Cổ tích phố phường

26/07/2013 - 08:41

PNO - PNCN - Nếu nhìn bằng đôi mắt quan sát thì bạn chỉ có thể đọc phố xá bằng những khoảnh khắc hình ảnh, còn những câu chuyện ẩn sâu hẳn phải có một cơ duyên nào đó, hay nói cách khác, đó là lúc bạn sống không chỉ bằng ánh nhìn...

Đó là một người phụ nữ khoảng ngoài năm mươi. Dáng bà cao lênh khênh, khuôn mặt xương, trán cao và nhăn nheo như một người da đỏ. Nghĩa là bà ấn tượng giữa phố xá. Bà càng ấn tượng hơn khi cưỡi chiếc xe đạp thồ phía sau lưng chất ràng những chậu kiểng cao ngất. Rong ruổi vào những con phố, người bà như cứ nhấp nhô cùng tiếng rao khàn khàn: “Chậu… kiểng… đây…y… y…”.

Tôi cũng nhiều lần thấy người đàn bà ấy đẩy xe chậu kiểng lên con dốc cầu Bình Triệu, dáng bà như xiêu vẹo theo cơn gió. Và tôi cũng từng biết, mỗi ngày bà thức dậy từ ba giờ sáng để chuẩn bị và đạp xe từ Lái Thiêu vào Sài Gòn. Một đoạn đường xa nặng nhọc đối với một người đàn bà. Nhưng sự biết của tôi về người đàn bà bán chậu kiểng Lái Thiêu ở Sài Gòn chỉ dừng lại ở đó.

Chuyện là có một ông chủ nọ nhà ở Bình Thạnh, sau vài lần mua chậu kiểng của người đàn bà kia, thấy thương bà vất vả, ông đã nghĩ ra một ý hay. Ông dọn cái sân nhỏ trước nhà, rồi nói với bà bán chậu kiểng là, cứ cuối mỗi tuần bà kêu xe ba gác chở chậu kiểng từ Lái Thiêu lên tập kết ở cái sân đó, rồi mỗi ngày, chỉ cần đạp xe lên chở chậu đi bán cho đỡ cực. Quả là một kế hoạch hoàn hảo. Người đàn bà bán chậu kiểng ngỡ ngàng trước lòng tốt của ông chủ nhà giàu. Ban đầu bà không chịu, nhưng sau thấy ông chân tình, nên bà làm theo. Từ đó công việc bán chậu kiểng của bà đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.

Co tich pho phuong

Xe ôm miễn phí cho thí sinh từ các tỉnh về TP thi CĐ-ĐH 2013 - Ảnh: Phùng Huy

Nghe nói ông chủ nhà làm việc cho một công ty nước ngoài gì đó lương cao lắm. Bà chủ chỉ ở nhà lo việc nội trợ và chăm sóc hai con ăn học. Đứa con gái lớn học lớp 9, cậu con trai thì học lớp 5. Cả hai đều xinh đẹp và ngoan ngoãn. Những hôm rảnh rỗi, chúng còn giúp bà vẽ hoa văn lên chậu kiểng.

Thế rồi, một ngày nọ, ông chủ tốt bụng kia bỗng dưng bị đột quỵ trong một cuộc họp, qua đời trên đường vào bệnh viện cấp cứu. Người vợ ông quá đau buồn mà lâm bệnh. Sau đó lại biết mình bị ung thư vú. Bà suy sụp hoàn toàn. Cả gia đình buồn bã. Bà bán chậu kiểng Lái Thiêu cũng buồn lây. Bà không dám chở chậu kiểng tập kết vào nhà đó nữa. Hằng ngày, bà đạp xe từ Lái Thiêu lên Sài Gòn. Nhưng dù đi bán ở đâu thì bà cũng quành về ngôi nhà đó để nghe ngóng tin tức. Bà chủ mất là cái tin quá sốc đối với bà. Bà òa khóc nức nở ngoài phố.

Câu chuyện còn nhiều tình tiết khác nữa. Nhưng điều tôi muốn kể cuối cùng là bà bán chậu kiểng kia đã nhận hai đứa nhỏ làm con nuôi và bà cũng bán hết đất đai ở Lái Thiêu để có một khoản tiền gửi tiết kiệm chu cấp cho hai đứa nhỏ ăn học.

Một cổ tích phố phường hay câu chuyện về nghĩa tình người Sài Gòn là vậy. Nghĩa tình không phải là đưa mắt ngó rồi buông lời cảm thán, mà nghĩa tình chân thật đến tận cùng. Cũng như thế, nếu bạn là khách lạ ở Sài Gòn đi tìm đường, bạn hỏi bất kỳ người nào cũng sẽ được chỉ dẫn tận tình, thậm chí có người còn đi theo bạn một đoạn để bạn khỏi lạc đường. Không chỉ là đưa mắt ngó. Vào mùa thi, có rất nhiều bác xe ôm tình nguyện đưa “sĩ tử” đến tận trường hoàn toàn miễn phí, có nhiều gia đình dọn dẹp căn nhà nhỏ bé của mình để có chỗ cho các em các cháu ngã lưng qua đêm. Mỗi lần bão lũ, người dân Sài Gòn luôn mở rộng tấm lòng với những người đang khó khăn, không hiếm hình ảnh ông lão đạp xích lô đang kiếm bạc cắc hằng ngày nhưng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Còn nhiều ví dụ lắm!

Sài Gòn là vậy đó, nghĩa tình và hào hiệp mà không hề màu mè. Còn khi nhận được lời cảm kích về tấm chân tình đó, thì câu trả lời sẽ thật giản dị là: “Không có chi!”.

Trần Nhã Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI