“Ban ngày, con trai cứ liên tục kêu tôi đừng chết, liên tục hỏi:"'Mẹ ơi, có thuốc nào để trị hết bệnh cho mẹ?". Đêm xuống, nó giật mình khóc thét, quay sang hỏi "có thuốc nào để mẹ đừng chết không?". Nó mới 6 tuổi thôi, nhưng không sợ dơ sợ bẩn gì hết. Mỗi lúc tôi ăn không được, nôn thốc nôn tháo, nó chạy tới ôm hôn tôi. Miệng lúc nào cũng "mẹ ơi, con thương mẹ lắm, ông bà ngoại thương mẹ lắm, mẹ đừng chết” - chị Lê Thị Thùy Linh (32 tuổi, điều dưỡng khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM) lau vội giọt nước mắt kể lại.
|
Nếu chị Linh không nói ra, sẽ rất ít người biết chị đang mắc bệnh thận. Bởi ai cũng cảm nhận được nhiệt huyết, sự lạc quan từ chị. |
Con học xong sẽ chữa bệnh cho mẹ
Những ngày đầu con trai vào lớp Một, chị Linh ngồi ở nhà chờ con về, thằng bé sẽ hào hứng kể cho chị nghe những điều thú vị mà một đứa trẻ khám phá được từ trường học, bạn bè, thầy cô, về những cánh chuồn chuồn đọng sương sáng sớm. Có khi bé nhăn nhó, méc mẹ đủ điều rồi luôn chấm dứt cuộc trò chuyện bằng câu: “Con không đi học, đi học chán lắm, đi học để làm gì”. Nó muốn ở nhà với mẹ.
Lần khác, thằng nhóc chạy về, gọi mẹ inh ỏi từ đầu ngõ. Nó kéo ào cửa, chị giơ tay định ôm nó vào lòng. Nó chựng lại, chạy ra ngoài, chị rơi nước mắt. Bởi từ khi chị bị bệnh, phải ghép thận đến nay, vì hạn chế nhiễm trùng, phòng chị ở phải xây lại, bất kỳ ai tiếp xúc với chị cũng phải sạch sẽ. Con trai chị cũng vậy, thằng bé phải quay ra, tắm rửa sạch sẽ rồi mới dám ào vào ôm mẹ.
Kể từ khi ý thức được mẹ bệnh nặng, con trai không tỉ tê, không phàn nàn chán học mà vô cùng háo hức: “Mẹ, cô nói nếu mình đi học sẽ làm được những điều mình muốn. Con sẽ đi học, học xong sẽ chữa bệnh cho mẹ”.
|
Làm điều dưỡng tại khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc, chị Linh không cho phép mình tỏ ra mệt mỏi vì bệnh nhân vẫn cần chị chăm sóc. |
“Lúc đó, tim tôi như thắt lại, con trai bé bỏng luôn bị ám ảnh về bệnh của mẹ. Không ít lần mặc cảm bệnh tật, tiền nong sinh hoạt, cả chi phí điều trị, tôi trở tính, nóng nảy hơn, cáu gắt với con mình. Cứ nghĩ nó giận dỗi, hờn mát trẻ con. Không ngờ, con sợ tôi chết hơn là bị mắng”, chị Linh rơi nước mắt.
Quay ngược về quá khứ, chị Linh kể 7 năm trước, lúc chị vừa sinh em bé, chân chị thường xuyên chảy máu. Tất bật công việc, con cái, chị dần lãng quên các dấu hiệu khi những mảng xuất huyết ẩn, hiện lặp đi lặp lại.
Cho đến năm 2014, khi bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên, bác sĩ mời chị lên để yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm khác vì chị có các dấu hiệu của suy thận. Nhớ lại những lần trực đêm, mí mắt sưng, đau, ăn uống không ngon, luôn uể oải,... chị cố gắng không bật lên nỗi sợ hãi, mong manh hy vọng có sự nhầm lẫn nào đó.
|
Chỉ những lúc nói về con trai - cậu bé muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ - chị mới không thể kìm lòng. |
Giọng chị run run: “Bác sĩ đưa kết quả suy thận mạn giai đoạn cuối. Tôi biết mình phải ghép thận, hoặc phải ôm chiếc máy lọc đến cuối đời với chi phí chất chồng theo thời gian, tôi không tử vong ngay nhưng sẽ như một cá thể bị gạt bỏ ven đường, èo uột chờ ngày chết. Thực tế, vừa có kết quả, tôi buộc phải nằm viện, chạy thận ngay”.
Tôi sợ 15 năm không đủ để trả nợ
Cơm, áo, gạo, tiền không cho phép chị Linh than khóc. Trong căn nhà nhỏ ọp ẹp, cha mất sức lao động, mẹ đã lớn tuổi, con trai còn phải đến trường đang chờ chị trở về. Tám năm với công việc điều dưỡng, chị Linh hiểu rõ về bệnh của mình. Chị tự lên kế hoạch cho việc điều trị tiết kiệm chi phí, kéo dài nhất có thể thời gian sống để tiếp tục làm việc, tiếp tục bên cạnh người thân.
Làm việc tại bệnh viện, chị xin lọc thận theo phương pháp lọc màng bụng, 6 tiếng lọc một lần, mỗi lần mất 30 phút, vừa lọc thận xong chị quay lại với công việc của mình. 5g sáng, 11g trưa, 17g chiều, 22g30 tối chị phải đến khoa thận. Theo đó, chị ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, con cái, ăn uống buộc phải nhờ cậy người mẹ già.
|
Để tạo điều kiện cho chị Linh được điều trị tốt hơn, lãnh đạo Bệnh viện Trưng Vương đã sắp xếp để chị làm công việc hành chính, nhưng nhớ nghề, chị thường vào khoa để chăm bệnh. |
Bệnh tiến triển quá nhanh, tháng 3/2017, mẹ già phải cùng chị đến bệnh viện, cả hai trải qua vô số các xét nghiệm để ghép một quả thận của mẹ sang cho chị. Gần 3 tháng với bao lần xét nghiệm, mỗi lần cần kết quả tương thích, hai mẹ con lại ôm nhau khóc. Hơn 30 năm trước, mẹ đã ban cho chị sự sống. Bây giờ, chính mẹ lại cầm tay chị, từng chút một, dìu chị bước từng bậc thang trở về đời thường.
“Mỗi lần xét nghiệm, hai mẹ con hồi hộp chờ đến ngày có kết quả, chỉ cần một xét nghiệm không tương thích, tất cả công sức của mẹ sẽ tan biến. Gần 3 tháng trời, tôi và mẹ liên tục trải qua tột cùng những cảm xúc rất khó tả, nhất là mỗi khi bác sĩ nghi ngờ kết quả về sự đào thải. Mẹ ngồi chảy nước mắt, thương mẹ vô cùng; mẹ quá cao cả, tôi chỉ muốn ôm mẹ, khóc thật to để xua đi sự bất lực của mình”, chị Linh xúc động.
Trải qua thời gian khủng hoảng, mẹ và chị lại đau đầu với chi phí ghép thận, điều trị. Cha chị đi vay tiền khắp nơi mới được 300 triệu đồng để sửa lại căn nhà, vì chị phải có phòng riêng nhằm hạn chế sự nhiễm khuẩn, rồi chi phí phẫu thuật, thuốc thang,… đè nặng lên cả gia đình nhưng vẫn không đủ trang trải. Nhiều lần, cha già cằn cỗi bật khóc, chồng chị cũng về quê làm thêm nhiều việc, mỗi tháng chỉ lên thăm vợ được hai lần, khiến càng quý tiếc thời gian bên gia đình.
|
Chị Linh bồi hồi: "Khi bản thân mình mắc bệnh, tôi cảm nhận rõ hơn sự đau đớn, hụt hẫng mà bệnh nhân phải trải qua. Tôi muốn chăm sóc cho người bệnh để họ bớt tủi, như chính tôi sau này có thể cũng cần người chăm sóc". |
Bốn tháng sau phẫu thuật, chị Linh trở lại công việc. Chị được lãnh đạo sắp xếp làm việc hành chính để hạn chế nhiễm khuẩn. Nhớ việc, nhớ bệnh nhân, thỉnh thoảng chị lại đến khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc để chăm bệnh.
“Lúc tôi bệnh, lãnh đạo cùng anh chị đồng nghiệp đã chung tay giúp đỡ, tạo điều kiện để tôi tiếp tục công việc của mình. Mọi người rất tốt với tôi nên không thể vì bệnh tật mà tôi được quyền ỷ lại. Trước mắt thực sự khó khăn, thận ghép thành công nhưng cuộc sống tối đa với quả thận chỉ 15 năm.
Tôi quý tiếc thời gian này bên gia đình, bên đồng nghiệp, bệnh nhân và phải làm việc nhiều hơn nữa vì hiện tại tôi chỉ có thể trả lãi của số nợ 300 triệu đồng. Tôi không được phép cho bản thân mình nghỉ ngơi. Mẹ đã cho tôi một quả thận, sức khỏe bà yếu đi, không thể để bà phải thay con gái trả nợ nếu như thời gian của tôi dừng trước 15 năm”, chị Linh nhìn xa xăm.
Phạm An