Có tiền, có quyền lên tiếng?

28/05/2022 - 05:55

PNO - Chị phải nhìn nét mặt chồng để sống, thấy anh về cởi giày nặng tay là biết ý nhắc con nhìn trước ngó sau cẩn thận nếu không muốn bố nổi giận.

Chị lấy chồng năm 23 tuổi, khi mới tốt nghiệp đại học, chân ướt chân ráo đi làm. Chồng chị làm ngành viễn thông, thu nhập đủ lo cho vợ con, nhưng phải xa nhà. Sau khi cưới, chị sinh đôi hai đứa con trai. Còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, chị vất vả chăm hai con nên phải xin nghỉ việc. Đến khi con cứng cáp, định quay trở lại công việc chị lại vỡ kế hoạch mang thai đứa con thứ ba. 

Trong gần mười năm, chị chỉ xoay vần quanh chuyện sinh nở, nuôi con, chăm lo gia đình. Trước đây, chồng chị thường thủ thỉ: “Em chỉ cần nuôi con cho tốt, mọi việc cứ để anh lo”, nhưng về sau anh cáu gắt mỗi lần chị hỏi đến tiền. Gánh gia đình trên vai khiến người đàn ông vốn vui vẻ trở nên khó chịu. 

Chị phải nhìn nét mặt chồng để sống, thấy anh về cởi giày nặng tay là biết ý nhắc con nhìn trước ngó sau cẩn thận nếu không muốn bố nổi giận. Chị cũng vài lần tập tành bán hàng online để có thu nhập riêng, nhưng không thành công. Cái vòng lẩn quẩn cứ siết chặt làm cuộc sống của chị bế tắc. Chị học ngành kế toán nhưng ở tuổi của chị xin việc khó vì người ta ưu tiên người trẻ và có kinh nghiệm.

Chị từng mơ mộng nhiều khi kết hôn, nhưng dần dần chị hiểu ra một điều thực tế phũ phàng trong hôn nhân: không kiếm ra tiền, mất quyền lên tiếng. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, anh đều tự quyết định. Tiếng nói của chị trong gia đình cứ nhỏ dần cho đến khi không còn giá trị. Chị nhận ra, trong mắt chồng, mình không còn được tôn trọng. Chị cảm nhận hôn nhân có dấu hiệu nguy hiểm dù nhìn bên ngoài vẫn an toàn. Chị biết mình phải thay đổi, sửa chữa trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn. 

Chị bắt đầu tìm hiểu về ngành dược rồi quyết định theo học, mong đủ điều kiện để mở một quầy thuốc tây nhỏ. Bỏ sách vở đã nhiều năm, giờ chỉ có thể tranh thủ ôn thi lúc con đã ngủ. Việc nhà đã xong, chị cặm cụi giải phương trình hóa học, làm toán. Anh bóng gió nhắc vợ nên tập trung chăm con. Mỗi lần chị ngồi vào bàn học là anh bắt đầu nhờ chị làm cái này, cái kia. Chị biết, không phải riêng anh mà mọi người đều nghĩ chị làm chuyện viển vông. 

Ngay mẹ chị cũng khuyên: “Vợ chồng sống chừng ấy năm, cố nhịn mà sống. Mình không làm ra tiền thì lo nuôi con, của chồng công vợ, đi đâu mà thiệt”. Lời mẹ nói chị đã nghe suốt gần chục năm, nhưng rồi thực tế lại không được như thế. Nhớ có lần ba chị ốm nặng nhập viện, chị tự rút tiền trong thẻ của chồng để nộp viện phí mà anh cằn nhằn mấy tháng trời. Anh nói, muốn lấy thì phải báo trước, chứ tiền kiếm đâu dễ dàng. 

Chị thi đậu và đi học dược, hai đứa con lớn nhờ bà ngoại trông nom giúp, đứa con gái nhỏ chị phải đem theo rồi thuê người giữ. Có những lúc chị muốn bỏ cuộc vì con ốm đau mà mẹ lại xa nhà, anh nổi giận đòi ly hôn. Sau nhiều sóng gió, chị cũng có được tấm bằng như mong muốn. Nhờ chăm chỉ và chịu khó, chị được thầy cô giúp đỡ hướng dẫn thêm nên nhanh chóng thạo nghề.

Chị tốt nghiệp đúng lúc dịch COVID-19 xảy ra, nhu cầu về các dụng cụ y tế, thuốc men tăng cao. Tiệm thuốc tây của chị đông khách vì người bán tận tình, có tâm. Chỉ trong vòng hai năm, thu nhập của chị tăng lên vượt lương chồng. Lúc này, nhiều người khen chị giỏi, anh cũng nhìn chị bằng ánh mắt khác. Những ngày nghỉ, chị bận bán hàng, anh tự nguyện vào bếp nấu ăn rồi dọn dẹp nhà cửa.

Cuộc sống của chị bước sang trang mới đầy năng lượng tích cực. Chị nhận ra, phụ nữ nhất định phải có sự nghiệp riêng, không chỉ để kiếm tiền mà có cơ hội làm mới bản thân để không bị tụt hậu. 

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI