Có thể xem xét Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường của Quốc hội

29/11/2023 - 11:53

PNO - Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Luật Đất đai (sửa đổi) có thể được xem xét tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, dự kiến vào tháng 1/2024.

 

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin, dự án Luật đất đai (sửa đổi) có thể được xem xét tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 1/2024
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có thể được xem xét tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 1/2024

Lùi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện tinh thần cẩn trọng, trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 22 ngày rưỡi làm việc tích cực, khẩn trương, kỳ họp đã thành công hết sức tốt đẹp, xem xét giải quyết khối lượng lớn công việc đề ra.

Trong xây dựng pháp luật, Tổng thư ký Bùi Văn Cường thông tin, tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, đồng thời cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.

Đáng lưu ý, tại kỳ họp này, Quốc hội chưa thông qua 2 dự án Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Lý giải về việc này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc tạm lùi chưa thông qua này thể hiện tinh thần “cẩn trọng, trách nhiệm”, vì trong quá trình thảo luận, còn nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, cần có thời gian để xem xét kỹ lưỡng, đánh giá kỹ những tác động từ các chính sách.

“Việc chưa thông qua hai dự án luật này thể hiện sự cẩn trọng, kỹ lưỡng, làm sao để khi luật ban hành phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, đảm bảo tính bền vững và không xảy ra xung đột với các luật khác. Không phải vì phải thông qua tại kỳ họp này mà bấm nút, như thế làm cho tính ổn định của luật không dài, nên phải lùi vào thời điểm thích hợp”, Tổng thư ký Quốc hội lý giải.

Tổng thư ký Quốc hội thông tin thêm, vấn đề này sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền, và có thể sẽ được xem xét tại kỳ họp bất thường, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1/2024, cùng một số nội dung cấp bách khác theo đề nghị của Chính phủ.

Người đã có căn cước công dân có phải đi thu thập mống mắt?

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Minh Đức - Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - trả lời câu hỏi của phóng viên về quy định lấy mống mắt tại Luật căn cước.

Theo đó, thông tin về mống mắt sẽ được cơ quan chức năng thu thập bằng thiết bị chuyên dụng, hiện đại. Khi người dân làm mới, cấp đổi lại thẻ căn cước, cơ quan chức năng sẽ thu thập thông tin để làm giàu thông tin trong cơ sở dữ liệu cư dân quốc gia.

Điều 46 của Luật Căn cước đã có 4  khoản quy định về việc chuyển tiếp. Với thẻ căn cước còn hiệu lực, người dân vẫn được sử dụng bình thường, không phải đến cơ quan chức năng để thu thập thêm thông tin. Trường hợp công dân có nhu cầu bổ sung, thay, đổi thẻ căn cước sẽ đến cơ quan chức năng để được hướng dẫn.

Liên quan tới việc lắp thiết bị giám sát hành trình cho xe máy tại dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội cho ý kiến, nhiều đại biểu cho rằng, đây là việc khó khả thi, gây tốn kém. Ông Nguyễn Minh Đức cho hay, đây là quan điểm của cơ quan trình dự luật. Ủy ban Quốc phòng và an ninh có nhiệm vụ tham mưu cho Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến ĐBQH về vấn đề này. Cơ quan soạn thảo sẽ có trách nhiệm đánh giá tác động để quy định trong luật vừa quản lý xã hội, vừa đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, ông lưu ý, quy định này vẫn nằm trong dự thảo nên đang xin ý kiến rộng rãi. Dự án luật sẽ còn tổ chức nhiều tọa đàm để thảo luận nhiều chiều, trước khi đi tới “chân lý” cuối cùng.

Trong dự thảo Luật An toàn giao thông đường bộ có quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Thời gian qua, nhiều ĐBQH cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề này. Theo ông Nguyễn Minh Đức, trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia có quy định cấm tuyệt tối sử dụng rượu bia trước, trong khi lái xe. Để có sự thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, luật ra sau phải lấy nguồn từ luật trước. Trên cơ sở đó, cơ quan làm luật đã lấy căn cứ để đưa vào dự thảo luật.

Quan điểm của cơ quan thẩm tra là tuân thủ quy định của hệ thống pháp luật. Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đã có tổng kết: 43% các vụ tai nạn, vi phạm giao thông nghiêm trọng xuất phát từ vi phạm nồng độ cồn. Do đó, ông hy vọng báo chí tiếp tục tuyên truyền để ủng hộ nội dung này.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI