Một trưa nắng gắt, cuối tháng 7/2018, công nhân chăm sóc cây xanh (thuộc Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM) bất ngờ phát hiện dưới gốc cây dầu cổ thụ trên đường Trần Quang Diệu (P.14, Q.3) có mùi hóa chất bốc lên. Nhờ phát hiện sớm, toàn bộ số đất nhiễm độc quanh gốc cây dầu khổng lồ đường kính hơn 2m này được xúc bỏ, cây được cứu sống. Song, đây chỉ là một trong những vụ cổ thụ ở Sài Gòn thoát chết hy hữu sau khi “trúng độc”.
|
Cổ thụ ở đường Ba Tháng Hai chết khô nghi do đổ hóa chất |
Nhiều vụ có mùi… hóa chất
Theo xác định của Công ty Công viên cây xanh và đại diện UBND P.14 (Q.3) tại thời điểm phát hiện có hóa chất và một số dầu nhớt dưới gốc, cây dầu cổ thụ số 35 trên đường Trần Quang Diệu vẫn phát triển bình thường. Nhận thấy nhiều khả năng có người cố tình đổ hóa chất để giết cây nên vụ việc đã được Công ty Công viên Cây xanh báo cho đơn vị quản lý địa bàn thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM để chuyển cho công an địa phương điều tra, xử lý.
Tương tự, sau một thời gian phát hiện có mùi hóa chất dưới gốc, cây dầu cổ thụ số 77 trên đường Ba Tháng Hai (Q.10) cũng lâm vào cảnh chết khô trong nuối tiếc.
“Cây dầu đang phát triển bình thường, thì bất ngờ rụng lá. Lúc đó, chúng tôi phát hiện đất xung quanh gốc cây có mùi hóa chất nên đã xúc bỏ hết số đất này và dùng nước tẩy rửa cho sạch, nhưng có lẽ hóa chất đã ngấm vào rễ nên không cứu được”, một công nhân chăm sóc cây xanh nhớ lại.
Không may mắn như cây dầu cổ thụ ở đường Trần Quang Diệu, một cây dầu có đường kính hơn 1m ở đường Trần Quang Khải (P.Tân Định, Q.1) đang xanh tốt bình thường bỗng từ từ héo lá, úa tàn rồi chết khô. Sự việc chỉ được phát hiện khi công nhân chăm sóc cây cắt tán theo định kỳ thì thấy cây xuống lá bất thường, kiểm tra gốc thì thấy mùi hóa chất vẫn còn vương lại. Dù số đất nhiễm hóa chất được xúc bỏ nhưng chất độc đã ngấm vào rễ nên cây cứ úa dần rồi… tử vong.
|
Cổ thụ ở đường Trần Quang Diệu được phát hiện có hóa chất dưới gốc |
Cùng mã số 77, một cây sao đen loại lớn trên đường Điện Biên Phủ (P.6, Q.3) đang xanh tốt bình thường cũng bất ngờ xuống lá rồi héo khô. Sự việc được phát hiện ngày 30/5. Tại thời điểm phát hiện cây úa tàn, nhân viên chăm sóc cây không còn ghi nhận được mùi hóa chất cũng như sự xáo trộn đất xung quanh gốc cây nên nguyên nhân cây chết có phần “bí ẩn”. Hiện cây này đã được cắt trụi tán để ngăn ngã đổ xuống đường.
Chưa vụ nào tìm ra hung thủ
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những vụ cổ thụ chết bất thường nghi do bị đầu độc nói trên có những điểm trùng hợp khá đáng ngờ. Cụ thể, phía sau cây sao đen đang dần chết trên đường Điện Biên Phủ là một điểm kinh doanh karaoke hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm. Còn phía sau cây dầu khổng lồ bị đổ hóa chất ở đường Trần Quang Diệu cũng có một cửa hàng mới đi vào hoạt động.
Về trường hợp cây bị đổ hóa chất ở đường Trần Quang Khải và đường Ba Tháng Hai, sự trùng hợp còn rõ ràng hơn khi phía sau hai cổ thụ đang chết đứng này là hai công trình xây dựng đang mọc lên. “Hôm đó, khoảng 6 giờ sáng tôi thấy có người đào gốc cây lên nhưng không rõ họ đổ cái gì xuống đó”, một người dân sống gần cây dầu cổ thụ bị đầu độc ở đường Trần Quang Khải, nhớ lại. Sự hoài nghi này của người dân cũng được đưa vào biên bản ghi nhận sự việc sau khi cây úa tàn từ nhiều tháng trước, nhưng chỉ bấy nhiêu thông tin là không đủ để làm bằng chứng buộc tội.
|
Cây dầu khổng lồ ở đường Trần Quang Khải cũng chết khô do bị đổ hóa chất |
Điều đáng lo ngại, những vụ cổ thụ bị chết khô nghi do bị đầu độc nói trên chỉ là một số vụ chúng tôi tình cờ phát hiện, xác minh được trong thời gian gần đây. Lãnh đạo một đơn vị thuộc Sở GTVT TP.HCM cho hay: “Hầu hết các vụ cây chết nghi do bị xâm hại đều chuyển cho công an địa phương để điều tra, xử lý. Song đến nay, chưa có vụ nào tìm ra thủ phạm”.
Về tình trạng cây xanh bị xâm hại nói chung trên địa bàn TP.HCM, Sở GTVT thành phố đã yêu cầu các khu quản lý giao thông đô thị thuộc sở thống kê số liệu từ năm 2016 đến nay. Tính đến ngày 6/9, theo số liệu do Sở GTVT tổng hợp được, chỉ tính riêng các quận nội thành đã có hơn 80 trường hợp cây xanh bị xâm hại. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp xác định được “thủ phạm” (thường là các công trình thi công ẩu), chứ chưa có số liệu thống kê những trường hợp cây chết nghi do đầu độc bằng hóa chất.
Trong báo cáo vừa trình Sở GTVT thành phố, một đơn vị phụ trách địa bàn có nhiều vụ cây xanh bị xâm hại cho rằng, do các vụ việc xảy ra vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Trong khi đó, việc xử lý cũng còn hạn chế, trách nhiệm liên đới đến nhiều đơn vị, sức xử phạt theo quy định chưa đủ sức răn đe. Đơn vị này đề xuất Sở GTVT thành phố kiến nghị UBND thành phố lập cơ chế phối hợp, xử lý liên ngành đối với những vụ cây xanh bị xâm hại.
Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, chuyên gia về cây xanh đô thị cho biết, những cây loại 3 (được xem là cổ thụ) ở TP.HCM đều có tuổi thọ trên 100 năm, rất quý giá, cần phải được bảo vệ, bảo tồn.
“Nhiều năm trước, chúng tôi đã nghiên cứu đề tài bảo tồn cổ thụ trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên lúc đó chúng tôi chỉ mới lập hồ sơ lý lịch hơn 130 cổ thụ quý giá để lên phương án bảo tồn. Đây là những cây nằm trên những tuyến đường có hàng cây đẹp, hoặc cây gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ nghiên cứu, xác định “lý lịch” thêm cho nhiều cây loại lớn khác để lên phương án bảo tồn cụ thể hơn”, tiến sĩ Diệp bày tỏ thêm.
|
Trung Thanh