PNO - Trong năm học 2022-2023, TPHCM đưa vào sử dụng hơn 10 ngôi trường mới với hàng trăm phòng học cho học sinh các cấp. Ngày càng có thêm những ngôi trường khang trang, hiện đại ở khu vực vùng ven, ngoại thành TPHCM đem lại điều kiện học tập tốt hơn cho con em của người dân thành phố.
Lớp học đầy đủ trang thiết bị và sĩ số đạt chuẩn tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận Bình Tân) - Ảnh: P.T.
Những ngôi trường trăm tỉ
Trong một tiết tiếng Việt lớp Một, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Trang nắn nót viết những dòng chữ lên bảng để học sinh đọc theo. Sau đó, cô trượt nhẹ tấm bảng sang một bên, để lộ ra bảng tương tác “khủng” rộng đến 86inch. Cô dùng bút chuyên dụng để thao tác, những hình ảnh sinh động liên tục hiện ra khiến học sinh không ngừng trầm trồ, thích thú. Mỗi khi học đến một đồ vật hay con vật nào là trên bảng tương tác hiện ra hình ảnh trực quan khiến các em vô cùng hào hứng. Khi luyện môn tập đọc, cô dùng tay thao tác phóng to các đoạn văn, cận cảnh vào những chữ cần ghi nhớ để giúp các em dễ nhìn, dễ tiếp thu.
Đó là giờ học tại lớp 1/1 Trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận Bình Tân) - ngôi trường có tổng đầu tư lên đến 105 tỉ đồng vừa được đưa vào hoạt động trước thềm năm học 2022-2023. Là quận vùng ven có tốc độ tăng dân số cơ học chóng mặt, nhiều năm qua, đa phần các trường học ở quận Bình Tân luôn trong tình trạng quá tải, sĩ số cao. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực của ngành giáo dục địa phương, Trường tiểu học Lương Thế Vinh với quy mô lớn đã được đưa vào hoạt động.
Ông Lê Thái Trung - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, trường có diện tích gần 5.000m2, với 73 phòng, trong đó có 43 phòng học và đầy đủ phòng chức năng phục vụ nhu cầu học tập chất lượng cao theo chương trình mới, như phòng âm nhạc, tin học, ngoại ngữ, công nghệ, phòng thiết bị… cùng hội trường có sức chứa 400 chỗ.
Đặc biệt, trường được trang bị hệ thống camera an ninh tại tất cả hành lang, lối dẫn vào phòng học. Hiện nay, số lượng cán bộ quản lý và nhân viên còn ít nên hệ thống camera đã phát huy hiệu quả tốt, hỗ trợ nhà trường trong việc điều hành, quản lý khuôn viên rộng lớn, đảm bảo an toàn cho học sinh.
“Do được thiết kế mới, nên tất cả tiêu chuẩn đều đáp ứng theo yêu cầu của trường chuẩn quốc gia. Đáng chú ý là diện tích mỗi phòng học lên đến 58m2, tăng 10m2 so với kiểu phòng học cũ. Trong khi đó, sĩ số mỗi lớp chỉ từ 35-40 học sinh nên các em được học trong không gian rộng rãi. Các phòng học còn được trang bị hệ thống âm thanh tiên tiến, bảng tương tác loại lớn” - ông Lê Thái Trung cho hay.
Ở huyện ngoại thành Bình Chánh, Trường tiểu học Lê Quý Đôn với vốn đầu tư 118 tỉ đồng cũng vừa được đưa vào hoạt động trong năm học này. Ngôi trường được thiết kế hiện đại, diện tích lên đến 13.600m2, với 30 phòng học, 8 phòng bộ môn và 43 phòng chức năng. Điều khiến học sinh thích thú là thư viện rộng rãi với hàng ngàn đầu sách được chọn lọc, phân loại khoa học theo chủ đề, khối lớp giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tìm đọc cuốn sách mình yêu thích.
Cũng khánh thành đầu năm học này, Trường THCS Tô Ngọc Vân (quận 12) đã trở thành một điểm nhấn kiến trúc đặc sắc cho quận vùng ven. Trường được thiết kế bắt mắt, trẻ trung với tường được phối hợp tinh tế giữa các màu sắc vàng, xanh lá, đỏ, phá vỡ hình ảnh khô cứng thường thấy của các ngôi trường công lập. Với tổng đầu tư hơn 114 tỉ đồng, diện tích hơn 3.800m2, trường có 40 phòng học, đầy đủ phòng chức năng và trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất hiện đại phù hợp tổ chức hoạt động giáo dục cho khoảng 1.800 học sinh.
Thầy, trò vui học trong ngôi trường mới
Giáo viên và học sinh Trường THCS Tô Ngọc Vân (quận 12) phấn khởi được học trong ngôi trường mới - Ảnh: M.L.
Có thể thấy, các ngôi trường mới xây dựng đều được thiết kế hiện đại, tạo điều kiện cho việc dạy và học hiệu quả theo chương trình mới. Ngày 25/4 vừa qua, quận 11 đón nhận ngôi trường tiểu học Trần Văn Ơn sau hơn 3 năm xây dựng. Ông Lương Vĩnh Quang - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: việc khánh thành ngôi trường thể hiện sự quyết tâm đầu tư cho giáo dục của địa phương.
Với diện tích hơn 4.600m2, trường được thiết kế gồm 28 phòng học rộng rãi, đầy đủ phòng chức năng, hệ thống cửa kính cường lực sáng bóng, đẹp đẽ. Đặc biệt, đây là một trong số ít trường tiểu học có phòng ăn riêng và thang nâng thức ăn của TPHCM và là trường đầu tiên có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ bán trú theo chuẩn trường học hiện đại của quận.
Tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh, cô Nguyễn Thị Thùy Trang chia sẻ rất tự hào khi là một trong những giáo viên đầu tiên về dạy tại ngôi trường mới. Có nhiều bài học nếu chỉ dùng câu chữ để giảng thì sẽ đơn điệu, học sinh cũng khó hình dung, nhưng khi kết hợp với âm thanh, hình ảnh và clip trên bảng tương tác thì các em rất hứng thú, hiệu quả tiếp thu cao.
“Trước đây, tôi cũng dạy học ở một quận vùng ven, khi đó lớp học nhỏ hơn mà có đến 50 học sinh. Còn về đây, phòng học rộng và thoáng nhưng chỉ có 39 học sinh. Nhờ vậy, giáo viên quan tâm sâu sát hơn đến từng em. Bàn ghế học sinh là loại đa năng có thể nâng lên, hạ xuống cho phù hợp với tầm vóc của từng em. Do đó, học sinh được học tập trong điều kiện thoải mái cả về tinh thần và thể chất, còn giáo viên cũng được hỗ trợ để phát huy chuyên môn tốt nhất” - cô Thùy Trang bộc bạch.
Em Nguyễn Anh Hào - học sinh lớp 1/2 của trường - cũng hào hứng cho biết em rất thích đi học vì trường học mát mẻ, bàn ghế thoải mái. Đều đặn hằng tuần, em và các bạn còn được vào thư viện đọc những cuốn sách hay; ngay trong lớp cũng có kệ sách nhỏ để phục vụ học sinh vào giờ ra chơi. Em cũng như các bạn đặc biệt hứng thú mỗi tiết học được cô cho xem các clip sinh động, được làm bài trực tiếp trên bảng tương tác.
Có 35 năm trong nghề và công tác qua nhiều trường tiểu học, ông Lê Thái Trung nhận xét, cơ sở vật chất hiện đại không chỉ tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh mà còn hỗ trợ hiệu quả cho ban giám hiệu trong việc tổ chức hoạt động giảng dạy chất lượng cao. Dù mới đi vào hoạt động năm đầu tiên nhưng trường đã đưa vào giảng dạy môn tiếng Anh với người bản ngữ, tin học tự chọn, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống, phát triển theo mô hình trường tiên tiến.
Chăm lo nhiều đối tượng
Các dự án trường học còn hướng đến chăm lo cho nhiều đối tượng học sinh của TPHCM. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Hiệu trưởng Trường Hy Vọng (quận 6) - không giấu được xúc động khi nói về ngôi trường vừa được khánh thành ngày 14/4 vừa qua dành cho hơn 100 học sinh khuyết tật của quận và khu vực lân cận.
Sau 18 năm “phôi thai”, dự án trải qua nhiều khó khăn về vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng trước khi được đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của cả cô và trò. Ở đây, bên cạnh phòng học khang trang, rộng rãi, còn có đầy đủ phòng chức năng như phòng tâm vận động, phòng can thiệp sớm, phòng thính lực… hỗ trợ hiệu quả cho việc chăm sóc, giảng dạy trẻ khuyết tật.
Trường tiểu học Nguyễn Trực (quận 8) cũng vừa được đưa vào sử dụng giai đoạn 1 với 18 phòng học và một số phòng chức năng hiện đại thay cho ngôi trường cũ trước đây khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh đều phấn khởi. Trong tổng số gần 750 học sinh toàn trường thì có khoảng 50% học sinh là con em đồng bào dân tộc Chăm.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...