Có tiền xây nhà, nhưng ngày nào vợ chồng cũng cãi nhau

26/05/2024 - 16:44

PNO - Xây nhà lẽ ra là chuyện vui, nhưng ngày nào vợ chồng cũng có chuyện tranh cãi. Lẽ nào tính gia trưởng của chồng dồn nén bấy lâu, nay mới lộ ra?

Người ta xây nhà thi vui, vợ chồng cô lại tranh cãi liên miên (ảnh minh hoạ)
Xây nhà, vợ chồng cô lại tranh cãi liên miên (ảnh minh họa)

Trong mắt nhiều người, Dũng là người đàn ông không 100 điểm thì cũng 90 điểm vì anh đưa gần hết lương cho vợ. Dũng đang nhậu, chỉ cần nghe An báo con bệnh là anh lập tức phi xe về. Khi An không khỏe hoặc bận thì chuyện lau nhà, tắm con, đi siêu thị… Dũng đều cáng đáng.

Bạn bè ngưỡng mộ An vì có người chồng hiểu chuyện, yêu thương vợ con. An cũng nghĩ Dũng đúng là mẫu đàn ông cô mơ ước, nhưng đi đêm mới biết đêm dài...

Chuyện xảy ra khi vợ chồng An gom tiền tiết kiệm để xây nhà, từ giã cuộc đời ở trọ. An để chồng thuê thiết kế, chọn nhà thầu, chọn vật liệu. Cô nghĩ những việc đó của đàn ông. Tới phần trang trí nhà, An nói cô thích sơn tường màu kem, điểm nhấn màu đỏ đô, Dũng gạt phăng, anh thích màu trắng, nhìn sạch sẽ lại sang.

An thất vọng, nhưng thấy chồng kiên quyết nên đành nín nhịn, An chỉ đề nghị sơn phòng ngủ của vợ chồng màu vàng nhạt. Con gái thì thích màu hồng thì chiều con...

Dũng quạu quọ, anh nói làm vậy phiền phức, phải mua nhiều loại sơn. Căn nhà đủ màu nhìn như... tắc kè bông.

Mặc cho An và con gái buồn bực, Dũng không thay đổi ý định. Tới phần xây bếp, An thích tủ bếp màu gỗ, sàn cũng loại gạch cùng tông. Dũng không nói không rằng, mang về gạch men màu đen. Nhìn căn nhà trắng, thêm căn bếp màu đen, An giận tím ruột. Nghĩ ngày 3 bữa nấu ăn trong căn bếp “khó ưa”, cô chán ngán.

Điều An thất vọng là Dũng xem thường thẩm mỹ và sở thích của vợ. Anh nói về lâu dài, An sẽ thấy mọi thứ anh làm đều hợp lý, lúc đó An “cảm ơn chồng còn không hết”.

Hãy biến căn nhà thành nơi che chắn bão giông (ảnh minh hoạ)
Có nhà là mơ ước của nhiều người (ảnh minh họa)

Xây nhà lẽ ra là chuyện vui nhưng An lại thấy nặng nề vì ngày nào vợ chồng cũng có chuyện tranh cãi. Thì ra Dũng không yêu, không chiều chuộng cô như cô nghĩ. Lẽ nào tính gia trưởng của chồng dồn nén bấy lâu, nay mới lộ ra?

Ấm ức của An chưa nguôi thì xảy ra chuyện khác. Ở lầu 1, Dũng dành một phòng cho ba mẹ vì ông bà ở quê hay lên chơi, có khi ở lại cả tháng. Căn phòng đó, Dũng cho sơn màu xanh, vì ba mẹ anh dặn vậy.

An sững sờ trước căn phòng màu xanh ấy, thấy đau như thể có mũi kim đâm vào lòng. Dũng phân bua rằng thỉnh thoảng ba mẹ mới vào chơi, phải chiều cho ba mẹ vui. An gào lên: “Làm ba mẹ anh vui thì được, làm mẹ con em vui khó lắm sao?”.

Trong cơn tức giận, An đòi ly hôn. Cô nói vợ chồng không tôn trọng nhau thì sống với nhau làm gì. Dũng xuống nước, hết lời năn nỉ vợ, còn cầu cạnh ba mẹ vợ nói giúp. An nghe lòng lạnh giá. Cô quá thất vọng và buồn.

Mẹ An gọi lên, giọng bà rền rĩ: “Người ta còn không có nhà để ở, mình có nhà là may rồi con, kệ đi”. An nghẹn đắng trong lòng, lẽ nào cô quá để ý tiểu tiết mà bỏ qua vấn đề quan trọng hơn, đó là niềm vui có nhà mới.

Bạn bè khuyên An bỏ qua, chuyện nhỏ thôi, đâu cần làm ầm ĩ. Chị bạn lớn tuổi còn nói rằng, khi muốn kết thúc, hãy nghĩ đến lý do em và chồng bắt đầu. Trước giờ chồng vẫn chiều em, giờ chỉ một chuyện trái ý, sao phải tính chuyện chia tay? Đó là chưa kể, câu nói ly hôn sẽ là vết hằn trong quan hệ vợ chồng. Mỗi người đều có quan điểm, tính cách khác nhau. Có thể anh ấy cần chừa cho mình một khoảng trống để làm theo ý thích...

Chị dạy An làm theo kiểu cũ: Ghi hết những ưu khuyết điểm của chồng. Nếu như ưu điểm nhiều hơn thì anh đáng được tha thứ, An phải chiều lại chồng. Người ta có cả ngàn lý do để ly hôn, nhưng cũng có một ngàn lẻ một lý do để ở lại, vì xây dựng lại một gia đình không hề dễ, vì con cái cần một mái ấm… Vợ chồng muốn bên nhau tới đầu bạc răng long, đòi hỏi phải chiều nhau, từ bỏ cái tôi cá nhân. Như thể chiếc răng của 2 bánh xe, muốn vận hành suôn sẻ thì bên này trồi lên, bên kia phải lõm để vừa khít với nhau...

An nghe chị nói cả buổi nhưng cô vẫn chưa hết băn khoăn...

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI