Cô thợ mộc mộng mơ

30/08/2020 - 07:30

PNO - Từ bỏ mức lương tháng ngàn đô mà nhiều bạn trẻ mơ ước, Nguyễn Hảo quyết định theo đuổi con đường sản xuất đồ chơi bằng gỗ, nơi cô gửi trọn tình yêu dành cho con gái nhỏ, cho người bố từng làm thợ mộc và cho chính ước mơ của mình.

Từ tình yêu dành cho bố và con gái nhỏ…

Cửa tiệm “De L'archi - đồ gỗ tái chế” được biết đến nhiều trên mạng xã hội thời gian gần đây hơi khác so với hình dung ban đầu của tôi. Không được trang trí cầu kỳ, không có không gian trưng bày chỉn chu, De L'archi nằm trong căn phòng khách nhỏ nơi cả gia đình Nguyễn Hảo - cô chủ tiệm - đang sinh sống, giữa bộn bề những món đồ chơi thô đang chờ được hoàn thiện. Hảo gác lại công việc tô vẽ, bẽn lẽn: “Toàn bộ đồ chơi thô từ dưới xưởng mình đều chuyển lên đây để hoàn thiện nên nhà cửa lúc nào cũng ngập đồ như thế này”.

Cô gái sinh năm 1992 vốn là sinh viên của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội. Ra trường, Hảo trở thành một kiến trúc sư theo đúng ngành nghề mà mình được đào tạo và có vị trí ổn định sau 5 năm làm việc. Thế nhưng, vào thời điểm giữa dịch COVID-19, cô gái ấy lại có một quyết định liều lĩnh khiến mọi người kinh ngạc - từ bỏ công việc để làm đồ chơi cho trẻ em.

“Đam mê làm đồ chơi đã nhen nhóm từ những ngày tôi còn là sinh viên đi tình nguyện. Khi ấy, tôi và nhóm bạn thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm để xây dựng các điểm trường ở vùng cao. Với chuyên môn về kiến trúc, tôi thường đảm nhận việc thiết kế xây dựng, trong đó có các khu vui chơi cho trẻ em”, Hảo lý giải. 

Sau khi kết hôn, chưa chờ tới lúc cô con gái nhỏ Bào Ngư ra đời, Hảo đã háo hức bắt tay vào làm đồ chơi cho con, từ xe cút kít, những con thú kéo dây, đồ chơi ghép hình tới tạo hình các con vật… Hảo thường lang thang tới các khu vực bán đồ gỗ tái chế, nhờ thợ cắt sẵn thành các hình thù mà cô mong muốn rồi về tự bắn đinh, bắt vít, tô màu trang trí. Trên trang Facebook cá nhân, những món đồ chơi độc lạ của bà mẹ bỉm sữa nhận được sự quan tâm bất ngờ của bạn bè. Dần dần, những đơn đặt hàng nhỏ lẻ xuất hiện khiến Hảo thấy hào hứng hơn với công việc làm đồ chơi.

Tháng 3/2020, Hảo quyết định mua ba chiếc máy cầm tay cơ bản là máy mài, khoan, cưa lọng để bước vào con đường... cưa đục. Nơi sản xuất của Hảo chính là xưởng đồ gỗ nhiều năm bỏ trống của bố. “Bố tôi vốn là thợ mộc, nhưng vì một tai nạn mà phải đóng cửa xưởng gỗ của mình. Trong thâm tâm, tôi vẫn muốn có một công việc để bố làm thêm, lấy lại sự tự tin của người vốn dĩ là “trụ cột” trong gia đình. Và De L’archi thực sự đã làm được điều này”, Hảo chia sẻ.

Tháng 6/2020, Hảo nộp đơn xin nghỉ việc để dành mọi tâm huyết vào tiệm đồ gỗ nhỏ - nơi nuôi dưỡng tình yêu của cô dành cho bố, cho cô con gái nhỏ và ước mơ của mình…

Đánh đổi bằng stress và sụt 7kg

Thời gian đầu bắt tay vào công việc, Hảo tự thực hiện mọi công đoạn từ việc lên ý tưởng, thu mua gỗ tới cắt đục, lắp ráp. “Thực tế ngay cả khi mua máy, tôi cũng mới học cách sử dụng chứ trước đó chưa từng cầm tới. Loay hoay cả ngày mới có thể làm ra một món học cụ mà cũng chưa được đẹp mắt và hoàn chỉnh như bây giờ”.

Tới khi quen việc hơn, cô bắt đầu dần “chuyển giao” công đoạn thô để tập trung vào sáng tạo và hoàn thiện sản phẩm. Mặc dù bố làm thợ mộc nhưng để cắt như thế nào cho đúng với ý tưởng, cho ra được sản phẩm, Hảo vẫn phải làm mẫu rồi hướng dẫn lại. Cứ cuối tuần, cô lại xuống xưởng cùng bố rồi vận chuyển hàng về căn chung cư nhỏ. Tới nay, sau gần nửa năm “khởi nghiệp”, Hảo đã bán được hàng ngàn món đồ chơi gỗ ra thị trường.

Nhìn lại quãng đường này, cô chủ tiệm cũng phải thốt lên: không hiểu tại sao lại có thể vượt qua những chuỗi ngày áp lực, mệt mỏi đến thế! 

Khi Hảo quyết định chuyển hướng công việc, mọi người trong gia đình đều không đồng tình. Ngay cả chồng của cô cũng phản đối. 

“Quãng thời gian từ tháng Ba đến tháng Sáu giống như một “bước đệm”, tôi vừa làm việc công ty, vừa sản xuất đồ chơi ở nhà. Mỗi ngày, tôi thức dậy từ 5g30 sáng và làm việc tới 2g sáng ngày hôm sau. Một ngày, ngủ hơn 3 tiếng đồng hồ kèm theo những mệt mỏi, stress khiến tôi nhiều lúc nản chí, muốn bỏ cuộc”, Hảo kể lại. Không chỉ “đánh đổi” một công việc tốt, công cuộc “khởi nghiệp” còn khiến cô gầy đi 7kg. 

Kẻ mơ mộng giữa cơn bão thị trường

Khác với nhiều món đồ chơi gỗ trên thị trường, sản phẩm do Hảo làm có những đặc điểm riêng. Không chỉ ở những ý tưởng mới, hầu hết đồ chơi còn độ sần nhẹ, nguyên sơ tới từng nếp vân gỗ. “Trẻ em rất nhạy cảm, thậm chí hơn cả người lớn. Bởi vậy, khi cầm nắm, đồ gỗ sơn quá mượt mịn, nhiều lớp sẽ làm mất đi cảm giác về chất liệu. Những món đồ chơi của De L’archi giúp con được chạm vào thiên nhiên một cách gần gũi nhất”, Hảo nói. 

Thay vì phun sơn, Hảo lựa chọn tô thủ công bằng màu acrylic an toàn. Hảo bảo, việc hoàn thiện sản phẩm đều diễn ra trong nhà, nơi cô và gia đình, con gái nhỏ sinh sống nên 100% các chất liệu sản phẩm đều phải tuyệt đối an toàn. Đây cũng là tiêu chí những sản phẩm của De L’archi. 

Hiện nay, Hảo đã cho ra mắt khoảng 20 loại đồ chơi mang tính giáo dục cao, phù hợp với phương pháp dạy học mới cho trẻ là Montessori và Reggio. Trong đó nhiều sản phẩm đã nhận được lời mời, hợp tác từ phía các công ty thương mại. Tuy nhiên, cô thợ mộc nhỏ bé ấy chỉ lắc đầu: “Mặc dù hợp tác có thể cho mình nhiều kinh nghiệm, có nhiều tiền hơn nhưng mình vẫn sợ các sản phẩm sẽ bị “biến chất” khi làm trên dây chuyền công nghiệp”.

Tới nay, ngoài hai sản phẩm bộ cá gỗ trang trí và học cụ bảng cửu chương toán được định hướng thương mại hóa, các sản phẩm còn lại Hảo vẫn trung thành với con đường thủ công. Dù công việc này vất vả, tốn nhiều thời gian để hoàn thiện nhưng cô lý giải, các món đồ chơi sẽ “có hồn và đường nét mềm mại hơn”.

Mặc dù nói thương mại hóa nhưng có lẽ, với cô chủ tiệm mộc De L’archi, kinh doanh vẫn là con đường lạ lẫm. Hảo thừa nhận, cô chỉ là tay mơ trong con đường kinh doanh. Sự sáng tạo - vừa là điểm mạnh cũng lại chính là điểm yếu của cô: “Trong đầu tôi luôn tràn ngập các ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, nếu cứ mải miết chạy theo nó, tạo ra các sản phẩm mới thì lại không tập trung thương mại hóa các sản phẩm cũ của mình. Trong khi đó, với một đơn vị, có khi chỉ cần một vài sản phẩm đưa ra thị trường là đủ để kiếm tiền”.
Khi chúng tôi tò mò về “đứa con tinh thần” mang cái tên khá đặc biệt - De L’archi, Hảo không giấu sự tâm đắc: “archi trong tiếng Pháp có nghĩa là trên cả tuyệt vời. Còn De L’archi có ý nghĩa là “từ một kiến trúc sư”. Bản thân tôi là một kiến trúc sư nên tôi muốn khi nhắc tới De L’archi, mọi người có thể thấy bóng dáng tôi ở trong đó cùng với những sản phẩm đồ chơi thú vị dành cho các bạn nhỏ”.

Huyền Anh

 

 
 
 
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI