Cô trò và mùa thi

30/06/2019 - 07:00

PNO - Bước qua một kỳ thi căng thẳng, các con có thêm những kỷ niệm, cảm xúc rất đẹp của tuổi học trò. Vẫn còn những thầy cô giáo đầy nhiệt huyết và yêu thương học trò bằng cả trái tim, yêu vô điều kiện.

Sau buổi thi đầu tiên đợt thi tốt nghiệp PTTH Quốc gia 2019, hai khoảnh khắc trái ngược lọt vào khung hình trên một số trang báo điện tử được nhiều người đặc biệt quan tâm: khuôn mặt nữ sinh với nụ cười tươi tắn và vẻ lo âu của “người lớn” phía sau cô bé. Không cần lời bình, bức ảnh vẫn mô tả khá sinh động một góc nhìn về kỳ thi quốc gia: con đi thi, cha mẹ lo còn hơn con. 

Nhưng còn một sự thật thú vị khác phía sau khung ảnh đó, “người lớn” đang rất căng thẳng không phải là PHHS mà là cô giáo của trường Quốc tế Á Châu (cơ sở Cao Thắng) và cô bé nữ sinh là học trò ở ngôi trường đó. Khung hình ở các trang báo điện tử chỉ là một khoảnh khắc rất nhỏ của cô trò và cô giáo lọt ở khung hình cũng không phải là cô giáo duy nhất của ngôi trường này có mặt ở cổng trường thi.

Co tro va mua thi
Khung hình ấn tượng của cô trò muà thi

Từ sớm tinh mơ, các cô giáo trường Quốc Tế Á Châu đã có mặt ở điểm thi để đón các học sinh của mình. Cô trò gặp nhau líu ríu vui mừng, cô giúp trò kiểm tra lại lần nữa phiếu báo thi, CMND và … “tịch thu”  điện thoại. Sau câu hỏi “điện thoại của con đâu?”, học trò ngoan ngoãn “giao nộp” .Những câu hỏi và hành động được lập đi lập lại ở cổng trường hôm đó vừa ngộ nghĩnh, vừa đáng yêu biết chừng nào.

6g40, vẻ bồn chồn, lo lắng đã bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt các cô khi “điểm danh” vẫn còn thiếu học trò, vì theo quy định thí sinh phải có mặt ở phòng thi trước 45p (giờ thi buổi sáng 7g35). Ánh mắt các cô sáng bừng khi nhìn thấy bóng dáng học trò từ xa, chỉ vài bước nữa trò đã đến cổng trường, nhưng cô vẫn cứ chạy đến thật nhanh với trò, vẫn lập lại những hành động cũ: kiểm tra giấy báo thi và “tịch thu” điện thoại. Không còn nhiều thời gian để dặn dò học trò, một cái vỗ vai, gật đầu dẫu thật nhẹ nhưng có lẽ cũng đủ để trò nhỏ thêm cảm giác ấm áp và tự tin bước vào kỳ thi quan trọng cuối cùng của cuộc đời học sinh.

Co tro va mua thi
Động viên học trò trước giờ thi

Giờ thi buổi chiều, trời nắng gay gắt, đa phần PHHS thả con ở cổng trường thi rồi vội vã quay xe hoặc về nhà, hoặc tìm nơi mát mẻ chờ đến giờ đón con. Nhưng các cô giáo vẫn kiên nhẫn đứng chờ học sinh mặc kệ ông trời đang đổ lửa. Cô trò hẳn đã phải thân với nhau lắm nên trò nhận ra cô ngay tức thì, dù cô phải mặc áo khoác, đeo khẩu trang kín mít để chiến đấu với “ông mặt trời”.

Hai buổi chiều của kỳ thi Quốc gia, thời tiết Sài Gòn khá khắc nghiệt, lúc nắng chang chang, lúc mưa tầm tã. Ông trời cũng như muốn thử lòng các cô với học trò nên đổ mưa tầm tã đúng lúc hết giờ thi môn toán. Những chiếc dù nhỏ không đủ để che mưa cho các cô, nhưng chẳng ai muốn đi tìm nơi trú mưa. Những ánh mắt nôn nóng hướng về phía cổng trường.

Những khuôn mặt đang căng thẳng, chợt giãn ra khi học trò đầu tiên bước ra hớn hở thông báo “đề thi dễ hơn đề thi thử ”. Mưa mỗi lúc một lớn, học trò nhìn thấy bóng dáng các cô ngoài cổng, đội mưa ào chạy ra. Tiếng cô trò líu ríu giữa cơn mưa, bàn tay cô giáo hết kéo dù về hướng này, lại hướng khác để che mưa cho học trò… Vai áo, lưng áo các cô đẫm nước.

Phụ huynh đến đón con, vội vã đi thật nhanh. Các cô vẫn đứng chờ, vẫn thắc thỏm lo sao giờ này bạn A, bạn B chưa ra, không biết có làm bài được không? Học sinh cuối cùng đã ra về, cổng trường vắng tanh, các cô giáo là những người về sau cùng… trời vẫn lắc rắc mưa

Co tro va mua thi
Cô trò trước giờ thi

Giờ thi buổi chiều tiếp theo, trời đang nắng gắt đầu giờ bỗng đột ngột đổ mưa. Những người còn sót lại ở cổng trường dưới mưa vẫn là các cô giáo. Các cô chỉ yên tâm rời khỏi cổng trường thi khi đã nhìn thấy đủ học sinh của mình.

Suốt ba ngày như vậy, học sinh của trường dự thi ở hai điểm trường, các cô sắp xếp buổi sáng một điểm, buổi chiều một điểm để có thể gặp tất cả học trò. Có mặt từ sáng sớm, buổi trưa các cô nghỉ tạm ở một cửa hàng bán thức ăn nhanh nào đó để lại kịp chạy qua với học trò. Học trò vào phòng thi, các cô lại “la cà” quán cà phê, ngồi mà cứ thấp thỏm canh giờ để lại ra cổng trường đón các con thi ra. Trong số những người đến đón thí sinh, các cô luôn nằm trong “top” đầu tiên.

Có một điều rất đặc biệt, đa phần các học sinh khi ra khỏi cổng trường thi đều chạy rất nhanh đến với các cô, thay vì chạy ra với ba mẹ như học sinh các trường khác. Sự gắn bó không chỉ có ở những ngày căng thẳng vì thi cử mà là kết quả của cả một năm học. Trước ngày thi, cô nhắn tin động viên, dặn dò từng học sinh. Buổi sáng đi thi, cô còn nhắn tin nhắc học trò tranh thủ đi sớm để đến phòng thi có thời gian nghỉ ngơi, làm bài cho tốt, kèm theo lời gởi gắm: “ Lát chiều cô qua chờ con báo tin vui”.

Co tro va mua thi
Trời có đổ mưa to cũng không cản được niềm vui của cô trò sau buổi thi

 Bởi lẽ đó, học trò ở hai điểm trường thi cũng “xôn xao” ngày mai đi thi có được gặp cô không? Và khi được ba mẹ đưa đến cổng trường, các con dáo dác kiếm tìm cô giáo. Nhiều học sinh ở Quốc tế Á Châu không quá áp lực với kỳ thi Tốt nghiệp PTTH quốc gia do đã có giấy báo nhập học một số trường đại học quốc tế hoặc sẽ đi du học nước ngoài. Đi thi chỉ cần không bị điểm liệt để đủ điều kiện tốt nghiệp. Nhưng khi nhìn thấy các cô đội nắng, đội mưa đón mình và các bạn trước cổng trường, các trò đã động viên nhau: “Cố gắng thi tốt để không phụ lòng cô”.

Nhìn cô trò, có phụ huynh đã phải thốt lên “Các con quá hạnh phúc và may mắn vì có được những cô giáo yêu nghề, yêu trò”. Bước qua một kỳ thi căng thẳng, các con còn có thêm cả những kỷ niệm và cảm xúc rất đẹp của tuổi học trò. Khi nhiều giá trị trong cuộc sống đang bị đảo lộn, xã hội bàng hoàng với những vụ bạo lực học đường và những điều “không tưởng” liên tiếp xảy ra ở môi trường giáo dục, thì những gì được nhìn thấy chỉ sau ba ngày thi vẫn đủ để không ít người tin rằng vẫn còn đó những điều tốt đẹp; vẫn có những tình cảm trong veo giữa thầy và trò; Học đường vẫn còn những người thầy, người cô đầy nhiệt huyết và yêu thương học trò bằng cả trái tim, yêu vô điều kiện.  

         Hoa Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI