.

Tại buổi giao lưu, có mặt gần như đủ những người thân quen với cô Tư Duy Liên trong các giai đoạn khác nhau của một cuộc đời hào hùng và ý nghĩa.
Tại buổi giao lưu, có mặt gần như đầy đủ những người thân quen với cô Tư Duy Liên trong các giai đoạn khác nhau của một cuộc đời hào hùng.

Ông Nguyễn Hữu Châu (con trai luật sư Nguyễn Hữu Thọ) vẫn lưu giữ ký ức thuở 9, 10 tuổi từng gặp cô Tư Duy Liên, cô Nguyễn Thị Bình - những người cùng hoạt động với cha mình. Lúc đó, cô Tư Duy Liên hãy còn trẻ lắm, nhưng đã đầy bản lĩnh, không ngại đàn áp, tù đày vì lý tưởng của tổ quốc.

Ông Nguyễn Hữu Châu chia sẻ ký ức thuở nhỏ về cô Tư Duy Liên.
Ông Nguyễn Hữu Châu chia sẻ ký ức thuở nhỏ về cô Tư Duy Liên.

Biết về những bức thơ cô Tư Duy Liên viết cho người chồng đã khuất của mình, ông càng cảm thấy trân trọng. “Việc cô nâng niu giá trị gia đình, làm thế nào để có được một gia đình hạnh phúc là điều rất cần lan tỏa trong xã hội hôm nay, khi nhiều giá trị truyền thống đang dần phai nhạt” – ông Nguyễn Hữu Châu chia sẻ.

Gia đình cô Tư Duy Liên
Gia đình cô Tư Duy Liên trao tặng toàn bộ nhuận bút quyển sách cho Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM.

Là người đầu tiên tiếp nhận bản thảo hồi ký từ gia đình cô Tư Duy Liên, TS. Quách Thu Nguyệt (nguyên Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ) không khỏi lo lắng khi nó được viết dở dang. Cô Tư Duy Liên đã lập đề cương bố cục hoàn chỉnh cho một tác phẩm hồi ký, nhằm gửi gắm trọn vẹn đến các con những lý tưởng, kỳ vọng nối tiếp cha mẹ cống hiến cho TPHCM. Thế nhưng, tập hồi ức mới hoàn tất phần đầu về giai đoạn tham gia kháng chiến và bị địch bắt, tù đày. Rất may mắn là gia đình đã tìm được những bức thư mà cô Tư Duy Liên viết cho người chồng đã khuất của mình, cũng như bổ sung những trang viết từ các con nhớ về mẹ, từ những đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè…

TS. Quách Thu Nguyệt cho biết đây là quyển hồi ký lấy nhiều nước mắt trong cuộc đời làm sách của bà đến nay.
TS. Quách Thu Nguyệt cho biết đây là quyển hồi ký "lấy nhiều nước mắt" trong cuộc đời làm sách của bà đến nay.

“Điều này tạo nên điểm độc đáo của tập sách, bởi nó chẳng những làm đủ đầy, trọn vẹn dạng thức cần có của một hồi ức cá nhân, mà còn làm giàu thêm cảm xúc người đọc, không chỉ với cuộc đời của một nhân vật cụ thể mà còn phóng chiếu hình ảnh bi hùng, đẹp lãng mạn của người phụ nữ Việt Nam, của những nữ chiến sĩ cách mạng trong thời chiến” – TS. Quách Thu Nguyệt chia sẻ.

Con gái của cô Tư Duy Liên - Lê Thị Liên Hoan - chia sẻ ký ức về sự nghiêm khắc của mẹ đã
Con gái của cô Tư Duy Liên - Lê Thị Liên Hoan - chia sẻ ký ức về sự nghiêm khắc của mẹ đã rèn luyện nên tính kỷ luật cho các con sau này.

Với bà Nguyễn Thế Thanh (nguyên Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM), thì cô Tư Duy Liên là một “người thầy” đã dẫn dắt bà trong những bước đầu tiên làm báo, đã khai mở nhận thức nhiều vấn đề cũng như an ủi, động viên bà trong những thời khắc khó khăn, luôn nhắc nhở bà nhớ mình là “một nhà báo”.

“Nhớ về cô Tư Duy Liên không chỉ là một nữ lãnh đạo có nhiều dấu ấn trong giai đoạn đầu đất nước thống nhất bộn bề khó khăn, mà còn là một cốt cách phụ nữ đặc biệt. Một lãnh đạo quyết đoán và tinh tế, đồng thời là một người phụ nữ với tất cả ý nghĩa của nó – vừa công tác tốt, vừa làm tròn trách nhiệm người phụ nữ với gia đình” – bà Nguyễn Thế Thanh chia sẻ.

Ông Võ Minh Đức viết hẳn một bài thơ nhớ về cô Tư Duy Liên.
Ông Võ Minh Đức còn viết hẳn một bài thơ nhớ về cô Tư Duy Liên.

Ông Võ Minh Đức, một trong những học sinh của trường Lý Tự Trọng – nơi nuôi dạy con em liệt sĩ, qua bao năm vẫn nhớ những lần được cô Tư Duy Liên đến thăm.

“Trường nuôi dạy gần 2.000 học sinh có cha mẹ hy sinh trong kháng chiến, đứa nhỏ nhất khoảng 5 - 6 tuổi, lớn nhất 17 - 18 tuổi, ai cũng gọi bà là “má Tư”. Bận trăm công nghìn việc, má vẫn thường xuyên đến thăm và quan tâm sát sao các con. Má nói: “Má đến thăm tụi con chứ không phải lãnh đạo gì hết”…” – ông Võ Minh Đức kể.

Bà Phạm Phương Thảo học được
Bà Phạm Phương Thảo học được nhiều điều từ cô Tư Duy Liên trên cương vị một lãnh đạo.

Với nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, thì quyển sách Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ là một cuốn sách đẹp: “Đây như một đóng góp tiếp tục của cô Tư Duy Liên cho cuộc đời với nhiều giá trị đáng quý cần được lan tỏa”.

Là người nối tiếp công việc của cô Tư Duy Liên, bà Phạm Phương Thảo cho biết cô rất quan tâm đến cán bộ trẻ và cán bộ phụ nữ, bằng sự quan sát tinh tế, cô thường xuyên nhắn gửi nhiều điều với những lãnh đạo mới, và chính bà cũng từng nhận những bức thư ngắn đong đầy tình cảm và kỳ vọng từ cô Tư Duy Liên…

Ông Lê Thái Hỷ
Ông Lê Thái Hỷ đại diện gia đình ký tặng sách cho độc giả.

 

Ông Lê Thái Hỷ - con trai lớn của bà Đỗ Duy Liên và ông Lê Duy Nhuận (bí danh Tư Ốm) liệt sĩ Lê Duy Nhuận - nguyên Khu ủy viên, Trưởng ban Tuyên huấn Phân khu 1 trực thuộc Đặc khu Sài Gòn - Gia Định
Ông Lê Thái Hỷ - con trai lớn của bà Đỗ Duy Liên và liệt sĩ Lê Duy Nhuận (nguyên Khu ủy viên, Trưởng ban Tuyên huấn Phân khu 1 trực thuộc Đặc khu Sài Gòn - Gia Định) - giới thiệu về tấm ảnh quý chụp mẹ mình khi tham dự Hội nghị 4 bên tại Paris.

Bà Đỗ Duy Liên từng làm công tác phụ vận tại nội thành Sài Gòn; tham gia phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam dự Hội nghị 4 bên tại Paris; là Giám đốc đầu tiên của Sở Thương binh và Xã hội, về sau cũng là nữ Phó chủ tịch UBND TPHCM đầu tiên, phụ trách văn - xã (1980 – 1989). Bà cũng là người chủ trì phát hành số đầu tiên báo Phụ nữ Sài Gòn (tiền thân của Báo Phụ nữ TPHCM), đặt nền móng cho Hội bảo trợ Bệnh viện miễn phí TPHCM (sau là Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM), Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi TPHCM… Trên cương vị nào, bà cũng để lại những di sản đáng quý.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI