Cô thợ may thành bà chủ xưởng inox nhờ cầu nối của Hội

17/06/2022 - 16:02

PNO - Đồng lòng vượt khó, cộng với sự hỗ trợ kịp thời của Hội Phụ nữ, vợ chồng chị Trần Kim Hoa (50 tuổi) và anh Trần Đức Tuấn (52 tuổi) đã gầy dựng được xưởng sản xuất và cửa hàng inox.

Cửa hàng inox Duy Tú nằm trên đường Bình Long, khu phố 27, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM khách ra vào tấp nập. Vợ chồng chị Trần Kim Hoa, chủ cửa hàng, không ngừng tư vấn cho khách về mẫu mã, cách thức lắp đặt, sử dụng các sản phẩm trong niềm vui và sự nhiệt thành. Sau hơn hai năm dịch bệnh, cửa hàng đang từng ngày gượng dậy.

 

Ngoài việc quản lý cửa hàng, thỉnh thoảng chị Hoa (giữa) cũng vào xưởng phụ việc sản xuất khi có nhiều đơn hàng
Ngoài việc quản lý cửa hàng, thỉnh thoảng chị Hoa (giữa) cũng vào xưởng phụ việc sản xuất khi có nhiều đơn hàng

Trước dịch, xưởng có 20 nhân công, bây giờ chỉ còn 12, đa phần đến từ các tỉnh, làm việc và ăn ở ngay tại xưởng. “Hy vọng, sắp tới việc buôn bán sẽ thuận lợi, tôi sẽ tuyển thêm thợ và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh” - chị Hoa chia sẻ. 

26 năm trước, hồi mới cưới nhau, anh Tuấn làm thợ cơ khí, còn chị Hoa làm công nhân may, vợ chồng họ ở nhờ bên ngoại, chỉ mong có đủ cơm ăn và tằn tiện mua mảnh đất cất nhà ra riêng. Vài năm sau đó, họ mua được miếng đất 24m2 trong hẻm nhỏ. Không đủ tiền thuê nên mỗi buổi tối anh Tuấn lại thắp đèn mò mẫm xây từng viên gạch. Là thợ cơ khí, thấy người ta làm hàng inox, anh Tuấn lân la học hỏi. “Cái máy đánh bóng inox lúc đó chỉ hơn 2 triệu đồng mà mình mua không nổi. Vợ tôi đánh liều hỏi Hội Phụ nữ, nhờ vậy tụi tui được tiếp cận nguồn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN TP.HCM. Đi làm ban ngày, buổi tối tôi nhận hàng về đánh bóng, hôm nào cũng tới 2 - 3g sáng mới ngả lưng” - anh Tuấn nhớ lại. 

Để đỡ đần chồng trong việc giao hàng và chăm lo cho hai con nhỏ, chị Hoa phải nghỉ làm xí nghiệp. Qua nhiều lần xoay vòng vốn Hội, anh chị sắm thêm được máy cắt, máy hàn. Đó cũng là lúc họ dồn hết tâm sức vào sản xuất hàng gia dụng, chủ yếu là móc treo quần áo và nắm đấm cửa. Trong khoảng không gian nhỏ hẹp của căn nhà, anh Tuấn vừa học vừa làm mọi thứ sản phẩm, còn chị Hoa lo chạy tìm đầu ra cho nguồn hàng. Kiên trì và chắt bóp, tới năm 2011, vợ chồng họ bán ngôi nhà cũ, mua mảnh đất rộng hơn để xây nhà mới vừa làm nơi ở vừa làm xưởng sản xuất. Họ cũng đã sắm thêm được nhiều loại máy móc cần thiết như máy cắt, máy dập, máy khoan… và thuê thêm 2 - 3 thợ phụ. 

Dạo quanh xưởng sản xuất hơn 300m2 trên đường 8B, khu phố 13, P.Bình Hưng Hòa A, chị Hoa phấn khởi: “Chúng tôi thuê chỗ này từ năm 2016. Sản phẩm inox của xưởng lúc đầu chỉ cung cấp cho thị trường TP.HCM, nhưng sau đó đã đưa về nhiều tỉnh, thành lân cận. Một năm sau khi có nhà xưởng thì cửa hàng Duy Tú cũng ra đời. Chúng tôi đã sắm thêm xe tải để chở hàng hóa. Điều vợ chồng tôi mừng nhất là sau hơn hai năm dịch bệnh, mình vẫn cầm cự được”. 

Chị Hoa tham gia công tác Hội và làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 25, P.Bình Hưng Hòa A từ năm 2003. Khi kinh tế đã ổn hơn, năm nào chị cũng cùng nhóm bạn thân thực hiện ít nhất một chuyến từ thiện về các tỉnh. Ở khu phố, chị chăm lo học bổng, xe đạp cho các em học sinh khó khăn. Thời điểm dịch bệnh, anh Tuấn lái xe tải kiêm khuân vác rau củ quả, gạo mắm giúp Hội đưa tới từng con hẻm tặng bà con nghèo, còn chị Hoa chạy chợ lo cơm nước, đưa thuốc men đến cho người bệnh… 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI