Có thể gọi đó là tội ác…

01/04/2022 - 06:36

PNO - Mất ăn, mất ngủ, lo lắng, trầm cảm, ám ảnh cưỡng chế, không dám đi học, đi làm, xấu hổ với mọi người, sa ngã vào các tệ nạn xã hội như mại dâm, sử dụng chất ma túy, hiếp dâm, trộm cắp, thậm chí có những trường hợp tự sát… là các hậu quả mà nạn sàm sỡ có thể gây ra cho các nạn nhân.

Cô gái gần 20 tuổi mới đây đã ngậm ngùi kể cho người thân về tuổi lên bốn, lên năm của mình. Ngày ấy, buổi trưa, bọn trẻ trong xóm thường trốn ngủ, chạy chơi trốn tìm với nhau. Một trưa như thế, cô bé thấy có một người đàn ông kè theo cô. Khi thấy cô trốn bạn sau đống gạch, người đàn ông đó bế cô đặt lên một lốc gạch ở trên cao rồi thò tay vào vùng kín của cô. 

Nạn sàm sỡ có thể gây ra hậu quả lâu dài cho các nạn nhân
Nạn sàm sỡ có thể gây ra hậu quả lâu dài cho các nạn nhân

Cô bé thậm chí còn không biết được hành vi đó có nghĩa là gì. Và dù rất sợ, cô bé cũng không dám gọi mấy đứa bạn cùng chơi chung đến cứu mình. Rất may là bọn trẻ con đã nhanh chóng tìm ra người đi trốn. Và người đàn ông đó vội vàng lảng đi. Những buổi trưa sau, nhìn thấy người đàn ông ấy, cô bé liền ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Trò chơi tuổi thơ dần thưa vắng, nhưng nỗi sợ thì không hề vơi theo tháng năm…

Hơn 30 năm trước, khi những con phố Sài Gòn còn thưa thớt người vào giờ thấp điểm, một nữ sinh viên đại học cũng đã bị một kẻ chạy xe máy kè theo xe đạp của cô từ nhà đến trường. Suốt quãng đường dài đó, hắn liên tục dùng những lời lẽ khiếm nhã ném về phía cô. Thậm chí, hắn còn “khoe của” trước sự hoảng hốt của cô gái. 

Đường vắng, cô sinh viên thì đi xe đạp, người đàn ông kia lại chạy xe máy nên nạn nhân không thể chạy thoát thân. Không có cách nào khác, cô tấp vào cổng bảo vệ của một cơ quan ven đường, nhờ người bảo vệ can thiệp giúp. Thấy vậy, kẻ xấu chạy xe đi. Cô sinh viên phải đứng chờ một lúc lâu, mới hoàn hồn để chạy xe tới trường. 

Những nữ phóng viên trẻ mới vào nghề thường phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau. Họ cũng đối mặt với những biểu hiện sàm sỡ ở nhiều mức độ: có khi là một ánh mắt thô thiển, những lời cợt nhả, đôi lúc là một cái bắt tay bất thường, lắm khi là những cái ôm làm ra vẻ thân ái vô tư… 

Những câu chuyện như thế xảy ra hằng ngày. Nhiều người có vẻ xem đó là chuyện thường, không mấy quan trọng… Nhưng, những câu chuyện ấy đã sống dai dẳng và gây hoảng sợ cho nạn nhân đến nhiều năm sau. Bằng chứng là nạn nhân còn mang cảm giác mất niềm tin, cảnh giác thái quá, sợ hãi… đối với đàn ông, không dám đi một mình, nhất là trên đường vắng và khi trời tối. 

Mất ăn, mất ngủ, lo lắng, trầm cảm, ám ảnh cưỡng chế, không dám đi học, đi làm, xấu hổ với mọi người, sa ngã vào các tệ nạn xã hội như mại dâm, sử dụng chất ma túy, hiếp dâm, trộm cắp, thậm chí có những trường hợp tự sát… là các hậu quả mà nạn sàm sỡ có thể gây ra cho các nạn nhân.

Nữ sinh viên TPHCM bị sàm sỡ trên xe buýt trong thời gian qua là câu chuyện không hề mới và càng không hiếm gặp. Chúng ta cũng chưa thể quên vụ bé gái bị một cựu quan chức ngành tư pháp “nựng” trong thang máy. Rất may là camera đã giúp công lý khép thủ phạm vào một mức án tương đối thỏa đáng.

Và, vẫn còn đó sự bất bình đối với một hành vi “cưỡng hôn” trong thang máy một tòa chung cư ở Hà Nội mà kẻ gây ra hành vi đó chỉ bị phạt 200.000 đồng. 

Năm 2018, một nữ chuyên viên Phòng Tài chính Kế hoạch của H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bị đồng nghiệp ôm, giữ, hôn, cắn vào môi, dùng tay sờ vào các vùng “nhạy cảm”. Thời điểm đó, cơ quan công an kết luận, hành vi “không đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm”. Cơ quan chức năng cũng chỉ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng. Vấn đề nằm ở chỗ, rất khó thu thập đủ chứng cứ để tố cáo thủ phạm.

Trong năm 2021, báo chí Hàn Quốc đưa tin về hai trường hợp nữ binh sĩ Hàn Quốc đã tìm đến cái chết do tố cáo nam đồng nghiệp quấy rối tình dục nhưng không được giải quyết. 

Và chúng ta vẫn còn ám ảnh về cái chết của cô bé 13 tuổi ở tỉnh Cà Mau. Bé mới học lớp Năm, đã chọn cách ra đi khi vụ tố cáo của em và gia đình về hành vi xâm hại của người hàng xóm vẫn chưa có câu trả lời.

Đã đến lúc phải có sự nhận thức lại về hệ quả của hành vi sàm sỡ đối với cá nhân các nạn nhân và với toàn xã hội. Các nạn nhân (hiện không chỉ là phái nữ nữa) cần được nhận rõ các nguy cơ đối với bản thân từ trường học, công sở đến những điểm công cộng khác. Các nạn nhân ít nhất phải biết phản kháng và lên tiếng kêu gọi sự trợ giúp.

Công tác truyền thông cần nhắm đến mục tiêu cổ vũ cộng đồng dũng cảm hỗ trợ các nạn nhân chống lại, vạch trần, tố cáo các hành vi sàm sỡ. Trên tất cả các phương tiện công cộng, những chỗ đông người, cần triển khai các phương tiện giám sát hành vi của công dân để phát hiện tội phạm. Các hình thức phạt (kể cả hành chính lẫn hình sự) không thể mãi “giơ cao đánh khẽ” vì chúng khó có tác dụng răn đe hiệu quả.

Cù Thị Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI