“Có thể học được kỹ năng kiến tạo hạnh phúc không?"

03/04/2023 - 19:15

PNO - Hội nghị quốc tế chuyên đề về trường học hạnh phúc lần thứ nhất với chủ đề “Có thể học được kỹ năng kiến tạo hạnh phúc không?" khai mạc vào chiều 3/4 tại TP Huế.

Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp cùng Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế tổ chức trong 4 ngày (từ 3-6/4) tại Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Chương trình sẽ chia sẻ với nhiều chủ đề bao gồm: sức khỏe tâm thần, giáo dục cảm xúc xã hội, hành trình đến với sự an lạc và hạnh phúc, phát triển các kỹ năng hạnh phúc…

Lồng ghép kỹ năng sống trong việc triển khai trường học hạnh phúc
Kỹ năng sống là một trong những chuyên đề tại trường học hạnh phúc

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc vui mừng khi các đại biểu, chuyên gia, trong và ngoài nước, giáo viên quan tâm chủ đề trường học hạnh phúc. Đồng thời khẳng định, để xây dựng trường học hạnh phúc cần có cả một quá trình và cần sự đồng hành, chung tay từ nhiều phía. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT mong muốn, những chia sẻ và kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả không chỉ đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam trong việc xây dựng trường học hạnh phúc mà còn đóng góp cho cả thế giới. 

Các hoạt động ngoại tăng cường kỹ năng sống cho trẻ là một trong những nội dung được triển khai ở chương trình trường hocn hạnh phúc
Trường học hạnh phúc triển khai các hoạt động ngoại khóa tăng cường kỹ năng sống cho trẻ 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: “Mô hình giáo dục hiện nay đang ứng phó với bối cảnh của hôm qua, và để có thể tự tin đối diện tương lai, chúng ta cần tư duy lại về vai trò, phương pháp và chức năng của giáo dục, để có thể trang bị cho thế hệ trẻ các kỹ năng và năng lực cần thiết nhằm đáp ứng những thách thức này”.

    Học sinh vẽ trang trí cho không gian triển lãm của trường học hạnh phúc
Học sinh vẽ trang trí cho không gian triển lãm của trường học hạnh phúc

Từ năm 2014, dự án Trường học hạnh phúc được UNESCO đề xướng nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện sự an lạc và phát triển toàn diện của người học trong nhà trường. Năm 2018, với sự nỗ lực kết nối của các chuyên gia, dự án hợp tác giữa Học viện Eurasia vì hạnh phúc và an lạc (ELI) - Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế - Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế chính thức được khởi tạo nhằm xây dựng thí điểm mô hình trường học hạnh phúc tại một số trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tại Thừa Thiên Huế.

Học sinh rất thích thú khi được tham quan trải nghiệp và sinh hoạt tập thể tại các điểm di tích Huế
Các em học sinh vô cùng hào hứng khi được tham quan trải nghiệm và sinh hoạt tập thể tại các điểm di tích Huế

PGS.TS Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường đại học sư phạm, Đại học Huế - cho rằng, dự án Trường học hạnh phúc đã và đang giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề mà giáo dục phải đối mặt trong một "thời đại đầy biến động và hàng ngày phải chứng kiến những gãy vỡ về mối quan hệ trong đời sống gia đình, xã hội". Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh dấu hoàn thành giai đoạn thí điểm của chương trình Trường học hạnh phúc tại Thừa Thiên Huế, công bố các bài học và báo cáo đánh giá của Đại học Sư phạm Huế, Đại học Huế. Đồng thời thiết lập mạng lưới quốc tế gồm các nhà khoa học và những người thực hành, nhằm hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau để tiếp tục phát triển dự án Trường học hạnh phúc tại Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và các đại biểu, chuyên gia, khách mời chụp ảnh kỷ niệm tại hội nghị
Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và các đại biểu, chuyên gia, khách mời chụp ảnh kỷ niệm 

Trường học hạnh phúc hướng tới hình thành các giá trị cốt lõi, đó là: sự yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên và người học đều được nói lên suy nghĩ của mình. Đây là nơi có điều kiện để đổi mới sáng tạo, phát huy hết năng lực của mỗi cá nhân và ở môi trường này, tất cả thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học như gia đình.

UNESCO đã xác định rằng hạnh phúc của trẻ em và học sinh là ưu tiên quan trọng cho tất cả các nước thành viên. Tập trung vào sự an lạc của giáo viên và học sinh là một bước tiến mạnh mẽ hướng đến việc tái tư duy về hệ thống giáo dục.

Trong những năm học qua, dự án Trường học hạnh phúc ở Thừa Thiên Huế đã thực hiện chương trình đào tạo giáo viên và hỗ trợ quá trình triển khai thí điểm từ lớp 1 đến lớp 12. Hội nghị lần này sẽ tập trung vào các "kỹ năng hạnh phúc” trong giáo dục, đó là: sự chú tâm, học tập cảm xúc - xã hội, trí tuệ cảm xúc và giáo dục hướng tới bền vững. 

Thuận Hóa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI