edf40wrjww2tblPage:Content
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã lấy của Thắm một phần tuổi trẻ phiêu bạt và đam mê, để rồi bộ phim trở thành tác phẩm đủ sức phá vỡ mọi kỷ lục của phim tài liệu.
Từng bị hỏi là “con gái hay pê-đê”
Thắm hiền lành, mộc mạc như cái tên. Gặp Thắm trước ngày cô về lại quê hương Gia Lai, chuẩn bị cho chuyến đi dài đến Liên hoan phim Berlin và các nước châu Âu, Thắm bảo mọi thứ đến với Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã vượt quá xa suy nghĩ của cô từ ngày quyết định “ôm máy theo đoàn”.
“Với người làm phim độc lập, điều thôi thúc họ trước nhất chỉ là thỏa mãn cái tôi cảm xúc, sáng tạo của bản thân. Khi làm bộ phim này tôi không đặt mục tiêu gì cả, chỉ làm điều mình thích. Suốt mấy năm trời theo đuổi dự án, nhiều người nói tôi điên, chẳng biết bỏ công sức, thời gian theo đoàn hội chợ để làm gì. Không kiếm ra tiền mà mỗi lần đi về lại thấy phờ phạc, tàn phai” - Nguyễn Thị Thắm chia sẻ.
Thắm bảo, không hiểu sao lúc nào cũng chỉ thích một cuộc sống phiêu du, lang bạt khắp mọi nơi. Bởi thế, ngay khi tốt nghiệp khoa đạo diễn - Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM (nay là Đại học sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), cô đã đi tìm những đề tài có tính “du mục”. “Trong một lần làm phim cho một tổ chức Hà Lan ở Nha Trang, tình cờ thấy có đoàn của chị Phụng tôi tạt vào, ngồi đợi đoàn hai tiếng để xin quay. Tôi cứ nghĩ chỉ cần nhiều nhất bốn tháng sẽ quay xong” - Thắm nhớ lại.
Nhưng để hoàn thành bộ phim, Thắm đã phải mất 5 năm ròng rã, một phần cũng vì thiếu kinh phí. “Lúc từ đoàn trở về, người tôi cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn không thể… tái hòa nhập cộng đồng. Suốt mấy tháng tôi không làm được gì ra hồn, nhiều lúc nhớ đoàn, nhớ mọi người, vậy là cứ bắt xe đi vô định rồi lại về. Đến giờ, dư âm về bộ phim vẫn còn, cảm xúc cứ nối dài sau những buổi chiếu, những chuyến về thăm gia đình chị Bích Phụng, những chia sẻ cùng nhau…” - Nguyễn Thị Thắm tâm sự.
Thắm đã sống như một thành viên trong đoàn hội chợ Bích Phụng, những lúc cầm máy quay thì tách mình ra, nhưng có lúc cũng leo trèo căng lều, dựng bạt. Buổi tối Thắm hòa mình thành nhân viên đi bán vé nhà hơi, xe lửa, lô tô… Đến nỗi nhiều khách đến hội chợ còn hỏi Thắm “em là con gái hay pê-đê vậy?”. Mỗi lần như thế, Thắm chỉ cười, ai muốn hiểu sao thì hiểu.
“Nhớ những đêm trăng sáng, mấy chị em ngồi trò chuyện với nhau trên bãi cát, tâm sự đủ chuyện trên đời. Mấy chị cứ lo không biết sau này Thắm về thành phố có còn nhớ mọi người không. Rồi sau này Thắm lấy chồng mọi người có được mời đám cưới…” - Thắm hồi tưởng. Suốt 5 năm, tâm trí Thắm chỉ quanh quẩn với đoàn hội chợ. Và cũng ngần ấy thời gian Thắm sống cùng với những nỗi buồn của bao thân phận con người. Một phần tuổi trẻ của Thắm đã gửi vào những thước phim thấm đẫm sự chia sẻ và giá trị nhân văn. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã mở cho Thắm hành trình đầu tiên đến với những giải thưởng quốc tế…
Nguyễn Thị Thắm và ông nội ở Ninh Bình
Thích cuộc đời phiêu bạt
“Thời tôi mới vào nghề, có người nói với tôi rằng em chọn con đường này là đã chọn cô đơn. Khi đó tôi không hiểu, nói rằng tôi có nhiều bạn bè, cuộc sống đang rất vui như thế cô đơn làm sao được. Nhưng bây giờ tôi mới thấm thía. Khi làm phim, tôi bước vào thế giới của riêng mình lúc nào không hay, để rồi có những lúc thấy mình sống trong nỗi cô đơn không thể giãi bày. Có lẽ mình đã sống với quá nhiều cảm xúc, khó mà tìm được cảm giác bình yên” - Nguyễn Thị Thắm bộc bạch.
Gia đình, bạn bè đều biết Thắm liên tục có những chuyến đi nước ngoài, được vinh danh với các giải thưởng và được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng khó ai biết Thắm phải đối diện với mình trong cảm giác đơn độc giữa sân bay khuya, lầm lũi trên đường giữa đất khách quê người. “Nhiều lúc cũng mong mình tìm được một người bạn đường, không phải bạn đời (cười) để có thể cùng chia sẻ cảm xúc làm phim, cảm xúc đường dài mà có lẽ là khó lắm” - Nguyễn Thị Thắm nói vui. ĐD đã là một nghề gian khó rồi, huống gì lại là ĐD phim tài liệu - con đường thầm lặng nhưng đầy thử thách về cả đam mê lẫn sức bền.
Với diễn viên Hồng Ánh
Thời rong ruổi theo đoàn hội chợ Bích Phụng, Thắm cũng không nói cho bố mẹ biết, sợ gia đình lo. Chỉ có anh trai thi thoảng ghé đoàn chơi, nhìn Thắm “bệ rạc không ra con gái nữa”. “Mãi đến sau này bố mẹ mới biết, có được bộ phim tôi đã phải vất vả thế nào. Nhưng con đường của tôi bây giờ cũng chỉ có đi…” - Thắm bày tỏ.
Cô bảo mình đã có “dấu hiệu tự lập” ngay từ nhỏ rồi. Mới học lớp 4 đã không “yên phận”, không ai sai bảo cũng tự đi hái rau, nhặt ve chai bán kiếm tiền. “Xài tiền mình kiếm được thấy yên tâm hơn” - Thắm nói vui. Bây giờ cũng vậy, những lúc thiếu tiền làm phim, thiếu cả tiền để “sống một cuộc đời bình thường”, Thắm cũng không than vãn một tiếng nào với bố mẹ.
Con gái tuổi chuột, cung Xử Nữ, thích một cuộc sống phiêu bạt, thậm chí thích cả sự bấp bênh, vậy nên, Nguyễn Thị Thắm vẫn đang tiếp tục dọn đường cho mình với phim tài liệu, sau hàng loạt những phim ngắn: Chào con, chào baby! Hai ông cháu, Xe ôm rồi đến Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Bây giờ “cô Thắm” đang ấp ủ làm phim tài liệu về mùa nước nổi, bởi ở đó thiên nhiên đẹp, con người cũng đẹp trong những cuộc mưu sinh theo con nước. Và miền Tây hào sảng, nơi mà Thắm có thể tung tăng với sở thích “trôi dạt” của mình.
TIỂU QUYÊN