Tổ chức y tế thế giới (WHO) quyết định chọn tuần 14-20/11/2016 làm tuần nhận thức thuốc kháng sinh thế giới. Thuốc kháng sinh là công cụ chữa bệnh nhiễm khuẩn hữu hiệu, nhưng nó cũng là “con dao hai lưỡi”; nếu lạm dụng, sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc ngày càng trầm trọng, đe dọa tính mạng.
Theo Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), kháng thuốc kháng sinh là nói đến khả năng của vi khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh dạng vi khuẩn kháng lại hiệu quả của thuốc kháng sinh. Kháng thuốc kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thay đổi theo một cách mới để làm giảm hoặc loại bỏ hiệu quả của thuốc, hóa chất...
Một khi kháng thuốc, vi khuẩn không chết mà vẫn tồn tại và tiếp tục nhân lên, gây ra nhiều tác hại khác. Kháng thuốc kháng sinh hiện là mối quan tâm nan giải của cộng đồng thế giới, bởi nó gây ra những dòng khuẩn nguy hiểm hơn làm cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn, khó chữa trị hơn, đặc biệt là cho người già, trẻ em, những người có sức khỏe hệ miễn dịch yếu.
|
Kháng thuốc nay đã trở thành “mối đe dọa toàn cầu” - ẢNH: BBC HEALTH |
Dịp này, WHO dẫn ra một số trường hợp kháng thuốc tiêu biểu, là những câu chuyện thật về hậu quả lạm dụng thuốc kháng sinh. Matthew Ames, một người cha 39 tuổi của bốn đứa trẻ ở Australia, từ chứng đau rát họng (streptococcus) ban đầu đã biến thành căn bệnh kháng thuốc đe dọa tính mạng.
Các bác sĩ chẩn đoán anh bị kháng thuốc kháng sinh. Cơ thể của anh bị sốc độc tố và để cứu mạng anh, bác sĩ phải cưa toàn bộ hai tay và hai chân của Matthew. “Tay chân tôi chết dần từ đầu chi và sản sinh ra rất nhiều độc tố có thể giết chết cơ thể của tôi. Đó là lý do các bác sĩ phải loại bỏ các chi của tôi, giúp tôi giữ lại mạng sống”, Matthew nói.
Daphne Deckers, người dẫn chương trình truyền hình, đồng thời là cựu người mẫu hàng đầu của Hà Lan, sau khi sinh hai con thì bị nhiễm trùng bàng quang và các vấn đề sức khỏe liên quan. Hơn một năm sau, các bác sĩ mới phát hiện nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn đa kháng thuốc kháng sinh.
“Hãy hình dung một kịch bản thế này: bạn bị bệnh rất nặng; bạn không biết những gì đang xảy ra, sau đó bạn thấy mình trong bệnh viện và các bác sĩ nói rằng trong số tám loại thuốc kháng sinh vốn công hiệu để chữa trị nhiễm trùng bàng quang do khuẩn E.coli gây ra, chỉ một loại có tác dụng đối với bạn. Bạn bắt đầu sợ hãi với ý nghĩ nhiễm trùng bàng quang trở thành căn bệnh không thể chữa được và nó thực tế có thể giết chết bạn”.
Căn bệnh của Daphne cuối cùng được chữa khỏi, nhưng cô lo lắng, liệu khi cô mắc phải một căn bệnh nhiễm trùng mới với vi khuẩn lờn thuốc thì cô có rơi vào hoàn cảnh thất vọng như lần trước?
Tiến sĩ Tiong Xun Ting, bác sĩ ở Malaysia là một người sống sót từ bệnh lao đa kháng thuốc (MDR-TB). Cô kể, năm 2013, khi quay trở về Malaysia sau mấy năm tham gia huấn luyện y tế ở Nga, cô mắc chứng ho, sốt và đổ mồ hôi ban đêm. Khi được chẩn đoán mắc bệnh lao đa kháng thuốc, cô đã khóc rất nhiều mà không tự lý giải nguyên nhân mắc bệnh.
Là một bác sĩ, cô biết điều trị MDR-TB đòi hỏi thời gian lâu dài và phức tạp hơn nhiều so với điều trị lao thông thường. Ting được điều trị một năm rưỡi, và phải chống chọi với rất nhiều tác dụng phụ của thuốc. Cô phải uống những viên thuốc lớn, phải tiêm rất đau đớn, kèm theo nó là những trận buồn nôn, ói mửa. Cô còn bị hạ đường huyết và mất ngủ triền miên. Trải nghiệm đau đớn dạy cho cô một điều rằng bác sĩ cũng là con người và ai cũng có thể bị nhiễm MDR-TB.
Áp dụng hệ thống hỗ trợ gia đình mở rộng trong điều trị y tế ở Uganda, Flora Mugisa đã giúp chăm sóc chị gái bị chẩn đoán mắc một loại bệnh lao (TB) kháng một số thuốc dùng trong điều trị. Trong vòng một năm, đến lượt Flora ngã bệnh. Cô mất cảm giác ngon miệng, người gầy rộc và có những cơn đau ngực dữ dội.
Flora không đáp ứng với việc điều trị bằng thuốc kháng sinh, cô cũng được chẩn đoán mắc bệnh lao đa kháng thuốc (MDR-TB). Sau gần hai năm điều trị ròng rã, Flora mới hồi phục, cô tăng cân trở lại, và biến mất các triệu chứng TB.
Cậu con trai Simon của Everly Macario (Mỹ) là một bé sơ sinh khỏe mạnh, cho đến khoảng 18 tháng tuổi, cậu bị sốt. Gia đình Macario đưa cậu nhập viện vào buổi tối, sáng hôm sau cậu bé qua đời. Các bác sĩ xác nhận Simon chết vì bị nhiễm trùng khởi phát nhanh. Nhiều tháng sau đó, gia đình mới biết được từ kết quả khám nghiệm tử thi rằng nguyên nhân tử vong của cậu bé là kháng methicillin mang tên staphylococcus aureus, thường xuất hiện ở mũi và đường hô hấp.
Nhắc đến cái chết của con trai, Macario nói cô hy vọng câu chuyện này giúp mọi người nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, đó là “nếu chúng ta không đối xử với thuốc kháng sinh như một nguồn tài nguyên quý giá chỉ được sử dụng trong các trường hợp thực sự cần thiết thì chúng ta tiếp tục có cảm giác sai về mức độ an toàn của dược phẩm”.
Làm thế nào để ngăn ngừa hiện tượng kháng thuốc? Theo CDC, cách tốt nhất để ngăn ngừa hiện tượng kháng thuốc là chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết và theo đúng chỉ dẫn của chuyên môn. Điều quan trọng nữa là chỉ nên dùng thuốc kháng sinh với các loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn chứ không dùng cho các bệnh nhiễm virus như ho, cảm lạnh hoặc cúm. Nên chú ý đến một số khuyến cáo sau: khi đã kháng thuốc, nên cho bác sĩ biết để dùng thuốc cho thích hợp; không tiết kiệm thuốc để dùng cho lần tiếp theo, nên loại bỏ thuốc thừa; dùng thuốc kháng sinh đúng theo đơn bác sĩ, không bỏ liều khi thấy đỡ bệnh, nếu dừng lại sẽ làm cho khuẩn kháng thuốc; không dùng kháng sinh của người khác. Uống thuốc không đúng có thể làm tăng bệnh và làm cho khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở; nếu bác sĩ khuyên không nên dùng thuốc kháng sinh thì không nên ép bác sĩ kê đơn để dùng loại thuốc này…
Thanh Hiền (Theo WHO, Guardian, cdc.gov, fda.gov, news-medical.net)