Cô Thắm và những học trò đặc biệt

17/09/2020 - 16:19

PNO - Với cô Thắm, mỗi ngày đến trường được thấy các con tiến bộ dù chỉ là một hành động nhỏ cũng đã rất vui.

Ngày mới bắt đầu, trong ngôi trường chuyên biệt Bình Minh (phường Tân Thành, quận Tân phú) cô Lê Thị Hồng Thắm - giáo viên phụ trách lớp 1C luôn có mặt từ rất sớm. Cô sắp xếp lại tất cả đồ dùng học tập, vệ sinh phòng học để đón những “đứa con đặc biệt” của mình.

Lớp 1C hiện có 13 học sinh từ 7 đến 17 tuổi, trong đó có 5 em chậm phát triển, 4 em bệnh tự kỷ, 2 em tăng động, 1 em bị bệnh bại não và 1 em mắc hội chứng Down. Đón trò vào lớp, sau cái vẫy tay chào ba mẹ, các con có cả ngày ở trường cùng cô Thắm. Nhìn các con vui cười, gọi chào, cô Thắm đủ biết cảm giác an toàn, hạnh phúc của trẻ khi ở “ngôi nhà thứ hai” của mình.

Giờ học của các em tại trường chuyên biệt Bình Minh
Cô Thắm và các em tại trường chuyên biệt Bình Minh

Cần mẫn giúp con nắn nót từng nét chữ, cô Thắm nói: “Do điều kiện sức khỏe, không phải trẻ nào cũng được tròn nét chữ nhưng chỉ cần các con cố gắng, dù chỉ viết được tròn một chữ cũng được xem là thành công của hai cô trò”.

Mỗi giờ lên lớp của cô Thắm không chỉ dạy mà còn phải “giữ học trò”. Cô Thắm kể: “Chỉ cần mình quay lưng đi đã nghe tiếng các con khóc vì bị bạn cắn, đánh... Trẻ tăng động thì chạy nhảy liên tục hoặc có những hành động có thể gây tổn hại cho chính các con và các bạn xung quanh. Chính vì vậy, mình cần phải tập trung, không được lơi là một phút giây nào. Với trẻ có mức độ khuyết tật nặng, cô giáo là người trực tiếp lo từng miếng ăn giấc ngủ đến cả việc vệ sinh cá nhân”.

Cô tận tình rèn cho con từng nét chữ
Cô tận tình rèn cho con từng nét chữ
Cô lo từng bữa ăn cho các con
Cô lo từng bữa ăn cho các con

Ngoài giờ học, cô Thắm còn dạy các con kỹ năng cơ bản tự chăm sóc, tự bảo vệ và dạy hướng nghiệp với các công việc như kết cườm, làm hoa voan, trồng rau… Ví như kết cườm, người bình thường sâu dây rất dễ dàng nhưng đối với các con để xỏ được sợi dây cước vào một hạt cườm cũng phải đổ mồ hôi. Có khi 5 phút, 10 phút mới xỏ thành công được một hạt.

“Dạy trẻ khuyết tật khó hơn rất nhiều so với trẻ bình thường. Cô giáo dạy trẻ đặc biệt phải biết kiên trì, nhẫn nại. Chúng tôi phải tham gia các khóa học tâm lý, kỹ năng chăm sóc trẻ đặc biệt và học trong quá trình công tác của mình vì thực tế, diễn biến tâm lý của trẻ đôi lúc cũng khó lường trước được”, cô Thắm nói.

Giờ học hướng nghiệp của các em học sinh trường chuyên biệt Bình Minh
Giờ học hướng nghiệp của các con ở Trường Chuyên biệt Bình Minh

Nói về công việc của mình, cô Thắm chân tình: “Những ngày đầu đến với công việc cô cảm thấy thật sự áp lực, nhưng khi trở về, nhìn thấy con mình cô lại thấy thương các con ở trường nhiều hơn và có thêm nghị lực để hôm sau đến lớp cùng các con.

Cô Vũ Thị Cẩm Thúy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Thắm nhiệt tình và thương các con. Nếu không có lòng yêu trẻ thì rất khó gắn bó với nghề. Nhiều trẻ thành niên, cao to hơn cả cô giáo, lúc vui thì không sao, lúc tâm lý không ổn định, cô phải ngồi gồng mình cho trẻ đánh”.

20 năm gắn bó với nghề giáo thì có đến 14 năm cô Thắm gắn bó với các nhóm trẻ đặc biệt tại trường Chuyên biệt Bình Minh.

Để gắn bó với công việc, ít ai biết cô Thắm cũng phải đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Là cô giáo trẻ dạy tiểu học ở quê nhà (tỉnh Tiền Giang), cô lấy chồng và theo chồng về TP.HCM sinh sống. Cô ở nhà chăm sóc gia đình. Sau khi sinh 2 con, di chứng của căn bệnh sốt rét rừng khiến chồng cô mất sức lao động, phải nghỉ làm việc ở công trình, ở nhà phụ cô chăm sóc mẹ già đau bệnh. Để lo kinh tế gia đình, cô Thắm đi tìm việc làm rồi có cơ hội được gắn bó tại Trường Chuyên biệt Bình Minh.

Trải qua nhiều khó khăn, đến nay cuộc sống gia đình cô Thắm cũng đã phần nào ổn định, sức khỏe của chồng cô cũng khá hơn, hiện anh đang làm bảo vệ. Hai người con của cô học hành cũng giỏi giang, con trai đang là sinh viên năm ba Trường Đại học sư phạm, con gái đang học lớp 11.

Với cô Thắm, mỗi ngày đến trường được thấy các con tiến bộ dù chỉ là một hành động nhỏ cũng đã rất vui.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI