Khi bé cưng của bạn nhất định không chịu ngủ, chắc hẳn bạn đã phải lôi hết “vũ khí bí mật” của mình ra để dỗ con ngủ ngoan đúng không? Nhưng đôi khi những điều tưởng chừng như vừa đúng vừa hữu ích đó lại là nguyên nhân khiến con càng lúc càng tỉnh táo hơn đấy.
Chắc chắn bạn sẽ thành “bậc thầy” ru con ngủ nếu tránh được những điều này:
1. Thức dậy cùng con quá sớm
Khi trẻ đã đến giai đoạn có thể ngủ một lèo qua đêm thì trẻ lại thường thức dậy vào khoảng 4 hay 5 giờ sáng. Và rất nhiều bậc cha mẹ đã cùng thức dậy và chơi vào giờ đấy với con, giống như tôi và con trai của mình.
Một người bạn của tôi đã khuyên rằng tôi cứ nên để mặc con mình chơi một mình cho đến khoảng 6 giờ sáng, miễn là con ở trong một không gian an toàn. Điều thần kì là sau một tuần, con trai tôi đã bắt đầu ngủ lâu hơn và có hôm cậu chàng còn ngủ một lèo đến 7 giờ sáng ấy chứ.
Rõ ràng là trẻ có thể làm quen rất nhanh với môi trường, miễn là chúng ta làm đúng cách.
2. Cha và mẹ không cùng quan điểm
Việc rèn một số thói quen cho bé khi ngủ là điều rất quan trọng và cần thiết để trẻ có thể tự giác ngủ và ngủ sâu hơn. Tuy nhiên, nếu bạn và chồng mình không cùng quan điểm thì một số rắc rối có thể xảy ra đấy.
Ví dụ như các con tôi luôn thích bố của chúng cho đi ngủ hơn vì chồng tôi nhẹ nhàng và dễ tính hơn tôi trong việc thực hiện những công việc cần thiết trước khi đi ngủ. Chỉ cần chồng tôi cho con đi ngủ một đêm thôi, thì những đêm sau đó tôi phải vô cùng chật vật mới rèn cho bọn trẻ trở về lịch sinh hoạt thường ngày được.
Không riêng gì chuyện ngủ nghê của con, tôi nghĩ rằng việc vợ chồng cùng quan điểm trong bất kì vấn đề gì là việc cực kì quan trọng.
3. Bỏ cuộc quá sớm
Tôi đã đọc ở đâu đó rằng bất kì lịch luyện ngủ nào cũng cần khoảng 2 tuần mới phát huy được tác dụng. Thiết lập thói quen tốt cho trẻ khi đi ngủ là một quá trình nan giải cần đến cực kì nhiều kĩ năng và sự kiên trì. Đừng từ bỏ lịch luyện ngủ mà bạn cho là hợp lí chỉ vì nó không có tác dụng trong 2 đêm đầu tiên. Chỉ cần kiên trì thực hiện nhất quán từ đầu đến cuối thì con bạn cuối cùng sẽ làm quen và hợp tác được thôi.
Cứ nhìn vào con trai tôi thì biết, thời gian đầu tôi đã mua cho bé một loại đồ chơi nhỏ phát ra nhạc để ở phòng ngủ của con. Vào tuần đầu tiên, tôi để món đồ chơi ấy chơi nhạc và bỏ ra ngoài cho cậu chàng ngủ. Đương nhiên là bé không chịu và gào thét ầm ĩ khắp nhà.
Tôi vẫn kiên trì thực hiện và tuần tiếp theo có vẻ khá khẩm hơn nhiều khi con chỉ còn hơi lẩm bẩm tỏ ra khó chịu một tí thôi. Đến cuối tuần thứ hai, âm nhạc đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong thói quen trước khi đi ngủ của con trai tôi. Đến giờ đi ngủ, tôi chỉ cần bật nhạc là bé sẽ tự ngủ rất ngoan.
4. Không gắn bó với một lịch luyện ngủ cụ thể nào
Khi nói đến việc đi vào giấc ngủ thì cả trẻ em và người lớn đều cần những thói quen “nhắc nhở” cơ thể rằng đã đến giờ ngủ. Có khi thói quen ấy chỉ đơn giản là ngửi mùi hương trong phòng ngủ hay thay đồ ngủ thôi.
Bạn thiết lập và áp dụng một lịch luyện ngủ cho con càng sớm thì con càng nhanh làm quen và tự ngủ rất dễ dàng. Việc làm này càng hữu ích hơn khi áp dụng được lịch luyện ngủ cả ở nhà và ở trường mẫu giáo, vì vậy, bạn có thể trao đổi với giáo viên của trẻ về việc này.
Một số bố mẹ không biết làm thế nào để ru con ngủ thường để mặc cho trẻ chơi đến khi con mệt và tự ngủ, nhưng theo tôi thì như thế không tốt bằng việc cho con một khoảng thời gian thư giãn nhẹ nhàng trước khi vào giấc ngủ.
5. Phòng ngủ không đủ tối
Tôi đã từng vật lộn và mất lòng tin với hàng loạt lịch luyện ngủ khi tôi nuôi bé gái thứ hai. Tôi không hề nhận ra rằng phòng ngủ của bé quá sáng vào buổi trưa nên con bé bị khó ngủ cho đến khi một người bạn nói với tôi.
Ngay lập tức, tôi và chồng mình đã lắp một tấm rèm tối màu và mọi chuyện lại diễn ra êm đẹp như khi tôi luyện ngủ cho con trai đầu của mình.
Ánh sáng có thể làm cho con bạn khó ngủ, kể cả khi bé ngủ rồi mà phòng quá sáng thì bé cũng có thể làm cho bé ngủ không được thoải mái. Không gian ngủ thoáng đãng và đủ tối và môi trường tốt nhất cho giấc ngủ của con người mà.
6. Ở lại trong phòng cho đến khi con ngủ say
Con gái tôi đã có một giai đoạn rất khó ngủ khi chúng tôi quyết định tách bé ngủ riêng phòng. Vì vậy, tôi thường ngồi bên cạnh con cho đến khi bé chìm sâu vào giấc ngủ. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu con bé không thức dậy vào giữa đêm và lại đòi tôi sang ngồi cùng một lần nữa.
Vì vậy, tôi rút ra kinh nghiệm rằng ở trong phòng cho đến khi con ngủ say là một thói quen sai lầm.
7. Đánh thức con từ một giấc ngủ ngắn
Theo tôi thì tốt nhất là không nên đánh thức trẻ khi không có việc gì cần thiết hay chưa đến giờ. Nếu bạn quan sát thấy trẻ vẫn đang trong trạng thái ngủ say thì tốt nhất là cứ để con ngủ thêm một lúc nữa.
8. Không gian quá yên tĩnh
Chắc hẳn bạn nghĩ rằng khi bé ngủ thì cả thế giới đều cần im lặng tuyệt đối để không đánh thức con đúng không? Sai, hoàn toàn sai đấy.
|
Cứ làm gì bạn cần làm khi trẻ ngủ thôi, chẳng sao đâu. |
Tôi cũng đã từng nghĩ như thế cho đến khi chứng kiến bạn mình dùng máy hút bụi dọn dẹp khắp nhà khi con gái cô ấy vừa mới ngủ. Tôi đã “rón rén” thử thực hiện như vậy với con mình và chẳng có chuyện gì xảy ra cả, mọi thứ vẫn rất bình yên.
Bây giờ thì lũ trẻ nhà tôi còn có thể ngủ bất chấp cả tiếng pháo hoa ấy chứ.
9. Chuyển giường quá sớm
Chuyển giường cho bé quá sớm là một điều sai lầm gây hại trực tiếp đến giấc ngủ của cả bạn và con bạn đấy. Vợ chồng tôi đã thử chuyển con gái mình sang một chiếc giường riêng để nhường chỗ cho cậu em trai sắp sinh của cô bé khi bé mới được 2 tuổi.
Và bạn biết điều gì đã xảy ra không? Con bé đã la hét, đập phá hết tất cả mọi thứ nó có thể. Đó là một đêm ác mộng ám ảnh tôi đến tận bây giờ.
Hãy nhớ rằng, trước khi tròn 3 tuổi thì nhiều trẻ em không đủ tự chủ và can đảm để ngủ riêng giường đâu.
Khánh Linh