Có thật con đang rất ổn?

02/05/2024 - 06:16

PNO - Vài bức ảnh chụp nơi con ở, bạn bè con đang giao du hay vài cuộc gọi video chưa đủ nói rằng "con đang rất ổn".

Những đứa con thành đạt, giỏi giang là niềm mơ ước và tự hào chính đáng của các bậc cha mẹ (ảnh minh hoạ)
Những đứa con thành đạt, giỏi giang là niềm mơ ước và tự hào chính đáng của các bậc cha mẹ (ảnh minh hoạ)

Tôi từng đọc những bài viết "khoe con" của những người có con du học ở những ngôi trường danh tiếng, học bổng cao hoặc có công việc "xịn" sau khi tốt nghiệp. Nhưng đó chỉ là bề nổi của cuộc sống du học sinh, khiến nhiều người lầm tưởng việc du học chỉ toàn màu hồng. Tôi từng có những suy nghĩ lạc quan như thế cho đến khi tận mắt chứng kiến cuộc sống của một số du học sinh tại Mỹ.

Nhà bạn tôi ở Mỹ cho "share" phòng (cho thuê một hoặc nhiều phòng, khách ở chung với chủ nhà). Trong số khách thuê phòng của bạn tôi có một du học sinh bậc đại học từ Việt Nam sang. Cậu bé trông rất ngoan, nói năng lễ phép, có kiến thức, đúng kiểu được giáo dục bài bản. Nhưng nghe bạn tôi kể và sau vài lần nói chuyện với cậu bé ấy, tôi không tránh khỏi cảm giác lo ngại.

Ba mẹ của cậu bé khá kỹ tính, họ sang tận nơi thuê nhà cho con ở, xem mặt chủ nhà rồi mới về. Thế nhưng, khi còn lại một mình, tủ lạnh riêng của cậu chất đầy bia, rượu, nước uống có cồn và thức ăn nhanh. Ngày nghỉ, nếu không đi đâu thì cậu chỉ ra ăn qua loa mấy món ăn nhanh rồi lui về phòng online suốt với chiếc điện thoại và chẳng trò chuyện với ai.

Trong một phút cao hứng, cậu khoe với tôi rằng cậu thường đến chơi ở các bar, club, sàn nhảy, rằng cậu và bạn bè hay đi chơi qua đêm vì xa nhà, nếu chỉ học rồi ở một mình sẽ rất buồn chán... Rằng ba mẹ cậu luôn an tâm về cậu.

Tôi cũng có con trạc tuổi cậu, và tôi băn khoăn không biết cha mẹ cậu an tâm thế nào về cuộc sống của một đứa con mới ngấp nghé tuổi 20 với quá ít trải nghiệm sống nhưng lại tự tin quá mức.

Trước đó, nhà bạn tôi có một du học sinh nữ thuê phòng. Từ khi cô bé ấy thường xuyên đưa bạn trai về ngủ qua đêm và chủ nhà hay nghe đôi bạn trẻ cãi nhau. Bạn tôi nhắc nhở và cô bé ấy đã dọn đi nơi khác, có lẽ để được riêng tư, thoải mái hơn.

Một người quen khác của tôi thì tá hoả khi phát hiện con mắc bệnh nghiêm trọng trong một lần sang thăm và thấy các loại vỏ thuốc con tự mua uống. Con không cho ba mẹ biết tình trạng sức khoẻ, vì sợ ba mẹ lo, và cũng có thể con cho là bệnh của mình chẳng đáng lo ngại.

Đừng vì chút hư danh hay sĩ diện hão mà cha mẹ vô tình tạo áp lực cho con cái (ảnh minh hoạ)
Đừng vô tình tạo áp lực cho con cái (ảnh minh hoạ)

Nhiều nhà "có điều kiện" cho con du học và thường xuyên sang thăm để "mục sở thị" cuộc sống của con, nhưng không phải nhà nào có con đi học xa cũng biết con ăn ở ra sao. Vài bức ảnh chụp nơi con ở, bạn bè con đang giao du hay vài cuộc gọi video chưa đủ nói rằng "con đang rất ổn".

Có thể có người cho rằng nỗi lo của tôi là thừa, vì ngày xưa thanh niên tuổi đôi mươi đã có thể lập gia đình, sinh con đẻ cái và cuộc sống vẫn ổn, có sao đâu? Nhưng tôi nghĩ lập luận ấy chỉ đúng ở thời đại "một ngàn chín trăm hồi đó". Thời nay khác nhiều rồi. Con cái chúng ta đã đi xa hơn, quan hệ rộng hơn và có thể làm những điều khác hơn chúng ta tưởng tượng, cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Cũng có thể do quan điểm sống giữa tôi và cậu bé kia có một khoảng cách lớn giữa 2 thế hệ nên tôi thấy bất an.

Tôi nghĩ, chúng ta có thể tin tưởng con, tin những điều mình đang làm cho con là tốt đẹp. Nhưng đừng chủ quan phó thác con cho cuộc đời khi những đứa trẻ chưa đủ sức "đề kháng" để miễn nhiễm trước những cám dỗ hay tai ương...

Vĩnh Thuỵ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI