Có sự hiểu lầm tai hại về sữa

24/12/2019 - 16:14

PNO - Nhiều quốc gia phát triển đã không còn khuyến khích tiêu dùng sữa bởi họ nhận ra sữa gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe hơn là công dụng mà chúng mang lại.

Trần Lan Hương Huấn luyện viên dinh dưỡng (health coach)

Nếu nhìn vào chính sách về dinh dưỡng của Chính phủ Canada trong những năm qua, sẽ thấy rằng, từ năm 2019 trở về trước, trong khuyến nghị về dinh dưỡng của Canada lúc nào cũng có sữa. Canada khuyên người dân dùng sữa 3 lần/ngày, nhưng sau đó, họ phát hiện ra rằng, sữa gây hại cho sức khỏe cộng đồng quá nhiều do tỷ lệ người bị cao huyết áp, tim mạch, ung thư… tăng vọt. Nguyên nhân có thể do hoóc-môn tăng trưởng trong sữa khiến sức đề kháng yếu đi. 

Năm 2019, Chính phủ Canada đã sửa đổi chính sách dinh dưỡng của mình, không còn sữa trong khuyến nghị nữa, thay vào đó là nước. Sữa được chuyển sang nhóm chất đạm, không khuyến khích dùng. Sản phẩm duy nhất còn lại trong nhóm khuyến nghị là sữa chua vì sữa chua có lợi cho sức khỏe, nhưng sữa chua cũng phải được làm từ sữa tươi hữu cơ (organic), lấy từ bò nuôi bằng cỏ, được chạy nhảy dưới ánh nắng mặt trời và lên men tự nhiên, không bỏ thêm đường… Tháp dinh dưỡng mà Đại học Harvard đưa ra cũng không còn sữa trong đó, cũng do “lợi bất cập hại”.

Co su hieu lam tai hai ve sua
Trong bảng hướng dẫn thực phẩm trước đây của Canada những năm trước, sữa và các sản phẩm từ sữa đều được khuyến nghị người dân sử dụng đều đặn... 

Sữa nằm trong nhóm đạm động vật, tức là nhóm không có lợi với sức khỏe người dùng. Nhưng thực tế, sữa vẫn được nhiều người tin dùng. Điều này có thể do các hãng sữa quảng cáo dày đặc khiến nhiều người tưởng rằng đó là thực phẩm lành mạnh. Nhiều người tin theo quảng cáo vì nghĩ rằng, dùng sữa bò, con cái mới thông minh, cao lớn, người già chống được loãng xương. Tuy nhiên, 14 chất đề kháng có trong sữa bò chỉ còn nguyên nếu uống ngay khi vừa vắt ra khỏi cơ thể bò.

Điều này giống như lập trình tự nhiên, sữa đó dùng cho bê con mới sinh ra, có hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống được vi-rút, vi khuẩn. Nhưng chỉ cần đem sữa đi thanh trùng, sẽ mất gần hết kháng thể, mang tiệt trùng thì chẳng còn chút kháng thể tự nhiên nào trong đó. Ra đến sữa công thức, không những không còn kháng thể mà rất nhiều dưỡng chất trong sữa đã bị phá hủy trong quá trình “tinh luyện” và bảo quản sữa. Đã có nghiên cứu cho thấy, khi đưa sữa công thức và sữa mẹ lên kính hiển vi, trong sữa mẹ có vô số kháng thể sống như những con siêu vi nhảy nhót trong đó, còn sữa công thức thì không có gì động đậy.

Co su hieu lam tai hai ve sua
... nhưng từ năm 2019, sữa không còn thuộc nhóm thực phẩm thiết yếu.

Sự khác nhau giữa sữa mẹ với sữa bò (thanh trùng, tiệt trùng, công thức) là sự khác nhau giữa sữa thật và sữa giả, sữa có kháng thể và không có kháng thể, giữa thực phẩm sống và thực phẩm chết. Sữa mang tính giống loài rất lớn, sữa của loài nào dùng để nuôi loài đó. Sữa bò lập trình nuôi bê con. Bê con được ưu tiên phát triển hệ cơ, xương, bắp hơn trí não nên hàm lượng can-xi, đạm trong sữa bò rất nhiều, nhưng hàm lượng DHA tự nhiên để cấu tạo não trong sữa bò vô cùng thấp, chỉ bằng 1/4 sữa mẹ. Các hãng sữa quảng cáo sữa bò bổ sung mấy lần DHA nhưng những thứ bổ sung vào không phải là tự nhiên. 

Sữa mẹ được lập trình nuôi trí não nên đạm, can-xi thấp nhưng DHA tự nhiên gấp 4 lần sữa bò. Đã có nghiên cứu chỉ ra, trí não của những đứa trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ phát triển hơn hẳn những đứa trẻ sử dụng sữa công thức. Trẻ bú sữa mẹ có thể không tăng cân nhiều bằng trẻ sử dụng sữa công thức vì sữa bò được lập trình cho con bê con tăng trưởng mỗi ngày 1kg, con bê dậy thì chỉ sau 1 năm tuổi, 2 năm tuổi thành con bò và có thể sinh con nên hoóc-môn tăng trưởng trong sữa bò cực kỳ lớn. Con người thì khác, 13 tuổi mới dậy thì, 17-18 tuổi mới cao lớn như mẹ; nếu cứ nạp sữa liên tục, nhất là các loại sữa công thức, bổ sung chất này chất nọ, chẳng khác gì nạp hoóc-môn tăng trưởng cho trẻ.

Hoàng Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI