|
Chị Lê Thị Cảnh nâng niu đứa con tinh thần bún khô của vợ chồng |
|
“Vợ chỉ được cái nói đúng”
Nói về Kicafood thương hiệu bún khô, chị Lê Thị Cảnh không giấu được hạnh phúc lấp lánh trong đáy mắt: “Kicafood ra đời cũng như tình yêu của vợ chồng tôi bung nở thêm một nụ hoa vậy đó. Khi tôi mang bầu, anh Kiều đang làm việc ở Lào. Đã 3 năm chồng xa nhà, ngày tết, chồng mới về, tôi tưởng mình sẽ quen cảnh vợ chồng Ngâu, nhưng dường như khi có bầu, bà vợ nào cũng cảm thấy… tủi khi ở nhà một mình.
Trong một cuộc điện thoại, tôi tỉ tê với chồng: “Em biết, anh phải chấp nhận đi làm xa là để kiếm tiền cho cuộc sống gia đình mình thoải mái hơn, để gia đình mình được hạnh phúc. Nhưng em không thấy hạnh phúc khi vợ chồng mình sống cách xa nhau như vậy. Em thà chịu vất vả mà vợ chồng được ở gần nhau, con lại sắp ra đời, nó phải luôn được gần ba”.
Tiếp lời vợ, anh Nguyễn Ngọc Kiều kể: “Nghe vợ nói vậy, tôi cũng băn khoăn lo nghĩ. Chúng tôi quen rồi yêu nhau từ thời sinh viên. Cưới xong, tôi sang Lào làm quản lý cho một công ty nông sản. Tôi khô khan không thể hiện tình cảm bên ngoài, thế nhưng nghe vợ kể những lần đi khám thai kỳ thui thủi một mình; những lần ốm... không có chồng bên cạnh, tôi thương vợ nhiều lắm.
Xa nhà, mưu sinh ở nước ngoài, tôi chỉ mong muốn cuộc sống gia đình có thêm điều kiện, nhưng, vợ tôi nói đúng, có tiền mà vợ chồng không được gần nhau thì hạnh phúc cũng không trọn vẹn. Qua 1 đêm suy nghĩ, tôi không đắn đo nữa, mà xếp ba lô hành lý, về với gia đình”.
|
Gia đình của anh chị càng vui hơn khi có cậu con trai |
“Cặp vợ chồng mới cưới nào cũng vất vả, lo toan, vợ chồng tôi cũng vậy - chị Cảnh nói - Tôi thật may mắn, vì chồng hiểu và tôn trọng vợ. Tôi vụng về, nấu ăn không ngon, thu vén tiền bạc không khéo. Cái tôi được nhất là tình yêu tha thiết với chồng con và dám liều ủng hộ chồng tay trắng lập nghiệp”.
Vừa về nước, anh Kiều lao ngay vào việc mới. Anh hùn hạp làm ăn với bạn bè, nhưng chẳng bao lâu, anh lại cảm thấy không ổn. Được sống gần nhau, được chăm sóc nhau, vợ chồng trẻ vui thật vui, nhưng cũng nhiều trăn trở: Làm gì để kiếm tiền nuôi con đây?
Thời điểm đó, cuộc sống vợ chồng rất khó khăn, tằn tiện chi tiêu nhưng họ quyết tâm lập nghiệp. Họ rủ nhau tham gia một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Nhờ được chia sẻ, động viên của các chuyên gia, họ chọn nghề làm bún khô.
Nói về điều này, chị Cảnh tâm sự: “Tôi nhớ, buổi chiều đó kết thúc khóa trải nghiệm, vợ chồng tôi đi theo đoàn đến tham quan Tiểu chủng viện Làng Sông (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Lúc đó, vợ chồng tôi đang bộn bề lo toan. Hai đứa đứng trong một khung cửa nhìn ra trời chiều, nắng hắt cả một vùng sáng vào mặt.
Khoảnh khắc đó, một người anh cùng đoàn đã bắt kịp và ghi lại. Chính người anh đó đã truyền cảm hứng để vợ chồng tôi khởi nghiệp. Ngày đó, anh ấy đã hỏi anh Kiều có thương vợ không, rồi hỏi tôi có thương chồng không. Anh ấy khẳng định luôn, nếu vợ chồng yêu thương nhau thật sự, thấu hiểu thì cùng nhau làm việc, mọi chuyện sẽ tốt lên, giống như vợ chồng nhìn cùng một hướng là thấy ánh sáng ngay trước mắt mình. Điều gần như bắt buộc là phải cùng vợ cùng chồng. Những câu nói của anh bạn đó đã thức tỉnh yêu thương trong vợ chồng tôi, để chúng tôi mạnh mẽ nắm tay nhau gánh vác công việc”.
Mục tiêu chung nhà
Sau nhiều nỗ lực, thất bại rồi cũng thành công, vợ chồng xây dựng được cơ sở sản xuất bún khô Kicafood. Anh Kiều đảm nhận vai trò “giám đốc”, chị Cảnh làm trợ lý cho chồng, vừa tiếp tục làm công việc truyền thông tại một trường đại học. “Bây giờ vợ chồng mới được ở gần nhau chứ vẫn chưa thực sự chung nhà. Vợ tôi ở thành phố Quy Nhơn làm việc và chăm sóc, đưa đón con trai đi học; tôi phụ trách xưởng sản xuất ở xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân. Vì ít vốn, nên tôi chọn đặt xưởng ở nông thôn thuận lợi về mặt bằng, nhân công và thu mua nguyên liệu. Dự tính 1-2 năm nữa khi mọi chuyện đúng quỹ đạo, vợ chồng thuê người quản lý xưởng, tôi chuyển về Quy Nhơn, sống với vợ con và điều hành hoạt động của xưởng từ xa”, anh Kiều cho hay.
Hiện tại, anh Kiều vẫn theo sát hoạt động của xưởng bún khô. Cuối tuần, anh chạy xe gần 70 cây số về với vợ con. Cậu con trai hiếu động và thích chơi với ba. Còn chị Cảnh xuống bếp trổ tài nội trợ.
“Tôi nấu không ngon, nhưng nấu từ tâm. Vợ chồng cùng ăn, cùng nhìn con trai khôn lớn, cùng bàn về chuyện sản xuất bún khô. Mỗi ngày bình yên trôi qua như vậy là thấy đủ đầy”, chị Cảnh nói.
Nhiều thứ cùng nhau, nên những giận hờn, mâu thuẫn vợ chồng giảm dần. Vợ là khách hàng “ruột” của chồng, thẳng thắn góp ý về chất lượng của sản phẩm, chồng tôn trọng lắng nghe. Chồng còn biết ơn bà vợ tận tụy chăm sóc con trai, dõi theo công việc của chồng.
Qua 2 năm gầy dựng, đến nay, sản phẩm bún khô Kicafood được người tiêu dùng đón nhận. Tin vui đến với anh chị khi sản phẩm bún khô Kicafood được công nhận sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Định hạng 3 sao và được hỗ trợ để tiếp tục mở rộng.
“Anh chị có dự định gì tiếp theo chưa?”, nghe tôi hỏi, cả hai vợ chồng bật cười: “Dự định lớn lao thì không có, chỉ là muốn được sớm về chung một nhà đúng nghĩa. Còn bây giờ cứ nắm tay nhau thật chặt, cứ yêu thương, cứ khỏe mạnh để có những ngày bận rộn và những ngày cuối tuần dành riêng cho gia đình nhỏ bé. Hai vợ chồng đang nghiên cứu thị trường và quy chuẩn về tiêu chuẩn chất lượng để xuất bún khô Kicafood sang châu Âu vào sang năm”.
Thụy Vũ