Cổ tích tình yêu

17/04/2013 - 16:23

PNO - PN - Đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc, một người từng đối mặt với án tử hình và những trận đòn tra tấn “chết đi sống lại”, một người cũng chịu sự đọa đày trong trại tù Côn Đảo, ngày về sức khỏe không có khả năng hồi...

Ký ức oai hùng

Căn nhà nhỏ của họ khiêm tốn nép mình bên Quốc lộ 9, cứ vài ba ngày lại rộn ràng bởi những cuộc gặp gỡ thân tình. Bạn bè từ mọi miền đất nước - những con người từng một thời “hạt muối chia mười” cầm cự để giữ sự sống trong chốn lao tù gian khổ - đi đâu cũng ghé ngang. Dường như, mất mát của cuộc chiến tranh nghiệt ngã chưa chạm đến cuộc sống gia đình họ. Nay đã ngoài lục tuần, cánh tay phải bị lựu đạn Mỹ cắt lìa. Bà kể, 13 tuổi bà đã tham gia cách mạng, làm giao liên rồi được tin cậy giao trọng trách trong Ban chấp hành xã Đoàn, có mặt trong đội công tác chính trị. Trong một chuyến công tác, địch phát hiện ra căn hầm bí mật nơi bà ẩn nấp. Bà bị bắt cùng một nữ đồng đội. Những trận đòn tra tấn nhằm khai thác thông tin không thành. Bản án tử được tuyên.

Đêm trước khi hành hình, bà Toàn bị trói tay đi giữa làng. Gió từ đồng ruộng mang hơi lạnh se se. Vùng sáng lờ mờ hắt qua tán lá soi rõ chùm lựu đạn M26 bóng loáng lủng lẳng nơi thắt lưng tên lính. Bà Toàn nhìn người đồng đội. Rồi bà bất ngờ nhào đến giật quả lựu đạn. Một tiếng nổ vang lên xé toạc màn đêm. Tỉnh dậy, bà thấy mình đang nằm trong bệnh viện, cánh tay phải đã mất… 5 năm tiếp đó, bà bị đưa về nhà giam Phú Tài, thuộc Quy Nhơn. Bà bị giam tại đây cho đến ngày trao trả tù binh. Đó là năm 1973, bà 16 tuổi.

Ông Hiện sinh ra và lớn lên bên bờ Bắc vĩ tuyến 17. 17 tuổi ông tham gia du kích rồi gia nhập lực lượng thanh niên xung phong chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt. Một lần ông đưa đoàn cán bộ cao cấp vào Nam, khi đang trên đường trở lại nơi chiến đấu thì máy bay địch phát hiện, quần đảo trên đầu, ông lao ra đường nhử địch. Ông bị trúng đạn và bị địch bắt, chịu mọi đòn roi tra tấn từ Ái Tử (Quảng Trị) đến phòng Nhì Đà Nẵng. Rồi ông bị đày ra Côn Đảo. Ông Hiện bảo, sống lao tù cực khổ, không mấy ai nghĩ tới ngày về. Năm 1973, ông và đồng đội được địch trao trả tại sông Thạch Hãn. Cấp trên đưa ông về điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại Trung tâm thương binh Đồ Sơn (Hải Phòng). Ở đây, ông gặp bà.

 Co tich tinh yeu

Đám cưới của hai cựu tù

Những ngày dưỡng thương ở Trung tâm thương binh Đồ Sơn, nhiều hôm đứng cắm cúi quay từng gàu nước giếng, sợi dây gàu cứa vào cánh tay cụt tứa máu, bà Toàn không hề biết rằng có một người lặng lẽ nhìn mình. Sau đó không lâu, “người lặng lẽ” ấy rời trung tâm để trở lại chiến trường. Trước khi đi, ông Hiện dặn: “Mong các đồng chí chăm sóc cho cô ấy, nếu còn có ngày trở về nhất định tôi sẽ cưới cô ấy làm vợ”. Tâm nguyện này của ông khiến nhiều người xúc động. Bà Toàn cúi đầu bật khóc. “Hồi nớ, tui nghĩ mình là thương binh nặng, lấy chồng chỉ đem cái khổ đến cho người ta nên ai hỏi cũng lắc đầu, thế mà ông ấy cứ liều mạng”, bà nhìn chồng bẽn lẽn. Ông Hiện tiếp lời: “Tui khâm phục ý chí của bà ấy, rứa mà tui ngỏ lời bà cứ lắc đầu nên khi trở lại chiến trường, tui đánh liều dặn dò mọi người rồi báo cáo cấp trên xem sao”.

Bà Toàn kể, đêm ấy, không nỡ từ chối người đồng đội ngày mai đi vào chiến trường mịt mùng bom đạn, sống chết mong manh, bà gạt bỏ cái tôi mặc cảm, gật đầu đón nhận tình yêu của ông. Liên tiếp hai năm ông đi biền biệt, không tăm tích. Hỏi thăm không ai biết, bà đau đớn, mấy lần định bụng bày cỗ đốt hương. Ngờ đâu, sau giải phóng mấy ngày, ông trở về. Một đám cưới đặc biệt giữa hai người thương binh diễn ra trong niềm vui lẫn sự ái ngại của người thân. Khi đó, họ xác định đến với nhau chỉ để nương tựa trong khoảng đời còn lại. Không ai nghĩ đến chuyện sẽ có con bởi thời chiến, ông nhiều lần đi qua vùng đầy chất độc da cam. Nhưng, nỗi khát con cứ ăn sâu trong suy nghĩ bà Toàn. Hàng ngày, hàng xóm cứ thấy bà dùng cánh tay cụt ôm gối đung đưa, vờ như ru con. Ngờ đâu, hai năm sau, chiếc gối được thay bằng một đứa trẻ bụ bẫm. Rồi ba đứa nữa lần lượt chào đời, khỏe mạnh, ngoan hiền. Hạnh phúc vỡ òa trong ngôi nhà nhỏ.

 Co tich tinh yeu

Hạnh phúc vẹn tròn của hai người thương binh

Ấm trà đá hạnh phúc

Đến bây giờ, mỗi lần nhắc lại những gian khó mà vợ chồng từng đi qua, bà Toàn đều bảo, hạnh phúc ấy có được ngoài tình yêu, còn có ấm trà đá. Ngày mới cưới, hai vợ chồng góp mãi mới mua được một chiếc xe đạp. Trăm ngày như một, cứ ba giờ sáng là bà Toàn gò mình đạp về thị xã Đông Hà cách hơn chục cây số, xế trưa mới trở về với cây nước đá và hai chiếc giỏ đựng trà mở quán nước. Bà kể vui: “Lái một tay, lại chở nặng, gió Lào mấy bận hất ngược làm tui chao đảo rồi ngã chổng vó”. Được cái thời buổi đó, đường từ Đông Hà lên Lao Bảo xa gần cả trăm cây số, quán xá thưa vắng, khách đi đường lại đông nên quán trà của bà lúc nào cũng đông khách. Khách đến quán phần để giải cơn khát đường xa, phần tò mò với người phụ nữ chỉ còn một cánh tay vẫn có thể đi xe đạp bán buôn giỏi hơn người bình thường. Bà như con thoi, lúc trầy trật trên chiếc xe đạp tận chợ xa, trở về lại lao vào bếp đun nước sôi pha trà, bán cho khách, bày cho con học chữ, rồi thỉnh thoảng lại phải chăm ông ốm liệt giường. Câu chuyện với bà thường làm khách thoải mái bởi nụ cười hồn hậu và tinh thần lạc quan hiếm có. Mỗi ấm trà đá bà kiếm lãi được vài ba đồng, đủ mua lon gạo nấu cháo cho cả nhà và mua sách vở cho các con đến lớp. Góp gió thành bão, qua nhiều cơn lận đận, gia đình vẫn sống được từ ấm trà đá đơn sơ bày bán dưới gốc cây trước sân nhà.

Ông bị di chứng từ vết thương nặng, sức khỏe rất yếu. Thương vợ, nhiều bữa vợ vắng nhà, ông hì hụi giặt áo quần, chặt củi, nấu cơm… Có hôm trời nắng to, ông ngất xỉu luôn bên hè nhà, trên đống củi chặt dở… Bà xót, trách ông tham công tiếc việc. Kể đến đây, ông bất ngờ đưa tay mân mê cánh tay cụt của bà. Họ nhìn nhau trìu mến.

Khó khăn vẫn nhiều lần thử thách bản lĩnh của hai người lính. Còn nhớ năm 2003, trên chuyến về thăm chiến trường xưa, không may ông gặp tai nạn phải nằm viện cả năm. Bác sĩ lắc đầu khuyên gia đình đưa ông về, may ra còn được nhìn mái nhà lần cuối. Bà Toàn gạt nước mắt cương quyết, chỉ cần còn một tia hy vọng, bà sẽ cố đến cùng. Cả gia đình sáu người sống chen chúc trong căn nhà cấp bốn nhưng để có tiền chạy chữa cho ông, bà thế chấp cả nhà đất. Bà yêu ông bằng tình yêu của hai người cầm súng chung chiến tuyến. Niềm tin của bà dành cho ông cũng mãnh liệt như niềm tin ngày tất thắng. Rồi ông tỉnh lại! Nhiều người bảo, ông tỉnh lại không phải nhờ thuốc thang mà bởi ông cảm nhận được tình yêu nồng ấm của bà, sau sáu tháng mê man. Ông lại bắt đầu những bước đi tập tễnh như đứa trẻ lên hai, bốn người con của ông phải giúp cha, buộc hai cây tre vào thành giường, để ông vịn tập đi. Bà ứa nước mắt mỗi khi nhớ đến giai đoạn khó khăn này.

Tình yêu, nỗ lực vượt khó của ông bà là tấm gương sáng cho các con. Bốn người con của ông bà lần lượt đậu đại học, tốt nghiệp rồi có công việc làm. Nhớ lại những ngày gian khó, ông bà nhìn nhau cười hạnh phúc: “Từ ấm trà đá đó mà vợ chồng tui đi qua bao đận khó tưởng chừng muốn buông xuôi!”.

Uyên Ngọc
Kỳ cuối: nồng ấm tình nghèo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI