Có thể hỗ trợ người dân mua pin lưu trữ

10/06/2024 - 06:21

PNO - giải pháp có thể giúp hài hòa lợi ích của các bên chính là lắp đặt pin lưu trữ cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và Bộ Công Thương nên đề xuất với Chính phủ để có những cơ chế khuyến khích cho loại hình này.

Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh

Giải pháp có thể giúp các hộ gia đình lẫn ngành điện hưởng lợi khi đầu tư điện mái nhà là lắp đặt pin lưu trữ cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Bộ Công Thương nên đề xuất với Chính phủ để có những chính sách khuyến khích loại hình này.

Năm 2017, để khuyến khích năng lượng tái tạo, Chính phủ đã có chính sách mua lại điện mặt trời mái nhà do người dân đầu tư với mức giá ưu đãi (giá FIT) 9,35 cent/kWh, sau đó giảm xuống 8,38 cent/kWh theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.

Lúc đầu, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch khuyến khích phát triển điện mặt trời theo cơ chế bù trừ (net-metering). Theo đó, các hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ được lắp đặt với mục đích chính là phục vụ nhu cầu tự dùng của hộ gia đình, phần dư thừa sẽ được bù trừ vào phần điện mà người dân đã sử dụng của ngành điện; chỉ khi bù trừ đã hết vào phần điện của ngành điện lực mà còn dư ra thì mới bán lại cho hệ thống lưới điện.

Tuy nhiên, tới đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 02/2019/QĐ-TTg điều chỉnh lại cơ chế bù trừ áp dụng cho điện mặt trời mái nhà. Theo đó, người dân vừa sử dụng điện mặt trời, vừa sử dụng nguồn điện của ngành điện lực, phần điện mặt trời dư ra thì đem bán.

Với quy định mới này, nhiều hộ đã đua nhau lắp đặt điện mặt trời để bán điện cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), dẫn đến mục tiêu thúc đẩy sử dụng điện mặt trời bị méo mó, không đúng bản chất. Theo số liệu từ EVN, tính đến ngày 31/12/2020 - thời điểm chính sách giá FIT hết hiệu lực - cả nước có khoảng 101.029 công trình loại này được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt 9.296MW, có thể dẫn tới tình trạng mất an toàn hệ thống.

Để kiềm chế tình trạng lắp điện mặt trời với mục đích mua bán điện, ngành điện lực đưa ra yêu cầu: người dân muốn bán điện phải khai báo thuế, có giấy phép bán điện, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy… Nhưng việc thu mua điện mặt trời tiếp tục gây ra nhiều lúng túng về quản lý thuế, hóa đơn, chứng từ. Do đó, trong dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà do Bộ Công Thương soạn mới đây, bộ này đề xuất không mua bán điện đối với điện mặt trời mái nhà.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải nhằm phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân và doanh nghiệp chứ không phải là để bán điện cho EVN. Khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà, người dân sẽ không phải trả tiền điện ở các bậc thang giá cao, doanh nghiệp chủ động được một phần nguồn điện cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng xanh, tái tạo.

Tuy nhiên, nếu tỉ trọng công suất điện mặt trời mái nhà quá cao mà không có kiểm soát thì vẫn có nguy cơ gây tác động ngược tới lưới điện phân phối, gây mất an toàn hệ thống điện.

Cho nên, giải pháp có thể giúp hài hòa lợi ích của các bên chính là lắp đặt pin lưu trữ cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và Bộ Công Thương nên đề xuất với Chính phủ để có những cơ chế khuyến khích cho loại hình này.

Trong dự thảo nghị định, bộ có đề cập đến nội dung lắp pin lưu trữ nhưng lại chưa làm rõ các tiêu chí kỹ thuật, như quy mô lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà có pin lưu trữ như thế nào là phù hợp, đảm bảo an toàn cho cả hệ thống. Bộ Công Thương phải đưa ra quy định này.

Hiện nay, nhiều ngân hàng có chương trình cho vay cá nhân và doanh nghiệp để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với lãi suất 10%/năm nhưng trên thực tế, các thủ tục vẫn rất phức tạp. Do đó, để người dân có động lực lắp đặt điện mặt trời, Chính phủ nên có những chính sách ưu đãi về tài chính, như giảm lãi suất, giảm điều kiện thẩm định, kéo dài thời gian cho vay, trợ giá pin…

Nhiệm vụ chính của Bộ Công Thương khi soạn dự thảo nghị định về điện mái nhà là đưa ra các quy định về kỹ thuật cũng như đề xuất các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích. Còn để các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích này khả thi và áp dụng được thì phải có sự vào cuộc của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan chứ không thể nói chung chung “đề nghị các bộ, ngành tham gia” hoặc giao hết cho Bộ Công Thương tự xử lý, thực hiện.

Thanh Hoa (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI