Ngày 20/10, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống đã tổ chức họp tại TP.Hồ Chí Minh, nhất trí sẽ kiến nghị các Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và có thể cả Bộ Công an vào cuộc iều tra, làm rõ thông tin nước mắm truyền thống nhiễm asen mà Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố.
Yêu cầu làm rõ trách nhiệm của VINATAS
Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết cho biết, thông tin nước mắm nhiễm asen mà VINATAS công bố là không rõ ràng, dễ gây hoang mang cho người tiêu dùng. Asen trong nước mắm truyền thống là asen hữu cơ, không gây độc hại cho người sử dụng, trong thông tin của VINATAS cũng nói đến điều này.
Tuy nhiên, việc tiến hành xét nghiệm, công bố một thông tin như vậy là có nhiều uẩn khúc, nên Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc, Cát Hải (Hải Phòng) cùng các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đi đến thống nhất sẽ gửi kiến nghị lên các bộ, yêu cầu làm rõ vấn đề để tránh gây hoang mang dư luận.
Ngoài ra, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống cũng sẽ kiến nghị cần phải rõ ràng trong tên gọi các sản phẩm nước mắm hiện nay, sản phẩm chỉ có thể được gọi là nước mắm khi độ đạm trên 10%, dưới mức này chỉ có thể là nước chấm. Nhiều loại nước chấm trên thị trường hiện nay bỏ qua quy định này, bán nước chấm mà gọi là nước mắm khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Đại diện một nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc có mặt trong buổi họp cho biết thêm, VINATAS lấy căn cứ khảo sát này dựa trên quy chuẩn quốc gia 82/2011 của Bộ Y tế, nhưng quy chuẩn này quy định hàm lượng asen trong nước chấm chứ không phải nước mắm, mà nước chấm mới là sản phẩm có nguy cơ chứa asen vô cơ nhiều hơn. Vì vậy, các nhà sản xuất cũng kiến nghị Bộ Y tế cần làm rõ nước mắm có bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn đó hay không.
Ông Nguyễn Huy Tiến cho biết thêm, trước khi có kết quả xét nghiệm, VINATAS cũng không liên hệ với Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết và các hiệp hội nước mắm khác để thông báo tiến hành khảo sát hay lấy mẫu xét nghiệm, nên khi có thông tin, đã gây bất lợi cho các nhà sản xuất nước mắm truyền thống. “Có thông tin cho rằng VINATAS nhận tiền của các nhà tài trợ để tiến hành khảo sát và công bố kết quả. Tôi không thể khẳng định được vì nó thuộc phạm vi điều tra của các cơ quan liên quan”, ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân thực phẩm Hạnh Phúc cho biết, lần đầu tiên các hiệp hội, các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ngồi với nhau và quyết liệt yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ những quy định, cũng như trách nhiệm của VINATAS trong vụ việc này.
Hầu hết các đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống cho biết, hiện họ chưa thể thống kê được mức độ thiệt hại do thông tin nước mắm nhiễm asen mà VINATAS công bố, nhưng họ lo sợ thông tin méo mó này ảnh hưởng lâu dài do tâm lý của người tiêu dùng.
VINASTAS có vô tư?
Người ta có quyền đặt câu hỏi mục đích của việc công bố này là gì? Liệu có lợi ích nhóm hay VINASTAS đã lạm quyền? Cơ quan chức năng ở đâu, sao lại quá chậm chạp trong việc xử lý khủng hoảng giữa thời buổi thông tin nhanh như tên bắn này?
Vì asen bao gồm hữu cơ và vô cơ, trong đó asen hữu cơ không độc hại, nên VINASTAS tiếp tục lấy 20 mẫu của 101 mẫu có hàm lượng asen vượt ngưỡng để kiểm định ở hai phòng thử nghiệm là Viện Y tế công cộng TP.HCM và Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng 3. Kết quả không phát hiện asen vô cơ, chứng tỏ đây là asen hữu cơ. Điều này cho thấy, những người làm công tác bảo vệ người tiêu dùng có sự hiểu biết và khá thận trọng khi cho phân tích lần hai để đảm bảo toàn bộ nước mắm khảo sát là an toàn.
Nhưng cớ gì VINASTAS tổ chức cuộc họp báo để công bố kết quả “không có gì để nói” với một thông cáo báo chí chẳng ăn nhập với thông tin liên quan? Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký VINASTAS, phụ trách cuộc khảo sát này nói rằng, Hội đã thông báo rõ là asen hữu cơ không gây độc, còn trách nhiệm của truyền thông là đưa đúng như mục đích của Hội cho cuộc họp này!
Theo đó, với nhiệm vụ và quyền hạn của Hội, việc khảo sát nhằm mục đích đưa thông tin đến người tiêu dùng một cách đầy đủ về chất lượng, thành phần dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm của nước mắm hiện nay. Thông qua đó, góp tiếng nói đến cơ quan quản lý xem xét, bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh thực phẩm về nước mắm.
Thực tế, tiêu chuẩn TCVN 5107: 2003 công bố từ năm 2003 đến nay chưa thay đổi, trong khi theo quy định 5 năm xem xét một lần, và cũng chưa có TCVN về nước mắm. Cơ quan quản lý không có cơ sở để quy định hàm lượng asen cho đúng, nên thông số hàm lượng asen hiện nay rất chung chung.
Vậy thì, người tiêu dùng có được thông tin gì từ công bố vô thưởng vô phạt này? Doanh nghiệp (DN) nào sẽ “rung đùi” vì mình không bị nêu tên? Đại diện VINASTAS cho rằng, nếu có DN vi phạm liên quan đến công bố thì đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, còn Hội khảo sát hoàn toàn độc lập trên tinh thần công tâm.
Ông Vương Ngọc Tuấn nói rằng, Hội đã làm đúng theo điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi công bố, đồng thời đến thời điểm hiện nay (ba ngày sau họp báo) chưa có DN nào trực tiếp phản hồi đến Hội về những thông tin công bố.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) cho biết, Hội có quyền lấy mẫu kiểm tra nhưng phải theo trình tự và đúng luật. Nghĩa là phải có sự giám sát của các đương sự, đương đơn và cơ quan chức năng. Khi có kết quả, đơn vị có quyền hạn khảo sát phải có nhiệm vụ thông báo cho DN biết trước khi công bố. Nếu DN nào không ký xác nhận vào quá trình lấy mẫu thì trách nhiệm đó thuộc về DN.
Cụ thể, trong trường hợp này, nếu như Hội không thông báo mà tự đi thực hiện thì DN có thể chứng minh ngược lại công nghệ, sản phẩm của họ hoàn toàn không có vấn đề, DN có quyền khởi kiện những số liệu có thể gây thiệt hại cho họ. Cũng cần nói thêm, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể thực hiện khảo sát độc lập nhưng phải làm đúng luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đăng Thư - Đức Phong