Mỗi tiết dạy, cô Lê Thị Bình, giáo viên toán Trường THPT Trần Quang Khải (quận 11) thường bắt đầu bằng việc cùng học sinh hệ thống lại kiến thức đã tìm hiểu trước qua hệ thống LMS. Lớp học được trang bị máy tính kết nối với ti vi có internet, cô không còn phải khệ nệ sổ sách, giáo án, bởi tất cả đã có trên ứng dụng.
Cô trò cùng nhàn tênh
Giờ học toán của lớp 10A18, Trường THPT Trần Quang Khải không chỉ có những con số khô khan, cứng nhắc mà còn có những thước phim, các trò chơi để tìm hiểu kiến thức bài học.
Học sinh tham gia vào bài học với tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng.
“Với những bài dạy về kiến thức mới, trước khi bắt đầu tiết học, giáo viên đã giao nhiệm vụ cho học sinh trên hệ thống LMS để tìm hiểu trước bài học. Với những tiết ôn tập, học sinh sẽ thực hiện các nhiệm vụ củng cố lại kiến thức trên hệ thống… Bằng những bước này, cô và trò sẽ có nhiều thời gian trên lớp để cùng tương tác, trải nghiệm, tổ chức các hoạt động đi sâu vào bài học” - cô Lê Thị Bình chia sẻ.
|
Cô Lê Thị Bình "nhàn tênh" khi có công nghệ hỗ trợ trong giờ học |
Cô Bình cho biết, trước đây, khi công nghệ chưa được đưa vào lớp học, giáo rất “cực” nếu muốn đổi mới. Bởi, lớp học không có internet, không ti vi, muốn giờ học sinh động, giáo viên chỉ có thể mang máy tính lên lớp, sử dụng wifi điện thoại để tổ chức những hoạt động nhỏ. Tuy nhiên, cách này hiệu quả không cao vì không tạo ra sự tương tác với học sinh mà giáo viên phải tốn nhiều công đoạn hơn.
“Năm nay, lớp học được trang bị ti vi, máy tính kết nối internet, giáo viên nhàn hơn rất nhiều. Tiết học không còn đơn điệu mà trở nên thú vị, nhiều ứng dụng được đưa vào bài học, mở rộng thêm cho học sinh nhiều kiến thức thực tế, do đó các em cũng hào hứng hơn” - cô Bình chia sẻ.
Tương tự, dù là tiết ôn tập nhưng giờ sinh học, lớp 10A14, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) lại đầy sôi động qua các trò chơi tương tác trên hệ thống. Xen giữa các hoạt động học tập là các bài tập vận động qua video bài thể dục ngắn.
|
"Không gian số" mang đến cho học sinh nhiều trải nghiệm |
Học sinh lớp 10A14 học trong lớp học thông minh, phòng học được thiết kế với bảng tương tác có tích hợp phần mềm Mozabook với các ứng dụng, trò chơi, kho học liệu 3D. Trong lớp học, phần mềm điểm danh "face ID" được gắn ngay cửa ra vào, giúp giáo viên dễ dàng quản lý học sinh ngay cả khi không có mặt tại lớp.
“Điểm thú vị nhất khi học tại phòng học thông minh là trải nghiệm kiến thức bài học rất thú vị, kiến thức như “sống” trước mắt chúng em chứ không còn là những hình ảnh bình thường được trình chiếu trên ti vi ở lớp học thông thường nữa. Các trò chơi tích hợp ngay trên ứng dụng cũng khiến tiết học đầy sôi động, vui vẻ…” - em Diệu Hiền, học sinh lớp 10A14, hào hứng.
Cô Phạm Nguyễn Mỹ Nhật, giáo viên sinh Trường THPT Đào Sơn Tây, cho biết cô “rất nhẹ nhõm” khi đứng lớp giảng dạy tại phòng học thông minh. Với các công cụ hỗ trợ, giáo viên được tự do trong xây dựng bài giảng, tạo điều kiện để đổi mới một cách nhẹ nhàng, thực chất, hiệu quả.
“Chỉ lấy ví dụ, để soạn một bài giảng bình thường, có hình ảnh, âm thanh, video, kết hợp với trò chơi để học sinh thích thú, lôi cuốn, với lớp học thông thường giáo viên phải mất khoảng 1 ngày, từ việc mày mò thiết kế ô chữ, trò chơi, chèn âm thanh, hình ảnh… Thế nhưng, với phần mềm ứng dụng được sử dụng tại phòng học thông minh, giáo viên chỉ mất chưa đầy 2 tiếng để hoàn tất, thời gian soạn bài được rút ngắn rất nhiều” - cô Nhật bày tỏ.
Bứt phá trong đổi mới
Quyết tâm bứt phá trong đổi mới đồng bộ, hiệu quả, từ đầu năm học này thầy Nguyễn Tấn Tài - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (quận 11) - đã cùng bàn bạc với hội đồng sư phạm nhà trường, lấy ý kiến ban đại diện cha mẹ học sinh và mạnh dạn xây dựng kế hoạch vận động tài trợ ti vi, máy tính kết nối internet và dàn loa cho 20 lớp 10. Từ đầu tháng 10, các lớp học số đã hình thành, mở ra những không gian số để thầy và trò cùng đổi mới.
Thầy Tài nhìn nhận, từ thời điểm dạy trực tuyến trong dịch COVID-19, giáo viên đã có nền tảng về công nghệ thông tin. Hơn nữa, với lộ trình chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018 từ những năm trước, đội ngũ đã có sự chuyển đổi trong phương pháp dạy học, tinh thần đổi mới đã sẵn sàng. Do đó, khi bắt tay vào đổi mới, điều quan trọng là nhà trường phải tạo điều kiện về cơ sở vật chất, không gian lớp học để thầy cô thuận lợi, nhẹ nhàng trong đổi mới.
“Khi công nghệ được “phủ” trong các lớp học, không chỉ giáo viên nhẹ nhàng mà học sinh cũng thích thú, việc học hiệu quả hơn. Điều này giúp nhà trường thuận lợi trong triển khai đưa 35% nội dung chương trình giáo dục lên hình thức trực tuyến và thực hiện lộ trình xây dựng trường học số” - thầy Tài đánh giá.
|
Lớp học thông minh được Trường THPT Đào Sơn Tây đưa vào thí điểm trong năm học này |
Thí điểm đưa lớp học thông minh vào giảng dạy trong năm học này, cô Trần Thị Minh Đức - Phó hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây - cho hay, lớp học thông minh bao gồm một hệ sinh thái giáo dục với các phần mềm, kho học liệu 3D mô phỏng các nội dung của môn học. Nguồn tài nguyên lớn trong lớp học hỗ trợ giáo viên thuận lợi trong đổi mới phương pháp giảng dạy, giảm áp lực cho giáo viên. Mọi khâu từ soạn bài, giảng bài, tương tác, giao bài, kiểm tra bài và thậm chí là… đánh giá đều có thể được giáo viên thực hiện ngay trên phần mềm.
“Trước mắt, nhà trường sẽ tập trung tổ chức các tiết học ở các môn học có mô phòng thí nghiệm đối với khối 10, 11 tại lớp học thông minh để giúp học sinh có những trải nghiệm sâu, mới mẻ trong môn học. Tới đây, trường sẽ đẩy mạnh tập huấn chuyên sâu hơn nữa cho đội ngũ để làm sao thầy cô thành thục, khai thác tối đa hiệu suất của phòng học thông minh ứng dụng trong môn học của mình” - cô Đức thông tin.
Quốc Trung