 |
Cha mẹ trai tài sản cho con, chưa chắc con đã hạnh phúc (ảnh minh họa) |
Tôi vẫn thường ngưỡng mộ và ngẫm nghĩ về sự cố gắng không mệt mỏi của các bậc làm cha mẹ. Họ không ngại gian khổ để có tài sản, có tài chính vững chắc. Họ thường quan niệm: đời mình khổ nhiều rồi, phải cố gắng để đời con được sung sướng, hạnh phúc. Nhưng những đứa con được cha mẹ trải sẵn thảm êm dưới chân, chưa từng bước đi trên sỏi đá, liệu có hạnh phúc như cha mẹ mong đợi?
Gia đình bà Quỳnh trước đây thuộc diện khó khăn. Vận may tới khi ngôi nhà của bà thuộc diện quy hoạch, phải giải toả. Được đền bù số tiền khá lớn, gia đình bà đổi đời.
Niềm tự hào của bà Quỳnh là 2 cô con gái có công việc tốt, lấy được chồng danh giá. Cậu con Út sinh sau đẻ muộn nên từ nhỏ được cả nhà nâng niu như trứng mỏng.
Cậu Út học hết lớp 12 thì không chịu học lên cao, cũng không học nghề. May mắn của cậu Út là lấy được vợ ngoan hiền. Cô làm kế toán ở công ty tư nhân.
Bà Quỳnh là người mẹ chồng tâm lý. Sau cưới, bà mua cho vợ chồng cậu Út căn nhà riêng để các con có cuộc sống tự do. Cô con gái lớn thì tặng em toàn bộ nội thất căn nhà. Cô con gái kế thì tặng em 2 chiếc xe tay ga. Theo lời bà Quỳnh, mọi thứ được dọn sẵn, vợ chồng cậu Út chắc hẳn trong ấm ngoài êm.
Sau khi sinh con trai đầu lòng, lương kế toán của vợ cậu Út không gánh nổi một nhà 3 người. Bà Quỳnh liền chi tiền lo tiền tã sữa cho cháu, 2 cô chị thì mỗi tháng cho cậu Út 10 triệu đồng dằn túi. Bài toán kinh tế được giải quyết êm, nhưng hôn nhân của cậu Út không êm chút nào.
Cậu Út ỷ vào tài sản nhà mình nên tỏ thói gia trưởng với vợ. Đụng chuyện là cậu quát nạt, to tiếng với vợ. Ngồi nhàn tản ở nhà nhưng cậu Út thích thì đón con, nấu cơm, không thích thì bỏ mặc. Có bữa cô vợ tăng ca về nhà thấy bếp núc lạnh tanh, con nhỏ khóc ngằn ngặt vì đói.
Vợ chồng mới tiếng trước tiếng sau, cậu Út đã đuổi vợ: “Cút! Đã ăn nhờ ở đậu còn không biết điều”. Vợ cậu tủi thân, dọn về nhà mẹ ruột. Bà Quỳnh phải thay cậu Út sang rước con dâu về nhà. Nhưng cậu Út vẫn chứng nào tật nấy, động chuyện không hài lòng là đuổi vợ đi.
Rảnh rỗi sinh nông nổi, cậu còn bao nuôi cô tiếp viên quán cà phê. Bà Quỳnh sốc nặng, hết la rầy tới năn nỉ cậu Út quay đầu. 2 cô chị thì doạ cắt trợ cấp. Bà Quỳnh cảm thán: “Mọi thứ có cha mẹ lo từ A tới Z, tụi con không cần cực khổ, chỉ có việc thương nhau, sống hạnh phúc với nhau cũng khó vậy sao?”.
Sống hạnh phúc có khó không? Tôi nghĩ khó với người này, dễ với người kia. Bởi hạnh phúc phải được xây lên như xây một ngôi nhà. Từ nền tảng vững chắc, rồi tới cột kèo vách tường cũng phải chăm chút sao cho kiên cố mới tới mái nhà vững chãi và ấm áp. Việc tỉ mỉ xây từng viên gạch, chắt chiu từng miếng vôi vữa cũng là từng mảnh nhỏ hạnh phúc. Có lao động, có xây nên từng chút một người ta mới biết nâng niu, quý trọng thành quả đạt được.
Bà Quỳnh vẫn thường kể, lúc nghèo khó bà bán từng ly nước mía, đau ốm cũng không dám nghỉ. Chồng bà làm bảo vệ, lễ tết được cơ quan thưởng gói mì, hộp sữa cũng mang về cho vợ con. Vợ chồng nghèo khó mà thương nhau. Trong khi vợ chồng cậu Út sung sướng mà không biết hưởng.
 |
Ảnh minh họa: Shutterstock |
Bà Quỳnh quên rằng hạnh phúc là phải tự mình xây nên, không ai có thể xây giùm. Vợ chồng trải qua gian nan mới nhìn thấy sự cố gắng của đối phương, nể trọng và thương nhau hơn vì đã đồng lòng đồng sức. Tiền tài, gia sản không phải là tất cả, mà chỉ là một phần trong những điều kiện để hạnh phúc. Cậu Út không có năng lực để chống chọi với rủi ro, gánh đỡ gia đình khi bất trắc, thì dù được cho bao nhiêu tài sản, vợ cậu cũng sẽ bất an, hạnh phúc vợ chồng cũng lung lay.
Các nhà tỉ phú trên thế giới thường cho đi phần lớn tài sản sau khi chết, chỉ để lại cho con cháu một phần rất nhỏ. Cả cuộc đời tạo nên giá trị tài sản to lớn, họ hiểu rằng chỉ có lao động mới tạo ra giá trị con người, tạo ra hạnh phúc. Họ không muốn con cháu trỏ thành những người vô dụng và bất hạnh.
Cha mẹ tạo nền tảng hạnh phúc cho con bằng cách trao “cần câu”, không trao “con cá”. Hãy để con tự xây nền tảng hạnh phúc. Dựa vào bản thân, nuôi lớn niềm vui đi qua ấm êm hay giông gió đều là điều kiện bắt buộc của hạnh phúc.
Đức Phương