Có thể đưa ngành game giảng dạy trong trường đại học?

18/04/2023 - 06:13

PNO - Mới đây, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đề xuất lên Bộ GD-ĐT mở ngành đào tạo mới là công nghệ game. Dự kiến, trường sẽ xin cấp phép đào tạo thí điểm ngành này trong năm nay.

Tiến sĩ Cao Minh Thắng - Phó viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - cho hay tiềm năng phát triển ngành game tại Việt Nam rất lớn, đây cũng là ngành công nghiệp có những bước phát triển nhanh và đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. 

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Việt chủ yếu đóng vai trò nhà phát hành game hơn là sản xuất, do đó tỉ trọng đóng góp cho ngành game đang không tương xứng với doanh thu.

Ông Thắng cho rằng, để ngành game phát triển, việc thiết kế và triển khai chương trình đào tạo bài bản, chính quy về game ở trình độ cao là cần thiết. Bởi lẽ, đào tạo bài bản sẽ tạo ra các chuyên gia trình độ cao, có khả năng thiết kế kịch bản và phát triển game ở các quy mô khác nhau, từ đó tạo ra những game lành mạnh và đem lại doanh thu lớn cho Việt Nam.

Nhiều thí sinh muốn học chuyên ngành về game nhưng ở Việt Nam hầu như chưa có  trường đào tạo - ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Nhiều thí sinh muốn học chuyên ngành về game nhưng ở Việt Nam hầu như chưa có trường đào tạo - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, đề xuất này cũng khiến dư luận băn khoăn, nhất là nhân lực đào tạo cũng như xây dựng chương trình làm sao để đảm bảo chất lượng… Tiến sĩ Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho hay, ngành game thế giới được triển khai khoảng hơn 20 năm nay, rất nhiều đại học trên thế giới mở chương trình đào tạo game vì nó gắn chặt với công nghệ phần mềm và là một hướng đầu ra rất được chào đón. Họ đào tạo ngành game rất rộng, thú vị, có những mảng chính theo hướng đổi mới công nghệ, sáng tạo nội dung, sáng tạo nghệ thuật… 

“Tôi cho rằng không nên mở ngành game với tư cách ngành độc lập, để phát triển bền vững nên coi game là một hướng ngành. Có thể hiểu trong một ngành công nghệ phần mềm, sẽ có một hướng sâu hơn là game” - tiến sĩ Tôn Quang Cường nhấn mạnh và cho rằng ở các trường nghệ thuật, xã hội và nhân văn cũng có những ngành nền tảng như sáng tạo nghệ thuật, quản lý dự án, thiết kế đồ họa… dựa trên đó, có định hướng cho ngành game. Đồng thời, trong công nghệ giáo dục, yếu tố game cũng phát triển mạnh. Hướng đi này có thể hiểu là: sử dụng game như trò chơi trong giáo dục, hoạt động “chơi” như là hoạt động giáo dục và “game hóa” các hoạt động giáo dục. 

Theo chuyên gia này, nên xem xét câu chuyện ngành game ở cấp độ vĩ mô. Theo đó, game là ngành công nghiệp có tính chất liên ngành, chuyên sâu, hẹp và cao; bao gồm công nghệ phần mềm, công nghệ giải trí, công nghệ sáng tạo nội dung, thậm chí có cả yếu tố nghệ thuật. Việc tổ chức đào tạo ngành game đòi hỏi đội ngũ thầy cô, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp, nhà hoạt động thực tiễn cùng phối hợp, thậm chí phải có những nghiên cứu bài bản thì mới đưa ra được phương án tổ chức đào tạo thực sự đáp ứng nhu cầu cũng như đảm bảo chất lượng và quy mô.

Về lo ngại của nhiều phụ huynh rằng mở ngành game sẽ khiến giới trẻ đam mê thái quá, vị chuyên gia cho rằng chúng ta đang đánh đồng khái niệm “game” với các hiện tượng đam mê thái quá, hiệu ứng gây nghiện, biểu hiện tiêu cực trong xã hội… Nếu chúng ta chuẩn hóa, chính thống hóa, đưa nó thành lĩnh vực đóng góp cho thị trường lao động và xã hội thì chắc chắn phụ huynh sẽ có cái nhìn khác về game. Đồng thời, những chính sách, thể chế chặt chẽ sẽ quy định những ràng buộc, giới hạn để tránh hệ lụy xã hội.

Cũng cần thay đổi tư duy và định hướng lại cho người học có cái nhìn tiến bộ hơn, hoàn chỉnh về game: coi đó là một ngành, lĩnh vực đóng góp mới cho xã hội để thu hút các nguồn lực, giải pháp và ứng dụng sản phẩm công nghệ, đáp ứng các nhu cầu đa dạng hiện nay… 

Cơ hội việc làm và tương lai ngành game ở Việt Nam 

Theo tiến sĩ Tôn Quang Cường, cơ hội việc làm ngành game là rộng mở vì ngành này đang rất hot theo xu thế của phát triển phần mềm. 

Nếu đưa vào giảng dạy, điều tôi băn khoăn là đội ngũ giảng viên, các nhà làm phần mềm, nhà làm kinh tế công nghệ phải có tư duy phát triển game thành sản phẩm thương mại hóa được, đáp ứng yêu cầu giáo dục cụ thể.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI