Các nhà giáo dục đều công nhận rằng không phải cơ sở vật chất xịn hay giáo trình tốt nhất mà chính người thầy tốt mới là nhân tố quan trọng giúp người học thành công.
Không phải dịch vụ giáo dục, người thầy ảnh hưởng lớn đến học trò
Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam cho biết: Ở môi trường đại học sẽ chú trọng tiêu chí nghiên cứu. Nhưng tại Fulbright thời điểm này và tương lai gần sẽ chọn giảng viên có sự say mê dạy học. "Tình yêu với sinh viên và sự say mê giảng dạy của một giảng viên quan trọng hơn là những thành công về nghiên cứu khoa học", bà Thủy nói.
Bà dẫn chứng một cuộc khảo sát uy tín phỏng vấn 100 người thành công nhất, họ chia sẻ nhiều yếu tố nhưng có một điểm chung nhiều nhất đó là hai người có ảnh hưởng đến sự thành công của họ nhất. Một là người thầy thực sự quan tâm đến cuộc đời, sự nghiệp người học và người còn lại là một người hướng dẫn đồng hành trong những năm đại học.
|
Bà Đàm Bích Thủy |
Để thực hiện được điều này thì trường phải sắp xếp thời gian biểu để giảng viên có thời gian trao đổi cùng sinh viên. Tại Đại học Fulbright Việt Nam luôn có 2-3 tiếng mỗi ngày để giảng viên tiếp sinh viên. Đôi khi các em không hỏi thầy cô về học thuật mà chia sẻ những băn khoăn về cuộc sống…
TS Nguyễn Chí Hiếu còn nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò người thầy chiếm đến 70% sự thành bại của quá trình giáo dục. "Sau nhiều năm nghiên cứu về giáo dục, tôi đúc kết ra rằng trong rất nhiều yếu tố như chương trình học, cơ sở vật chất, kỷ luật học đường, người thầy vẫn đóng vai trò quan trọng, ít nhất là 70% sự thành công của học sinh", ông nói
TS Nguyễn Quốc Toàn, Tổng giáo đốc Tập đoàn giáo dục Equest, Mỹ cũng khẳng định sự thành công của các cách học mới như tích hợp, trực tuyến, ứng dụng... đến từ người thầy. Bởi họ sở hữu khả năng nâng đỡ, nuôi dưỡng và thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến người học.
|
TS Nguyễn Quốc Toàn: Muốn dạy học sinh trước hết phải "dạy" phụ huynh |
"Đừng nhìn những người làm giáo dục như những cỗ máy, họ không chỉ là những người cung cấp dịch vụ là những người mang đến cảm xúc, đam mê và sự tin tưởng cho học sinh", ông Toàn nói. Công việc của giáo viên là chia sẻ, gửi phản hồi liên tục đến người học, đưa ra các cách học tối ưu và tiết kiệm thời gian nhất.
Chất lượng giáo viên là “nút thắt cổ chai” của giáo dục VN
TS Giáp Văn Dương, đồng sáng lập Vietschool và GiapGroup, cho rằng chất lượng giáo viên đang là "nút thắt cổ chai" của giáo dục Việt Nam. "Vấn đề của giáo dục Việt nam là chất lượng giáo viên chứ không phải chủ trương, chiến lược không bắt kịp thế giới. Giáo viên không theo kịp được cải cách dẫn đến nhiều cải cách giáo dục thất bại", ông Dương nói.
|
Chất lượng giáo viên đang là nút thắt cổ chai của giáo dục VN |
Nhiều người cho rằng đào tạo giáo viên ở trường sư phạm đang có vấn đề. Thêm vào đó, thầy cô phải làm những việc linh tinh liên quan đến dịch vụ giáo dục khiến chất lượng giáo viên VN đang… đi xuống một cách bền vững.
TS Nguyễn Chí Hiếu dẫn chứng: Ngay cả khi đi dạy học, 70% thời gian của nhiều giáo viên chỉ để làm sổ sách, báo cáo, phản hồi thông tin với phụ huynh. Họ không có thời gian nâng cao kiến thức, chuyên môn của mình, dẫn đến chất lượng giáo viên đi xuống. Mỗi tuần trung bình giáo viên sẽ dạy 18 giờ, có người dạy tăng tiết lên đến 25-30 giờ/tuần. Một ngày họ sẽ dạy từ 7 giờ 30 đến 17 giờ. Sau đó về nhà tiếp tục phục vụ những việc vặt không tên để phục vụ cho dịch vụ giáo dục. Lấy thời gian đâu soạn giáo án, chấm bài học trò và nâng cao bản thân?
"Tôi làm ở hội đồng quản lý chất lượng giáo viên của nhiều nhà trường, nhận thấy rằng số giáo viên có tài và tâm rất ít, thường dưới 50%. Nói ra có vẻ khó tin nhưng nhiều trường sẵn sàng đầu tư 2-3 tỷ đồng làm truyền thông nhưng đề nghị bỏ 200-300 triệu bồi dưỡng cho hàng trăm giáo viên trong một năm thì họ chê đắt. Nhất là trường tư, tập trung phát triển dịch vụ giáo dục nhưng lại bỏ ngỏ chất lượng", ông Hiếu cho biết.
|
Nhiều trường chỉ chú trọng dịch vụ giáo dục mà bỏ ngỏ phát triển người thầy |
Theo TS Hiếu, muốn thay đổi chất lượng giáo viên, trước hết phải thay đổi được thời gian làm việc. Mặt khác, để một giáo viên có kiến thức dạy học sinh về khoa học, tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, phải mất ít nhất 5 năm đào tạo. Nhưng thực tế hiện nay, các trường chỉ dồn vào 1 tuần bồi dưỡng giáo viên vào tháng Bảy hằng năm. Nếu không chú trọng phát triển người thầy sẽ khó long phát triển giáo dục.
Để việc học trở nên hiệu quả hơn, giáo viên cần được giải thoát khỏi những lo toan thường nhật, bớt làm những công việc đơn điệu, mất thời gian. Tính trung bình, hơn 80% thời gian của giáo viên phải làm những việc “không hiệu quả” như cập nhật thông tin, soạn bài, chấm bài, viết báo cáo, nhận xét. Vậy thời gian chính của giáo viên nên làm gì? Họ nên hoàn thiện trình độ chuyên môn, học những phương pháp dạy hiệu quả nhất, giúp cá nhân hoá việc học của từng học sinh bằng cách phản hồi kịp thời, tác động đến những chỗ yếu nhất trong kiến thức của từng bạn, thay vì dạy kiểu “đồng nhất” cho tất các bạn trong một lớp. Quan trọng hơn nữa: giáo viên nên hưởng thụ cuộc sống cá nhân của chính mình. Lớp học không thể hiệu quả, trường học không thể là nơi đáng học nếu những người giáo viên không hạnh phúc, Khi được giải phóng khỏi những việc thường nhật, vô ích, giáo viên có thể tập trung làm một việc cực kỳ quan trọng là truyền cảm hứng cho học sinh. TS Nguyễn Quốc Toàn |
Tiêu Hà