Có thực sự cần thiết khi trường đại học phấn đấu thành đại học?

29/02/2024 - 06:28

PNO - Các đơn vị giáo dục - đào tạo nên quan tâm đến đẳng cấp thực sự của mình hơn là chú trọng vào danh xưng “đại học”...

“Đẳng cấp nằm ở chất lượng đào tạo, sự đổi mới phương pháp, thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo tiệm cận với những đòi hỏi của thị trường lao động trong nước và quốc tế, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong và ngoài nước để mỗi bài học gắn liền với cuộc sống, với yêu cầu đặt ra của nhà tuyển dụng. Do đó, các đơn vị giáo dục - đào tạo nên quan tâm đến đẳng cấp thực sự của mình hơn là chú trọng vào danh xưng “đại học”. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến

Ngoài 7 đại học hiện nay, nhiều trường đại học đang trong lộ trình chuyển đổi mô hình để trở thành đại học. Đây được xem là hướng đi hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không nhiều trường có đủ thực lực, đặc biệt khi đào tạo những lĩnh vực hoàn toàn khác với truyền thống của trường. 

Nhiều trường muốn trở thành đại học

Cuối năm 2023, Trường đại học (ĐH) Kinh tế TPHCM đã chuyển thành ĐH Kinh tế TPHCM. Từ năm 2021, trường đã thành lập 3 trường trực thuộc: Trường Kinh doanh; Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước; Trường Công nghệ và Thiết kế. Trước đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã chuyển thành ĐH Bách khoa Hà Nội và thành lập Trường Cơ khí, Trường Điện - Điện tử, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Hóa và Khoa học sự sống, Trường Vật liệu.

Sinh viên Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tại phòng thí nghiệm hiện đại của trường - Nguồn ảnh: V.N.U
Sinh viên Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tại phòng thí nghiệm hiện đại của trường - Nguồn ảnh: V.N.U

Hiện có nhiều trường ĐH cũng đang trong lộ trình chuyển đổi mô hình để trở thành ĐH.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có kế hoạch thành lập thêm 3 trường (Trường Điện - Điện tử, Trường Kinh tế quản lý và Trường Công nghệ thông tin truyền thông) trong năm học 2024-2025 nhằm đạt đủ điều kiện chuyển thành ĐH vào năm 2025. Trước đó, từ năm 2021, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch trên cơ sở sáp nhập Khoa Ngoại ngữ và Khoa Du lịch; năm 2023 thành lập Trường Cơ khí - Ô tô trên cơ sở sáp nhập và phát triển Khoa Cơ khí và Khoa Công nghệ ô tô. 

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng dự kiến thành lập 3 trường trực thuộc (Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ) trong lộ trình chuyển đổi thành ĐH vào năm 2025. Từ năm 2021, Trường ĐH Ngoại thương đã công bố Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 đến 2030 và tầm nhìn 2040 với mục tiêu trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, dẫn đầu cả nước về đào tạo kinh tế, kinh doanh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Năm 2023, Trường ĐH Y Hà Nội có 3 ngành được ShanghaiRanking (một trong những tổ chức đánh giá ĐH uy tín và có ảnh hưởng lớn) xếp hạng: ngành y tế công cộng được xếp trong nhóm 76-100 thế giới, ngành y học lâm sàng trong nhóm 101-150, ngành khoa học sinh học con người trong nhóm 201-300. Trường ĐH Y Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành ĐH Khoa học sức khỏe, định hướng nghiên cứu ở trình độ hàng đầu ở châu Á.

Ở phía Nam, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng đang lên lộ trình chuyển thành ĐH. Trong đó, Trường ĐH Cần Thơ đang thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2030, chuyển Trường ĐH Cần Thơ trở thành ĐH Cần Thơ bằng việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và xúc tiến thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. Đồng thời dự kiến thành lập 4 trường trực thuộc, 1 khoa và 1 viện mới trên cơ sở các đơn vị hiện có, gồm: Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục thể chất, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm.

Đáng lo ngại

Khái niệm “ĐH” hình thành ở nước ta từ năm 1993, khi thành lập 2 ĐH Quốc gia Hà Nội và TPHCM. Đến năm 2018, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã đưa ra khái niệm “ĐH” và “trường ĐH”. Trong đó, “trường ĐH” là cơ sở giáo dục - đào tạo có nhiều ngành, “ĐH” là cơ sở giáo dục - đào tạo nhiều lĩnh vực. 

Tổ chức kiểm định HCERES (Pháp) đánh giá chất lượng cấp cơ sở tại Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh: Duy Thành
Tổ chức kiểm định HCERES (Pháp) đánh giá chất lượng cấp cơ sở tại Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh: Duy Thành

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH, cao đẳng Việt Nam - cho rằng chính sách chuyển đổi từ “trường ĐH” lên “ĐH” sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục ĐH Việt Nam với thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các đơn vị đào tạo. Điều kỳ vọng nhất khi chuyển đổi là bộ máy tổ chức sẽ gọn nhẹ, linh hoạt hơn, hoạt động hiệu quả hơn; ngân sách được đầu tư tập trung; nâng cao chất lượng đào tạo, giúp trường dễ mở ra các chương trình đào tạo mang tính liên ngành, sinh viên được tự do lựa chọn các môn học khi chuyển đổi.

Tuy nhiên, để tránh “phong trào”, theo ông, không chỉ kiểm định trước khi chuyển đổi mà cả sau khi chuyển đổi cũng cần kiểm soát chất lượng của các ĐH. Hiện nay các trường thành viên trong ĐH đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao nên hoạt động gần như độc lập, thiếu sự liên kết, phối hợp với nhau, trước hết là về đào tạo, vì vậy không thể hiện được sức mạnh tổng hợp như những ĐH đa lĩnh vực đúng nghĩa. Ví dụ ở ĐH Quốc gia Hà Nội, sinh viên Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Giáo dục… đều có 2 năm đầu học những ngành khoa học cơ bản ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - với những nhà khoa học đầu ngành; sau đó mới trở lại trường mình để học những năm cuối về chuyên ngành y, dược, nghiệp vụ 
sư phạm...

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) - “trào lưu” trở thành ĐH cùng với việc có những trường trong lịch sử đào tạo không có khoa học, công nghệ nhưng vẫn tuyên bố trở thành ĐH đa ngành - trong đó có đào tạo ngành khoa học, công nghệ là thực sự đáng lo ngại. Ông không cổ xúy cho “phong trào” các trường ĐH lên ĐH. Bởi theo ông, khái niệm “ĐH” và “trường ĐH” trong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 là khái niệm chưa hoàn chỉnh, cần được xem xét lại.

Ví dụ Trường ĐH Tổng hợp trước kia, xét theo khái niệm thì chỉ là “trường ĐH” nhưng thực tế lại đào tạo rất nhiều lĩnh vực; mà nếu xét theo định nghĩa hiện nay lại là “ĐH”. Ông cho rằng khái niệm này mang tính chất cơ học, điều quan trọng là phải căn cứ vào mục tiêu, sứ mệnh “thành lập ĐH để làm gì”. 

Vấn đề tự chủ ĐH đã đưa vào Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 và điều này đã là xu thế không chỉ của ĐH mà còn của cả các trường ĐH. Do đó, việc thành lập ĐH với mục tiêu có quyền tự chủ được một số trường ĐH xác định là không cần thiết. Vấn đề tự chủ của trường ĐH trong ĐH cũng là điều khiến ông lo ngại dễ dẫn đến tình trạng mạnh trường nào trường đó làm. 

Lo lắng về đội ngũ giáo sư, tiến sĩ

Điều kiện của ĐH là có 3 trường thành viên, 10 chương trình đào tạo tiến sĩ, 15.000 sinh viên chỉ là con số, điều kiện về mặt cơ học. Vấn đề cốt lõi là chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo sư, tiến sĩ ra sao. 

Tỉ lệ giáo sư, phó giáo sư ở nước ta hiện nay đã được cải thiện nhiều. Song so với mặt bằng chung của thế giới, tỉ lệ này vẫn chưa cao; đặc biệt ở lĩnh vực y, dược, khoa học, công nghệ. Thực tế để thu hút 1 tiến sĩ giỏi về 1 trường ĐH đã là thách thức. Trong khi chúng ta lại mở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì tôi lo ngại về vấn đề chất lượng.

Xét theo nghị định trong luật thì rõ ràng có thể có ĐH dù đông nhưng không mạnh. Trong luật còn có trường ĐH định hướng nghiên cứu - phải có 20% đội ngũ từ phó giáo sư trở lên, mỗi năm có tối thiểu 100 bài báo quốc tế trên các tạp chí đạt tiêu chuẩn và có nguồn thu đáng kể từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nếu đối chiếu về luật, thì 1 trường ĐH nghiên cứu còn có đẳng cấp về chất lượng hơn là 1 ĐH. Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức


Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI