Tiếp tục bàn luận về việc, trong thời gian tới Việt Nam có thể sẽ không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB).
|
Có thể Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA |
Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội lưu ý, khi không còn nằm trong nhóm những nước nghèo thì Việt Nam cũng sẽ không còn nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong khi đó, Việt Nam sẽ phải cam kết trả nợ nhanh hơn, trả tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc.
Ngân sách Nhà nước hiện tại đang phải bố trí khoảng 1 tỷ USD mỗi năm để trả nợ nước ngoài. Nhưng nếu phải trả nợ nhanh gấp đôi thì yêu cầu trả nợ sẽ tăng 100% từ 1 tỷ USD đến 2 tỷ USD, đó sẽ là gánh nặng rất lớn cho nền ngân sách quốc gia.
Những thành quả nền kinh tế đã đạt được thời gian qua đã tạo đà cho nền kinh tế phát triển, đời sống của người dân được cải thiện, nâng lên là không thể phủ nhận
Thế nhưng, do vay quá nhiều để đầu tư phát triển mà Việt Nam đang rơi vào tình thế nợ nần tăng cao, áp lực trả nợ rất lớn.
"Năm 2015, chúng ta phải trả nợ là 126.000 tỷ, chiếm một tỉ trọng rất lớn trong tổng thu ngân sách hàng năm cũng như tổng GDP hàng năm. Đến thời điểm 2017- 2020 cũng là lúc Việt Nam không còn được vay vốn giá rẻ mà lại phải trả nợ nhanh gấp đôi, việc này sẽ đặt ra áp lực rất lớn trong vấn đề cân đối ngân sách quốc gia để phục vụ yêu cầu trả nợ và chi tiêu", ông Thành cho biết.
Việc đi vay rồi trả nợ là điều rất bình thường, đó cũng là một cách thức đối với các nước phát triển như Mỹ, Nhật. Khi Việt Nam cũng nằm trong quy luật phát triển chung cũng hoàn toàn có thể thực hiện theo cách đó.
Điều đáng phải suy nghĩ ở đây là, đối với một nền kinh tế có xuất phát điểm thấp như Việt Nam, vay để đầu tư nhưng không đem lại hiệu quả, khả năng sinh lời thấp thì cơ hội sẽ biến thành thách thức.
Trong khi, phần đóng góp tăng trưởng chủ yếu cho GDP lại thuộc về khối FDI, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng không có. Do đó, thách thức trả nợ càng khó khăn hơn.
"Đứng trước vòng xoáy hội nhập mà nội lực nền kinh tế trong nước không có, Việt Nam sẽ phải đối diện với nguy cơ tụt hậu, nền sản xuất không tương thích và suy giảm.
Đó chính là thách thức rất lớn buộc Việt Nam phải thay đổi để hội nhập, nhất là yêu cầu nâng cao năng lực nội sinh. Chỉ khi làm được như vậy mới giải quyết được bài toán kinh tế bao gồm cả xuất khẩu và thu ngân sách", ông Thành nhận định.
Việc cần làm
Theo ông Thành, thực tế trên buộc chúng ta phải đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất là phải thúc đẩy nền sản xuất trong nước phát triển mới tạo ra nguồn thu. Khi có nguồn thu ổn định mới giải quyết được bài toán chi tiêu, trả nợ và tái đầu tư phát triển.
Chính vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo cho họ một thế đứng vững vàng trong nền kinh tế quốc gia là rất quan trọng.
Một nền kinh tế phát triển được chỉ khi có cộng đồng doanh nghiệp nội địa mạnh, trong đó doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ đóng vai trò chủ chốt.
Đặc biệt là khi đứng trước giai đoạn phải chịu sức ép trả nợ quá lớn như hiện nay thì buộc Việt Nam phải tiếp tục đổi mới các thể chế kinh tế, tái cơ cấu hệ thống kinh tế, tái cơ cấu DNNN, đẩy mạnh phát triển khu vực tư nhân.
Vấn đề thứ hai cũng mang tính quyết định, theo vị Đại biểu Quốc hội đoàn Lạng Sơn là việc sử dụng vốn đầu tư làm sao phải đảm bảo thật sự hiệu quả và đầu tư phải tạo được sức lan tỏa, thúc đẩy được nền kinh tế phát triển.
Các dự án đầu tư cả cũ lẫn mới đều phải đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn cao nhất, khả năng thu hồi vốn nhanh nhất, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư trong nước và cả nguồn vốn vay ODA. Đó là nhiệm vụ bất khả thi, là yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay.
Ngoài ra, tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, nhiều dự án nghìn tỷ bị đội vốn, kéo dài thời gian, không đem lại hiệu quả, không thu hồi được vốn hoặc có những dự án đầu tư xong nhưng khi đưa vào sử dụng cũng phát huy được hiệu quả gây lãng phí, thất thoát phải chấm dứt ngay trong thời gian tới.
"Trong các phiên thảo luận tới đây các đại biểu Quốc hội chắc cũng sẽ nêu vấn đề này ra, đó là vấn đề bức xúc không chỉ với Quốc hội mà còn là bức xúc của cả cử tri, của nhân dân cả nước.
Chúng tôi cũng như nhân dân, cử tri mong muốn Chính phủ có câu trả lời thỏa đáng về những dự án đầu tư nhưng không hiệu quả, hoặc đắp chiếu như đã phản ánh thời gian qua", ông Thành cho biết thêm.
Ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng, chính tình trạng trên đã đặt ra cho chúng ta một áp lực rất lớn về yêu cầu cải cách thể chế, cải cách nền kinh tế, cải cách các chế định tài chính, đặc biệt cải cách trong công tác quản lý về vấn đề sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới.
"Giải quyết bài toán tài chính để trả nợ, đầu tư và chi tiêu là thách thức rất lớn đối với Chính phủ, Quốc hội nhiệm kỳ này cũng như các nhiệm kỳ tiếp theo", ông Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Thành cũng lưu ý rằng, vấn đề thực hành tiết kiệm cũng phải đặt ra với tất cả các dự án lãng phí, thất thoát cần phải được cắt giảm. Cái gì ưu tiên trước, cái gì ưu tiên sau, cái gì không hiệu quả phải cắt bỏ.
Kể cả những hoạt động hành chính không hiệu quả cũng cần cắt bỏ, tiết giảm. Đó là bài toán sử dụng, cân đối thu - chi ngân sách mà Quốc hội phải làm.
Hoàng Lan