Có thể cộng, sao chỉ biết trừ?

28/03/2025 - 18:08

PNO - Tôi không tin trên đời lại có người chẳng có lấy một điểm cộng, chỉ toàn điểm trừ. Nhất định phải có cái gì đó để cộng; nếu không có thì vấn đề nằm ở chỗ chính chúng ta không nhìn thấy hoặc không muốn thấy.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

“Mình lấy nhau làm gì hả anh? Chị đã nói với chồng như thế đó” - giọng chị kể đều đều. Tôi tưởng mình vừa xem một cảnh phim quen thuộc, quen đến nỗi có lẽ sẽ lướt qua mắt người xem như nước chảy qua ghềnh đá. Cảnh của nhiều năm xa, nhiều năm nay và còn không ít những năm của ngày sau.

Bỗng nhiên tôi nhớ đến những lúc chơi lego cùng con trai. Hơn 1 lần tôi bị con giận vì đã vội vàng lắp 1 mảnh “gần giống” để đi làm việc khác. Những mảnh lego khác hẳn nhau thì có gì là khó, nhìn bằng mắt thường thôi cũng phân biệt được. Với những trò càng phức tạp thì càng có vô số những mảnh ngỡ y hệt nhau nhưng vẫn khác nhau. Người chơi không say mê, không đủ kiên nhẫn, không quan sát, không đặt toàn tâm toàn ý làm sao hoàn thành?

Hôn nhân giống như trò chơi lego của con trẻ. Tôi tự hỏi chúng ta, cả đàn ông lẫn đàn bà, đã bước vào và ở lại cuộc hôn nhân của mình bằng tâm thế nào. Có phải chúng ta đã đánh mất trái tim trẻ thơ, thay vào đó là cái đầu của sự toan tính, thiếu niềm say mê để chơi trò chơi lớn nhất đời người? Bước vào hôn nhân, cùng với niềm say mê và yêu thương, mình cũng đánh rơi luôn sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn lắng nghe. Kiên nhẫn sửa chữa. Kiên nhẫn làm lại. Để rồi có lúc lại tự hỏi: “Mình lấy nhau để làm gì?”. Phải chăng ta không chơi trò chơi lớn nhất, quan trọng nhất đời mình bằng trái tim thơ trẻ? Ta tính nhiều quá: thời gian bỏ ra, công sức, tình cảm, đường tiến, đường lùi…

Thời bây giờ, chúng ta lấy nhau ắt hẳn đa phần đều vì yêu thương. Nửa kia của ta vẫn còn đó thôi nhưng ai rồi cũng trải nghiệm, cũng lớn và sẽ khác. Vậy có phải vì khác nhau mà không còn mê, không còn yêu nhau nữa? Thật tình tôi cũng không trả lời được câu hỏi đó. Chỉ biết rằng hình như để đánh rơi tình yêu, không phải 1 ngày và nhất định không phải lỗi từ 1 người. Làm gì có bàn tay nào giữ được nắm cát trên cao!

Có lẽ chị tôi suốt đời quẩn quanh ngồi tính mãi một phép trừ. Chị trừ thanh xuân, trừ thời gian. Chị trừ những mang nặng đẻ đau, những sai lầm, những vô tình cố ý… Không lẽ gần 30 năm ở cùng nhau, anh rể tôi không lần nào để chị có thể thực hiện một phép tính cộng? Tôi không tin trên đời lại có người chẳng có lấy một điểm cộng, chỉ toàn điểm trừ. Nhất định phải có cái gì đó để cộng; nếu không có thì vấn đề nằm ở chỗ chính chúng ta không nhìn thấy hoặc không muốn thấy. Ta chỉ bận thấy mình! Tôi muốn hỏi chị mình sao có thể cộng mà cứ chăm chăm ôm phép tính trừ?

Có những ca từ suốt một thời trẻ dại nghêu ngao nhưng chỉ khi trưởng thành mới hiểu thấu, như “Em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh...” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng - Trịnh Công Sơn).

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI