|
Một ngõ cụt với hàng rào nhà bằng đá ong |
Chốn “cây đa, bến nước, sân đình”
Làng cổ Đường Lâm thuộc huyện Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội. Làng bao gồm 5 trong 9 thôn thuộc xã Đường Lâm. Được gọi là làng Đường Lâm nhưng điều đặc biệt là làng cổ này từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây. Sự gắn kết về phong tục, tập quán, tín ngưỡng giữa các ngôi làng, thôn, xóm đã nên một làng cổ Đường Lâm mang nét riêng độc đáo.
Đình làng Mông Phụ được xây dựng năm 1533. Đến nay, đây là đình làng duy nhất còn sót lại ở làng cổ Đường Lâm. Trải qua hàng trăm năm, cổng Mông Phụ cùng cây đa đầu làng vẫn trường tồn, chứng kiến mọi đổi thay của ngôi làng.
Tạm xa cuộc sống tấp nập, xô bồ của Hà Nội, đến làng cổ Đường Lâm, bạn sẽ được sống trọn vẹn trong không khí yên bình của làng quê. Khi nhắc đến Đường Lâm, du khách thường nhớ ngay làng Mông Phụ với nhiều nét văn hóa lâu đời còn lưu giữ. Mọi ngóc ngách ở Mông Phụ đều thanh bình, nhẹ nhàng lưu luyến khách phương xa.
Làng Mông Phụ nằm trên một quả đồi thấp. Đình Mông Phụ nằm trên đỉnh đồi. Từ ngày lập làng Đường Lâm đến nay, đây là một nơi rất linh thiêng đối với dân làng. Trong tiềm thức bao đời, đình là nơi nương tựa tâm linh của dân làng với mong ước mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, mùa màng bội thu.
Vùng đất 2 vua
|
Cổng làng luôn thu hút du khách |
Dạo quanh làng, tôi như được trở về quá khứ hào hùng của dân tộc. Làng cổ Đường Lâm còn được nhắc tới với tên gọi: Đất 2 vua. Đường Lâm là nơi sinh ra 2 vị vua tài ba và đức độ của nước ta: Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương - Ngô Quyền.
Dọc trục đường chính từ làng, đền thờ Phùng Hưng uy nghiêm, tĩnh lặng là điểm đến để du khách tỏ lòng thành kính, tri ân đối với bậc tiền nhân và ôn lại một giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc.
Cách đó không xa, đền thờ và lăng Ngô Quyền cũng được lập nên sau khi vua mất. Không gian quanh đền được bao phủ bởi nhiều cây xanh, tạo cảm giác hài hòa, tôn nghiêm. Ngày ngày, cháu con dòng tộc họ Ngô vẫn trông coi, hương khói cho khu đền.
Nơi đây nổi bật với rặng ruối cổ gồm 29 cây ở khu vực đền - lăng Ngô Quyền. Tương truyền rằng ngày xưa, 2 vị anh hùng dân tộc này đã buộc voi, ngựa chiến ở đây. Địa chỉ “Cây di sản Việt Nam” này cũng là địa điểm thu hút du khách.
Nếp nhà, nếp nghề hàng trăm năm tuổi
|
Ngôi nhà cổ nhất làng Đường Lâm của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng |
Ở Đường Lâm còn có những nếp ăn, nếp ở, nếp sinh hoạt được gìn giữ từ bao đời. Làng cổ Đường Lâm còn được gọi là “làng đá ong” do những bờ tường phủ kín rêu phong nơi đây được dựng lên từ những lớp đá ong vững chãi, tồn tại qua hàng trăm năm. Dạo quanh các con ngõ, tôi có thể cảm nhận rõ sự tinh tế, tỉ mỉ của các bậc tiền bối từ những ngày mới lập làng.
Các ngôi nhà nơi đây có niên đại hàng trăm năm. Tôi ghé nhà ông Nguyễn Văn Hùng - ngôi nhà lâu đời nhất làng - và vô cùng ấn tượng trước kiến trúc độc đáo. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649. Trải qua gần 400 năm, 14 đời con cháu đã và đang gìn giữ cẩn thận gia sản quý giá này.
Bên cạnh những ngôi nhà lâu đời, Đường Lâm còn hấp dẫn du khách bởi hương vị các đặc sản quê như chè lam, tương gạo. Bạn có thể ghé nhà bà Hà Thị Điền để thưởng thức và mua chè lam về làm quà. Món chè lam dẻo thơm, có vị bùi béo của lạc, cay the của gừng, dịu ngọt của mật mía nhâm nhi cùng tách trà nóng sẽ đem đến dư vị khó quên.
Với nghề làm tương gạo, gia đình ông Hà Nguyên Huyến vẫn từng ngày lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của làng. Những chum tương màu nâu trầm xếp ngay ngắn trước khoảng sân nhà. Nơi đây, ông bà sản xuất tương và bán những thức quà truyền thống quê mình cho du khách.
Gà mía và thịt quay đòn
|
Tương gạo được sản xuất ngay tại nhà ông Hà Nguyên Huyến |
Bên cạnh các sản phẩm quê truyền thống lâu đời như tương gạo, chè lam, Đường Lâm còn ghi dấu ấn với nhiều món ăn mang hương vị đặc trưng. Đến Đường Lâm, bạn sẽ được thưởng thức những bữa cơm mộc mạc đậm đà hương vị quê nhà. Ở Đường Lâm, nổi tiếng hàng đầu là gà Mía và thịt quay đòn.
Tương truyền, ngày xưa, làng Đường Lâm có tên Kẻ Mía. Theo đó, giống gà quý ở địa phương được gọi là gà Mía, chuyên dành dâng cúng thần thánh và tiến vua. Ngày nay, loại gà này được dân địa phương bảo tồn, phát triển phục vụ đời sống và du lịch làng cổ. Đến Đường Lâm, bạn không nên bỏ qua món ăn từ gà Mía. Đặc biệt, món gà này phải thưởng thức khi thịt hấp đã nguội mới cảm nhận được trọn vẹn vị ngọt, thơm, mềm.
Một trong những lý do khiến Đường Lâm trở thành địa điểm du lịch lý thú gần Hà Nội cho mọi gia đình là ẩm thực. Thịt vàng ruộm, phần bì giòn tan cùng hương thơm khó quên cuốn hút du khách là ấn tượng của tôi về món thịt quay đòn Đường Lâm. Cũng với nguyên liệu là ba chỉ heo da dày, tiêu, nước mắm nhưng thịt quay đòn nơi đây khác biệt bởi một nguyên liệu lạ lùng: ổi thái nhỏ. Thịt được tẩm ướp, quấn đòn tre và quay trên lò than hoa 5-6 tiếng.
Bữa cơm quê đủ đầy hương vị có gà mía, có thịt quay đòn. Ngoài ra, trong mâm cơm còn có những món bình dị như cá kho, thịt xiên cuốn lá lốt, nem rán, đậu phụ rán… Những món ăn giản đơn nhưng đầy hương vị riêng mang đậm phong vị ẩm thực làng quê Bắc Bộ. Ẩm thực cũng là một trong những yếu tố thu hút du khách trở lại Đường Lâm.
Đường Lâm như một bảo tàng sống lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của làng quê Bắc Bộ với cốt cách thuần nông, đôn hậu của người dân quê. Về Đường Lâm, du khách có cơ hội chữa lành tâm hồn, hoài niệm về quá khứ, sống thư thả, bình yên với tấm chân tình của con người làng quê. Đường Lâm chính là mạch nguồn dưỡng nuôi tâm hồn không chỉ dân làng mà cả du khách từng ghé qua làng quê này.
Phương Anh