Có tâm lý không muốn đạt chuẩn nông thôn mới, không muốn thoát nghèo

30/10/2023 - 17:49

PNO - Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thừa nhận, có tâm lý không muốn đạt chuẩn nông thôn mới, không muốn thoát nghèo vì sợ không còn nguồn lực hỗ trợ.

 

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ có thực trạng không muốn thoát nghèo, không muốn đạt chuẩn nông thôn mới vì sợ mất nguồn lực, hỗ trợ
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ có thực trạng không muốn thoát nghèo, không muốn đạt chuẩn nông thôn mới vì sợ mất nguồn lực, hỗ trợ

Chiều 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nhiều ý kiến ghi nhận, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số hạn chế. Cụ thể, hệ thống văn bản hướng dẫn cồng kềnh xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu, cùng với đó sự phối hợp trên dưới, ngang dọc chưa chặt chẽ, khi thiết kế chương trình phức tạp nhưng nguồn lực hạn chế. Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ còn nhiều việc phải làm để kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương cùng tháo gỡ.

Mặc dù trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng cũng có cơ chế đặc thù cho riêng các vùng miền, điều này có sự chênh lệch giữa các địa phương. Qua các ý kiến của các đại biểu đã cho thấy trong cùng một vùng miền cũng có những tỉnh vượt lên. Do đó khi tiếp cận và vận hành chương trình thì vướng mắc nhất sẽ ở những địa phương dưới mức trung bình. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ trình với Ban Chỉ đạo Trung ương trong thời gian tới để tính toán vấn đề này.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện từ một xã gặp khó sau khi hoàn thành tiêu chí nông thôn mới thì các nguồn lực hỗ trợ không còn. Thực tế này cho thấy thiết kế 3 Chương trình mục tiêu còn có những lỏng lẻo.

“Ở đây cũng có áp lực kép, một phần mong muốn tất cả các xã lên nông thôn mới để hoàn thành đúng chỉ tiêu của Đại hội, nhưng có một phần, nhiều xã không mong muốn lên nông thôn mới vì bị giới hạn nguồn lực để hỗ trợ. Điều này giống với tư duy “dùng dằng” giữa thoát nghèo và ở lại hộ nghèo” - Bộ trưởng nói.

Vì vậy ông cho rằng, những vấn đề trong thiết kế chính sách trong thời gian tới sẽ xem xét để tạo được năng lực cụ thể cho địa phương. Bởi, nguồn lực nhà nước không thể hỗ trợ được hết mà cần phát huy được năng lực của cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, tâm lý không muốn đạt chuẩn nông thôn mới cũng giống tư duy "dùng dằng" không muốn thoát nghèo

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng khẳng định, trong thực tế có ghi nhận chuyện không muốn đạt chuẩn nông thôn mới vì sợ mất nguồn lực, không muốn thoát nghèo vì sợ mất chính sách.

Về vấn đề này, ông cho hay, Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách để sau khi thụ hưởng chương trình, mọi người có động lực để tự mình vươn lên. Mặt khác, ông mong các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội phải vận động bà con thụ hưởng những chương trình này phải có tâm thế mới hơn, tích cực hơn để vượt qua sự ỷ lại thì mới có kết quả tốt đẹp.

Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng hiện còn nhiều người dân chưa muốn thoát nghèo, nguyên nhân là do chương trình của chúng ta từ cách làm đến chất lượng chưa tốt, chưa có sự bền vững hoặc bền vững chưa cao để người dân có thể tin tưởng.

Ông thẳng thắn chỉ ra, các chương trình mục tiêu quốc gia có thực trạng hết chương trình, hết dự án, người dân nghèo lại hoàn nghèo. Vì vậy, quan trọng nhất là cách làm và chất lượng của chương trình phải bền vững để người dân "tự nhận thức, không ai muốn quay lại nghèo".

Trong khi đó, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) lại nhấn mạnh, Chính phủ cần có chính sách truyền thông hiệu quả, thay đổi nhận thức cho chủ thể hưởng thụ. Bởi theo ông, có một bộ phận ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh chưa cao. Việc này dẫn đến thực tế gia đình khá giả ở nông thôn làm việc quần quật, tiết kiệm từng giờ để kiếm thêm thu nhập, nhưng có những hộ nghèo rất thong thả, chờ đợi sự hỗ trợ.

Ông nhấn mạnh, các hộ nghèo cần biết tự lực cánh sinh và tự ứng phó mọi hoàn cảnh có thể xảy ra. Nếu không có ý chí quyết tâm, sự hỗ trợ cộng đồng, chương trình mục tiêu mãi mãi chỉ là sự hỗ trợ.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI